Hơn 16 năm sống chung vách thân thiết, nhưng khi bị chị Trương Thị Cúc (SN 1973, quê Nghệ An, trú khu tập thể Lâm Sản Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) xây sân bít mất lối đi tắt, người hàng xóm Đỗ Văn Trung (SN 1972, quê Thanh Hóa, cùng ngụ địa chỉ trên) đã đạp đổ tường, gọi hai “chiến hữu” tới hành hung khiến thiếu phụ hàng xóm ngất xỉu.
Trái qua phải (phòng Trung (cũ), phòng Cúc, phòng Trung mới xây trên đất chiếm dụng) |
Lòng tham vô đáy
Sự việc xảy ra vào ngày 5/8/2012. Theo người dân sống trong khu vực, khu tập thể được chuyển giao cho công ty Nông Lâm sản quản lý vào khoảng những năm 1990. Thời gian đó khu vực này còn hoang sơ vắng vẻ, ít người sinh sống.
Khi nhà máy hoạt động, để có công nhân lành nghề, lãnh đạo nhà máy phải đi tìm, tuyển lao động từ các huyện vùng sâu ở Đồng Nai, Thanh Hóa, Đắk Lắk... và giao nhà tập thể. Khu có một dãy gồm 20 phòng, mỗi phòng rộng chừng 30m2, hai bể chứa nước, một nhà tắm. Phía trước dãy phòng là một khoảng đất trống, tương ứng với phòng nào thì chủ phòng đó dùng làm sân nhà mình.
Hai gia đình này là hàng xóm sát vách, dù không thân thiết như anh em trong nhà nhưng hơn 16 năm nay “tắt lửa tối đèn” đều có nhau. Phòng nhà Trung ở giữa, còn phòng chị Cúc nằm phía ngoài. Ngoài mặt trước có khoảng đất làm sân như mọi nhà, một mặt bên nhà chị Cúc còn giáp với hai bể chứa nước, một nhà tắm công cộng có diện tích rộng tương đương với một căn phòng đã bỏ hoang hơn chục năm trước.
Khi gia đình Trung qua ngỏ ý muốn xây cái bếp nhỏ bên khu đất đó, chị Cúc vui vẻ đồng ý. Khi công trình được xây lên và là một căn nhà chứ không phải cái bếp, chị Cúc tá hỏa bởi cửa ra vào được trổ ngay bên hông, tức nếu muốn vào nhà mới, gia đình Trung phải đi tắt qua sân nhà chị Cúc.
Khi chị qua thưa chuyện, nói mai này khi mình xây tường bao quanh khoảng sân thì người hàng xóm sẽ không được đi qua sân nhà mình nữa, vợ chồng hàng xóm nhất định không chịu, còn lớn tiếng: “Nhà tao, tao làm, đất là của công ty, mày có quyền gì mà bắt tao phải thế này, thế nọ”.
Thấy hàng xóm “lý sự cùn”, chị bỏ ra về. Xích mích trên cũng qua đi, họ vẫn là hàng xóm tốt của nhau, ngay cả khi căn nhà trổ lối đi tắt trái khoáy làm người trong khu bất bình, gia đình chị vẫn “dĩ hòa vi quý”.
Mâu thuẫn bùng nổ bắt đầu từ một vụ trộm. Cách đây hai tháng, giữa “thanh thiên bạch nhật”, trộm lẻn vào lấy mất chiếc xe máy của gia đình Trung dựng ngoài sân. Tin này làm mọi người trong khu tập thể lo lắng, vì xưa nay nơi này vốn bình yên, mọi người vẫn quen dựng xe bên ngoài, chỉ ban đêm mới đưa vào nhà.
Từ lúc có trộm “viếng thăm”, ai cũng cảnh giác, nhưng “trộm rình mình chứ mình sao canh nổi trộm” nên nhà nào nhà nấy, hễ đi làm về là phải dắt tuốt xe vào phòng. Nhà chị Cúc cũng không ngoại lệ, căn phòng 30m2 cho bốn người đã chật chội, giờ chứa thêm cả chiếc xe máy nên càng tù túng. Dù chẳng dư giả gì nhưng vợ chồng chị quyết định làm lại mảnh sân, xây tường làm cổng, khóa lại cho an toàn; xe cộ có đi về cũng để được bên ngoài, đỡ mang vào phòng vừa mất công, lại chật chội.
“Đại chiến” hàng xóm
Với người trong khu, kế hoạch này là hợp lý vì ai cũng xây khoảng sân trên phần đất thuộc “sân nhà mình”. Riêng gia đình Trung không chịu, còn phản đối kịch liệt vì sân nhà chị Cúc nằm giữa ngôi nhà hợp pháp và ngôi nhà chiếm dụng của họ, nếu chị Cúc xây tường bao sân thì bít mất lối đi tắt. Trước đây từ bên này đi qua bên kia chỉ mất 3m, họ có thể đứng bên này liếc mắt trông ngang đã thấy nhà kia, nhưng nếu để chị Cúc xây sân họ sẽ phải đi vòng ra thêm tới 7m.
Chị Cúc lý luận “Dù là đất công ty, nhưng lâu nay vạt đất trống trước nhà nào nhà ấy được quyền sử dụng, việc tôi xây là hợp lý”. Có vẻ đuối lý, anh hàng xóm bỏ về. Sáng 5/8, thấy vợ chồng hàng xóm chở vật liệu về, Trung chạy qua lớn tiếng đe dọa: “Tụi mày thích cứ xây, chiều tao đập hết” rồi bỏ đi. Phía chị Cúc thấy mình chẳng làm gì sai, giải thích thì hàng xóm không chịu nghe nên cứ theo kế hoạch mà làm.
