Hạnh nguyện từ bi
Lúc mới bảy tuổi, một hôm đức Thích Ca đi xem lễ cày ruộng đã rơi lệ đau xót cho nỗi đau xót của chúng sanh phải xâu xé, giành giựt nhau để sống. Người thợ săn đang rình bắn con diều, con ó, những con này đang rình rập bắt những con gà, con chim nhỏ. Những con sau này lại tranh nhau, giành giựt những côn trùng mà lưỡi cày đã bới lên… Sự sống tồn tại bằng cái chết!
Những cảnh tượng ấy phơi bày ra trước mắt mọi người, nhưng chỉ có một mình ngài nhận thấy và đau xót, vì ngài đã hòa mình trong nỗi đau khổ của chúng sinh, đã chan hòa tình thương của mình trong mọi vật. Đấy là lý do, động lực chính thúc đẩy ngài đi tìm đạo sau này.
Khi rời cung điện để ra đi tìm đạo, đức Thích Ca đã tự nhủ với mình rằng: “Ta không muốn làm một kẻ chinh chiến, tắm bánh xe trong máu đào của muôn bãi chiến trường để rồi lưu lại cho hậu thế một kỷ niệm đỏ gớm ghê... Tiếng kêu đau thương của thế giới xé rách màn tai, lòng từ bi của ta chỉ muốn xóa bỏ những cảnh khổ đau của nhân loại”.
Và trên con đường đi tìm đạo, đức Phật đã không từ một cử chỉ nhỏ nhặt nào của tình thương. Ngài đã bế một con cừu què chân để cho nó theo kịp mẹ và nói với nó: “Dù con về xa đến đâu, ta cũng sẽ bồng con theo mẹ con cho đến đấy.
Trong lúc ta chưa tìm ra được phương thuốc để cứu độ toàn thể chúng sinh, thì ít ra, ta cũng cứu được một mình con khỏi đau khổ. Như thế còn hơn là ngồi trên núi như những kẻ tu hành kia để tự hành hạ thân xác và để cầu được thoát khổ với những vị thần bất lực”.
Như thế, đại nguyện của ngài là cứu độ cho toàn thể chúng sinh thoát vòng đau khổ. Cho nên sau khi đắc đạo, mặc dù nhận thấy đạo của mình thâm huyền, khó nói, khó bàn, ít người hiểu thấu, đức Phật cũng không nề khó khăn lao nhọc, đem ra truyền bá cho đời.
Cái đại nguyện vì đời mà hành đạo, vì tình thương mà san bằng bể khổ đã được đức Phật Thích Ca theo đuổi từng ngày, từng giờ, trong suốt bốn mươi lăm năm đi truyền bá giáo lý của ngài, cho đến phút cuối cùng, khi ngài nhập Niết Bàn.
Lóc thịt thế chim bồ câu
Vào đời quá khứ, tiền thân của Phật Thích Ca là vua Thi Tỳ cai trị một nước rộng lớn, giàu có, đông đúc, dân sống an lành. Một hôm, nhà vua soi gương thấy trên đầu đã có vài ba sợi tóc bạc. Vua nhường ngôi cho con rồi lên núi tu thiền cầu giải thoát, cứu độ chúng sinh.
Đế Thích là trời không biết ý của vua có muốn cầu làm Phạm Thiên hay Đế Thích hay không, liền bàn với một thiên quan. Thiên quan nói: “Nếu Đế Thích muốn biết thì phải thử”. Thế rồi Đế Thích hóa làm chim ó. Thiên quan hóa làm chim bồ câu. Chim ó rượt chim bồ câu chạy vào lòng nhà vua cầu xin cứu mạng. Chim ó đến đòi nhưng vua Thi Tỳ không trả.
Chim ó nói: “Chim bồ câu là thức ăn của tôi. Ngài cứu nó nhưng để tôi chết đói thì đâu có gọi là từ bi”. Nhà vua nói: “Ta sẽ lóc thịt của ta tế cho nhà ngươi”. Chim Ó nói: “Muốn cho công bằng thì thịt Ngài phải cân bằng thịt bồ câu”. Vua đồng ý.
