Trong cuộc làm việc với lãnh đạo huyện Cát Hải vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành một lần nữa chỉ rõ nguy cơ không thể cứu vãn môi trường các vịnh Cát Bà khi số lượng ô lồng thủy sản đã lên tới hàng vạn, trong khi chỉ có thể phát triển ở con số dưới 1 nghìn.
Dày đặc các ô lồng nuôi thủy sản trên vịnh Lan Hạ (Cát Hải) Ảnh: Tuyết Nga |
Giảm một nửa số ô lồng- khó mà dễ
Duy trì và khuyến khích nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá lồng bè nói riêng trên các vịnh ở Cát Bà là giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế nơi đây. Qua đó, tạo việc làm, thu nhập cho người dân và nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho dịch vụ du lịch Cát Bà. Tuy nhiên, thay vì sớm quản lý, quy hoạch vùng nuôi, cách thức nuôi hợp lý, số lồng bè trên các vịnh Lan Hạ, Bến Bèo, Cát Bà phát triển ồ ạt, không kiểm soát được, gây ô nhiễm môi trường nước, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, kìm hãm sự phát triển du lịch Cát Bà. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành chỉ đạo: phải giảm một nửa số ô lồng hiện có, tức là chỉ để lại từ 5000 đến 6000 ô lồng. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi thực tế cho thấy kìm hãm sự phát triển ồ ạt các lồng bè đã khó, tháo dỡ những lồng bè các hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng còn phức tạp hơn nhiều. Nhưng, vì môi trường, sự sống bền vững của chính những người dân trên đảo và hơn hết là bảo vệ giá trị không thể đong đếm của Cát Bà về thiên nhiên và tiềm năng du lịch sinh thái thì việc tháo bỏ ô lồng của các hộ nuôi chiếm dụng mặt nước trái phép cũng dễ tạo được sự đồng thuận.
Ý thức được tác động xấu từ việc nuôi lồng bè, huyện Cát Hải thực hiện một số biện pháp mạnh siết chặt quản lý. Bước đầu cưỡng chế thành công 59 phên dậu nuôi trái phép trên vịnh Bến Bèo hồi cuối năm ngoái. Để làm được điều này, huyện huy động tổng lực từ lãnh đạo đến các phòng ban và thị trấn Cát Bà vào cuộc vận động, tuyên truyền các hộ tự tháo dỡ, di chuyển cá sang các ô lồng. Sau đó, cưỡng chế các hộ nuôi không chấp hành, vi phạm chiếm dụng mặt nước trên vịnh. Cái được đã rõ ràng, vịnh biển thông thoáng hơn, trả lại cảnh quan, dòng chảy, lưu thông của tàu bè và hơn hết là giảm lượng lớn chất thải từ nuôi phên dậu xả xuống vịnh. Nhưng ở góc độ nào đó đây là việc cực chẳng đã bởi cuộc cưỡng chế diễn ra hao người, tốn của, với hàng tuần, thậm chí hàng tháng phải huy động lực lượng và phương tiện giải quyết. Chưa kể lực lượng chức năng dù là người đi tuyên truyền, kiểm tra hay người tham gia cưỡng chế, xử phạt đều vấp phải sự bất hợp tác, chống đối, thậm chí đe dọa của những người có liên quan và bị ảnh hưởng quyền lợi. Đây là sự cảnh tỉnh cũng như thể hiện ý chí quyết tâm “sửa sai”, thiết lập lại trật tự, bảo vệ môi trường vịnh biển của huyện Cát Hải. Qua đó, có tác dụng giáo dục, răn đe và chứng tỏ vì lợi ích chung, việc giảm số ô lồng trên vịnh dù khó đến mấy cũng có thể làm được.
Hoàn thành quy hoạch vùng nuôi trong quý 2-2010
Thừa nhận hạn chế trong công tác quản lý vùng mặt nước các vịnh của các ngành chức năng huyện Cát Hải, Bí thư Huyện ủy Phạm Trí Tuệ cho rằng, nếu quy hoạch chậm cùng với tái diễn tình trạng thiếu kiên quyết, kém hiệu quả trong quản lý nuôi trồng thủy sản theo kiểu quay ô lồng án ngữ mặt nước, môi trường các vịnh ở Cát Bà khó có thể cứu vãn. Thực tế, các hộ nuôi vì phải đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng đổ xuống biển, chưa có thu hoạch mà phải tháo dỡ, “của đau, con xót” cũng là điều dễ hiểu. Nhưng giá như, huyện Cát Hải kiên quyết ngay từ đầu, không để “sự đã rồi” thì mọi chuyện đơn giản hơn rất nhiều.
Rõ ràng mấu chốt của vấn đề nằm ở sự chậm trễ trong công tác quy hoạch vùng nuôi thủy sản tại các vịnh Cát Bà.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành chỉ đạo: Ngành Nông nghiệp và PTNT thành phố phối hợp chặt chẽ với huyện Cát Hải hoàn thành quy hoạch vùng nuôi thủy sản trong quý 2- 2010. Trong đó, xác định điểm nuôi phù hợp, bảo đảm mỹ quan cũng như kích thước, số ô lồng trên mỗi bè và khoảng cách hợp lý giữa các bè nuôi. Mặt khác, cần quy định công nghệ, thức ăn nuôi không gây ô nhiễm nguồn nước.
|
Điều quan trọng nhất được Chủ tịch Nguyễn Văn Thành lưu ý là có biện pháp quản lý môi trường, không để gây ô nhiễm từ việc nuôi thủy sản lồng bè. Cần tổ chức dịch vụ thu gom rác, không cho gia đình sinh sống trên bè, quy định loại thức ăn cho cá… Kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức với xử lý nghiêm vi phạm. Có như vậy, việc quy hoạch và sắp xếp lại lồng bè mới đem lại hiệu quả, giá trị thiết thực, đồng thời để người dân yên tâm sản xuất, góp phần phát triển du lịch dịch vụ, ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội huyện đảo.
Văn Lượng