Khoảng 3h chiều cùng ngày, Trung vừa về tới nhà liền kêu chồng chị Cúc qua phòng để hỏi chuyện. Biết Trung chẳng có ý tốt, lại đang dở tay nên anh chồng không qua mà nói: “Có gì anh ra ngoài này nói luôn”. Thấy hàng xóm không chịu “nghe lời”, Trung chạy ra đá liên tiếp vào bức tường mới xây, máu chảy túa ra chân mới dừng lại cởi áo cột vết thương. Cột xong, Trung nhảy qua nhà hàng xóm sấn sổ, “tao không chỉ đạp tường nhà mày, tao còn đánh luôn cả mày”. Vợ Trung thấy vậy chạy qua lôi chồng về nhà.
Vẫn tức tối, Trung móc điện thoại gọi bạn tới giúp sức. Khoảng 5 phút sau, hai thanh niên lạ mặt phóng xe máy tới đỗ xịch trước phòng chị Cúc, mỗi tên lượm ngay hai viên gạch, mặt đằng đằng sát khí, cùng Trung lao vào tấn công.
Quá bất ngờ, thiếu phụ vội vàng đẩy chồng con vào nhà trú ẩn, còn mình thì quay ra đóng cửa. Nhưng lúc này cả ba đã áp sát tới nơi nên hoảng quá, chị vớ ngay viên gạch gần đó ném đại ra ngoài hù họa. Ngay lập tức, một trận “mưa gạch” tới tấp ném trả lại. Nạn nhân chỉ nhớ có thế vì khi tỉnh dậy thì đã thấy công an khắp nơi. Sau khi lấy lời khai xong, Trung bị công an còng tay giải lên phường làm việc, được thả về ngay hôm đó.
Tan nát tình làng nghĩa xóm
Chỉ vào vết sẹo dài ở môi trên và tấm hình chụp khi mới bị hành hung, nạn nhân nói: “May mà trời thương, úc ấy nhiều người lo tôi sẽ bị sứt môi vĩnh viên”. Trận hành hung đó chị còn bị gãy hai chiếc răng cửa, 3 chiếc răng kế bên bị vỡ gần một nửa, phải đi cấy ghép lại, hễ trở trời là đau, nhức lên tận óc. Chị tâm sự nếu hàng xóm biết điều, chị cũng có thể bỏ qua nhưng hơn một tháng dưỡng thương ở nhà, gia đình này không hề sang xin lỗi hay hỏi thăm, mà còn đánh tiếng đe dọa.
Ngay cả khi chị làm đơn lên công an phường, hai bên được gọi lên để hòa giải nhưng người hàng xóm vẫn tỏ thái độ trịch thượng, tỏ ý mình chẳng sợ gì cả và tuyên bố nếu không chịu rút đơn thì “kiện tới đâu, tôi hầu tới đó. Điều khiến chị kiên quyết đi tới cùng còn bởi: “Nếu tôi sợ hãi, thỏa hiệp rút đơn kiện thì mai này chẳng biết hắn còn làm gì nữa?”.
Phía “đối thủ”, người vợ Trung một mực: “Chẳng việc gì phải xin lỗi, hai thanh niên đó là bạn nhậu cùng chồng tôi, thấy bất bình thì xông vào đánh, chồng tôi chẳng gọi ai tới cả. Đất chẳng phải đất nhà “nó”, nó xây tường lên, chúng tôi muốn vào nhà bên kia thì phải bay à?”. Hỏi sao chị không trổ cửa ra trước như mọi nhà mà trổ bên hông, người này sẵng giọng: “Có đất đâu mà trổ?” rồi quay sang “tố ngược” bị hại đã “dùng gạch đánh chồng tôi đến bươu đầu, thương tích khắp người”.
Những người trong khu tập thể đều lên tiếng bênh vực thiếu phụ gãy răng. Một hàng xóm trung niên nói: “Đúng là đất của công ty, nhưng từ trước tới giờ vạt đất trước phòng ai coi như sân nhà đó. Việc xây tường bao sân cũng hợp lý, Trung không chịu trổ cửa phía trước thì phải chịu chứ trách ai”.
Một hàng xóm khác bức xúc: “Mình chiếm dụng đất tập thể xây nhà thì được, người ta xây hàng rào lại báo bảo vệ công ty vào lập văn bản, chuyện chẳng giống ai”. Trước lời “tố ngược” bị chị Cúc hành hung, nhân chứng này ngao ngán: “Chảy máu đâu sao chúng tôi không ai thấy. Anh ta tự đá chân vào hàng rào chảy máu, ai cũng biết”.
Hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên công an thị xã Dĩ An, hứa hẹn “đại chiến” giữa hai gia đình này vẫn chưa chấm dứt. Ai đúng ai sai thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ, chỉ thấy tiếc là những cư dân của khu tập thể đã không tôn trọng quy định chung.
Nếu khi Trung chiếm dụng đất công làm ngôi nhà “sơ cua”, mọi người ngăn cản, báo công ty và chính quyền; nếu khi xây tường bao sân, chị Cúc cũng thông báo với cơ quan chức năng thì đã tránh được tình trạng hai bên “tự xử”. Cùng cảnh xa quê nhưng không đùm bọc nhau, tình làng nghĩa xóm gần 20 năm tan nát vì cái bức tường vô duyên.
Bảo Hằng