Cậu bé chín tuổi người Việt Nam đã trở thành người trẻ tuổi nhất châu Á đặt chân đến Nam Cực. Đó là Phạm Vũ Thiều Quang, học sinh lớp 4 trường quốc tế Singapore, Hà Nội.
Thiều Quang là thiếu nhi châu Á đầu tiên đặt chân đến Nam Cực.
Ảnh: Internet
|
Kỳ nghỉ tết đáng nhớ
Mọi cậu bé đều có những giấc mơ được khám phá những miền đất mới lạ, Thiều Quang cũng không là ngoại lệ. Năm chín tuổi, Quang đã đặt chân đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đức, Pháp… và Tết Tân Mão 2011 là kỳ nghỉ đáng nhớ nhất trong cuộc đời Phạm Vũ Thiều Quang vì một trong những ước mơ của cậu bé đã trở thành sự thật: thực hiện chuyến thám hiểm Nam Cực.
Cha cậu bé, anh Phạm Quang Vinh và cũng là người đồng hành với Thiều Quang chia sẻ: “Để thuyết phục những người tổ chức cho Quang tham gia chuyến đi là chuyện không hề đơn giản. Vì thông thường, trẻ em từ 12 tuổi trở lên mới được chấp nhận”.
Trái với những lo lắng của người lớn, Quang rất háo hức trước chuyến đi. “Mình phải chuẩn bị rất nhiều thứ, từ quần áo chuyên dụng, ba lô, giày phải chịu được nước và còn phải học cách quấn gaiter - chống thấm nước từ gót chân đến đầu gối để tuyết và nước biển không lọt vào trong giày. Cặp kính đen cũng phải trở thành bạn đồng hành để “đối phó” với tia UV cực mạnh dưới tác động của ánh nắng mặt trời, vì tầng ozone ở Nam Cực đã có lỗ thủng”, Quang kể lại trên trang mạng cá nhân Facebook.
Với một lịch trình dày đặc: ngày 28-1, Quang và bố từ Hà Nội bay đến TP Narita (Nhật Bản), từ Nhật Bản đáp chuyến bay đến Dallas (Mỹ), sau đó tiếp tục tới Buenos, Aires (Argentina)… Thế nhưng, chuyến thám hiểm chỉ thật sự bắt đầu vào ngày 1-2, khi hai cha con nhà thám hiểm nhí đặt chân đến thành phố cực Nam của thế giới Ushuasia. Từ đây, Thiều Quang trở thành hành khách “đặc biệt” trên con tàu MS Fram của Hurtigruten (Anh) vượt kênh Beagle, vượt eo biển Drake Passage để dừng lại tại bán đảo Nam Cực ở 66033’ vĩ tuyến nam vào ngày 3-2, đúng ngày mùng một Tết Tân Mão. Quang trở thành em bé châu Á nhỏ tuổi nhất đặt chân đến Nam Cực.
Thời tiết ở Nam Cực không thể dự đoán và luôn sẵn sàng đe doạ bất cứ ai, mọi lịch trình của tàu đều phụ thuộc vào thời tiết. Thế nên với Thiều Quang, việc được đặt chân lên đảo Deception quả là một niềm vui lớn. “Mùa hè Nam Cực khiến đảo Deception không giống Nam Cực lắm, băng tuyết che phủ đỉnh núi, chân núi lộ ra những bộ xương cá voi khổng lồ, những con thuyền gỗ và ngôi mộ của những nhà thám hiểm đã hy sinh tại nơi đây”, Quang tường thuật lại.
Những ngày tiếp theo là ngày Thiều Quang quan sát, tìm hiểu về môi trường sống của chim cánh cụt trên hòn đảo Cuvervilla và vịnh biển Paradise. Ngày 7-2, đoàn thám hiểm đặt chân đến trạm Base W trên đảo Detaille, tại đây, Quang được mọi người trong đoàn mời ký tên vào cuốn sổ của Base W với niềm hãnh diện là thiếu nhi đầu tiên trên thế giới đặt chân đến trạm nghiên cứu này. Những ngày sau, con tàu MS Fram tiếp tục đưa đoàn thám hiểm đến trạm nghiên cứu Rothera Station trên đảo Adelaide, Base E trên đảo Stonnington, Base Y và hàng loạt những vịnh biển và đảo trên đất Nam Cực.
Góp phần bảo vệ môi trường
Thiều Quang tại đảo Deception.
Ảnh: Internet
|
“Rất nhiều người tò mò vì chuyến đi này. Thật sự, tôi chỉ muốn thực hiện một lời hứa với con, đó là hai bố con cùng khám phá thế giới như hai người bạn rủ nhau đi chơi. Bản thân tôi cũng không thể chắc chắn rằng chuyến đi có thành công hay không, đơn giản là phải đi đã”, anh Vinh viết.
Ước mơ được nhìn thấy chim cánh cụt, sư tử biển, cá voi của Thiều Quang đã thành sự thật. Không những thế, cậu bé Quang còn được quan sát công việc của các nhà khoa học cũng như các thiết bị máy móc hiện đại trên tàu và được cậu ghi lại bằng máy ảnh và máy quay với hy vọng sẽ chia sẻ những hình ảnh của chuyến đi đáng nhớ này với ông bà, mẹ, em trai và các bạn trong lớp.
Một bộ phim tài liệu về cuộc sống tự nhiên ở Nam Cực cũng đã được nhà thám hiểm nhí thực hiện với mong muốn góp một phần nhỏ bé vào việc kêu gọi các bạn nhỏ Việt Nam quan tâm sự biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống.
Giờ này, cậu bé Phạm Vũ Thiều Quang và bố vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình khám phá miền đất lạnh giá Nam Cực cùng con tàu MS Fram. Theo dự kiến, ngày 20-2 tới đây, Thiều Quang mới trở về Hà Nội, kết thúc chuyến đi đặc biệt của mình./.