Khi cân, để chim bồ câu một bên, thịt nhà vua một bên, nhưng lạ lùng thay, bao nhiêu thịt vẫn nhẹ hơn chim bồ câu. Cuối cùng, nhà vua định bước lên cân nhưng yếu sức nên té xỉu.
Lúc đó, Đế Thích và thiên quan hiện nguyên hình và nói với nhà vua: “Ngài tu từ bi khổ hạnh như vậy, mục đích muốn cầu quả vị gì? Cầu làm Phạm Thiên, Đế Thích, hay Chuyển luân thánh vương?”. Nhà vua trả lời: “Tôi tu hành, không cầu làm Phạm Thiên, Đế Thích hay Chuyển luân vương, mà mục đích cầu thành Phật để hóa độ chúng sinh”.
Đế Thích hỏi thân Ngài hiện nay đau đớn, Ngài có hối hận không? Nhà vua nói mình không hối hận. Đế Thích nói: “Làm sao biết Ngài không hối hận?”. Vua Thi Tỳ lập thệ rằng: “Xin mười phương chư Phật chứng minh. Nếu trong tâm tôi không có hối hận, thì xin cho thân thể tôi bình phục lại như cũ”. Lạ lùng thay, vua vừa phát nguyện xong thì thân bình phục lại như cũ. Thiên Đế Thích ca ngợi tán dương và nói: “Ngài chắc chắn sẽ thành Phật,” rồi lễ bái và biến mất.
Tại Bảo tàng lịch sử TP HCM có 1 pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng thau được bảo quản rất cẩn thận. Đây là một trong 30 bảo vật quốc gia được chính phủ công nhận đợt đầu tiên (năm 2012).
Tượng được một người Pháp phát hiện năm 1911 tại làng Đồng Dương (xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nên có tên khác là tượng Phật Đồng Dương.
Pho tượng cao 120 cm, nặng 120 kg, chỗ rộng nhất là 38 cm, vị trí dày nhất cũng 38 cm. Bức tượng là hình ảnh Đức Phật Thích Ca đứng thuyết pháp trên bệ tròn 2 tầng có cánh sen xung quanh. Tóc trên đỉnh đầu được bới từng vòng, quăn hình ốc.
Khuôn mặt Đức Phật tròn đầy đặn, đôi tai dài và mắt sâu, cổ ba ngấn. Vai phải để trần, áo từ vai trái rũ xuống theo kiểu nam thần Yaksha, thân dưới mặc Antariya dài tới mắt cá chân.
Khi phát hiện, các nhà khảo cổ học ở Trường Viễn Đông Bác Cổ và Hội Nghiên cứu Đông Dương đánh giá tượng Phật Đồng Dương có hình dáng hài hòa, kỹ thuật tạo y phục tinh tế làm toát lên vẻ uy nghiêm và là một trong những pho tượng Phật cổ thuộc hàng đẹp nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.
Ngoài thiết kế tinh xảo, tượng Phật còn hội tụ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hảo trong quan niệm của đạo Phật. Một trong các tướng tốt là bàn chân Phật chấm sát đất, khít với mặt phẳng đến cây kim cũng không luồn qua được.
Diệu tướng thứ 17 của nhà Phật cũng thể hiện ở hai tay, chân, mắt. Giữa cổ có khắc 3 ngấn chìm gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn”. Điểm đặc biệt nữa của pho tượng cổ là phần nổi trên đỉnh đầu, đây là tướng “nhục kế” trong Phật giáo.
Tượng Phật Đồng Dương đã được đưa đi trưng bày ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Bỉ… Trong triển lãm cổ vật Đông Nam Á tại Bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp), tượng được mua bảo hiểm 5 triệu đôla. Đây là mức giá bảo hiểm cao nhất cho một pho tượng của Việt Nam trưng bày tại nước ngoài.
Sau khi phát hiện tại Quảng Nam, tượng Phật được đưa ra bảo quản ở Hà Nội. Đến năm 1954, tượng được đưa vào Sài Gòn cho đến ngày nay.
Làng Đồng Dương nơi tìm ra pho tượng vốn là Phật viện lớn nhất của người Chăm xưa. Khu vực này hiện xuống cấp nghiêm trọng do sự tàn phá của chiến tranh và cả con người.