Hơn một năm sau cuộc vận động “Người Việt
Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước được người tiêu dùng tín nhiệm Ảnh: Duy Lân |
Doanh nghiệp “chung tay”
Hơn một năm sau cuộc vận động “Người Việt
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cùng nhau liên kết và xây dựng chiến lược dài hạn, tăng cường tính chuyên nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và quản lý hiện đại. Điển hình là chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Coop Mart, Hapro Mart, Phú Thái Group, Vinatex, Fivimart...Tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội như Big C, Fivimart, Hapro... sản phẩm nhập khẩu giảm đáng kể, chỉ còn chiếm khoảng 20 - 30% tổng số lượng hàng hóa. Hàng nội không chỉ tăng về số lượng được bày bán, mà lượng tiêu thụ thời gian qua cũng đã tăng đáng kể. Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Siêu thị Fivimart, cho biết: so với cùng kỳ năm trước, lượng hàng hóa trong nước sản xuất bán ra đã tăng thêm khoảng 20%. Nguyên nhân chính là chất lượng, mẫu mã hàng hóa được cải tiến nhiều và giá cả cũng cạnh tranh hơn. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), khẳng định: qua những chuyến hàng Việt về nông thôn thực hiện cùng BSA thời gian qua, các doanh nghiệp nhận ra rằng thị trường nông thôn vẫn còn rất nhiều “đất” để phát triển. Và chương trình cũng tạo dựng trong doanh nghiệp niềm tin rằng họ sẽ làm chủ được thị trường nếu có phương pháp thích hợp và liên kết chặt chẽ với nhau.
Đưa hàng Việt đến tay người dân nông thôn
Khu vực nông thôn vốn được coi là thị trường đầy tiềm năng bị bỏ ngỏ bấy lâu nay, đã được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Để chiếm lĩnh và giữ vững thị trường, nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội đầu tư chiều sâu và mở rộng hệ thống phân phối với nhiều chương trình đưa hàng Việt có chất lượng cao đến tận tay người tiêu dùng.
Lạng Sơn là địa bàn có sự phân bố hàng hóa khá phức tạp vì đây là tỉnh biên giới giáp Trung Quốc. Từ trước đến nay, người dân Lạng Sơn quen dùng hàng hóa phần lớn có nguồn gốc từ bên kia biên giới. Thói quen đó không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được. Tuy nhiên, sau lần đem hàng Việt về nông thôn Lạng Sơn mà BSA thực hiện hồi đầu năm 2010, các doanh nghiệp trong nước nhận thấy người dân Lạng Sơn không hề quay lưng với hàng Việt. Chính vì thế, những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn như cánh tay nối dài, hỗ trợ doanh nghiệp gây dựng được mạng lưới phân phối hàng hóa vững chắc tại địa phương.
Giám đốc Công ty cổ phần cao su DRC Đà Nẵng thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Hà Phước Lộc cho biết, doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt cuộc vận động thông qua việc đáp ứng hơn 80% nhu cầu đối với các sản phẩm săm, lốp xe đạp và hơn 60% nhu cầu sản phẩm săm, lốp ôtô tải tại thị trường Việt Nam. Bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ: lâu nay người ta nghĩ đến thị trường nông thôn với một sự ngán ngại khi phải đầu tư một khoản chi phí khá lớn để vận chuyển, để duy trì mạng lưới phân phối, đặc biệt đối với những địa phương xa xôi. Sự đầu tư ấy không chỉ là tiền bạc, mà còn là nguồn lực con người phải bỏ ra. Tuy nhiên, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người tiêu dùng trên cả nước được tiếp cận trực tiếp với hàng hóa, thương hiệu Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt kết quả cao, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự hưởng ứng đồng bộ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà trước hết, các cơ quan Nhà nước phải coi việc sử dụng hàng Việt là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ba yếu tố quan trọng giúp hàng Việt chiếm được cảm tình của người tiêu dùng là giá cả, chất lượng và dịch vụ hậu mãi. Nếu thực hiện tốt ba tiêu chí này, hàng Việt Nam sẽ đẩy lùi thói quen “sính hàng ngoại” của người Việt Nam, chiếm được vị trí xứng đáng tại thị trường nội địa.
Đỗ Huyền