Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thí sinh cần chọn kỹ
Lập tổ hợp hay mở ngành đào tạo mới đang là xu thế của rất nhiều trường ĐH, bao gồm cả các trường ĐH top trên và top dưới. Theo bà việc này xuất phát từ nhu cầu thực tế hay là sự cạnh tranh trong công tác tuyển sinh giữa các trường?Bà có lời khuyên nào dành cho thí sinh?
- Tôi có thể khẳng định việc mở ngành mới, trước hết phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, bởi nếu chỉ để thu hút thí sinh trong vài ngành mới mà không xuất phát từ yêu cầu thực tế thì sẽ không bền vững.Trong điều kiện thông tin truyền thông phát triển như hiện nay, nếu không thực chất, thực tế thì người học, xã hội sẽ sớm nhận ra và uy tín của trường bị ảnh hưởng, các ngành đào tạo khác của trường có thể cũng bị nghi ngờ. Vì vậy, mất sẽ lớn hơn được nên các trường không thể không xuất phát từ thực tế yêu cầu của cuộc sống và từ năng lực của chính mình để mở rộng ngành nghề đào tạo.
Nhiều trường để đào tạo ngành mới, trường phải liên kết quốc tế, kết hợp với doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp chủ động đặt hàng đào tạo. Nếu các điều kiện đảm bảo chất lượng được thực hiện tốt thì sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm cao. Tuy nhiên, cơ hội và tỷ lệ việc làm thực tế của sinh viên phụ thuộc vào trách nhiệm và điều kiện đầu tư của trường. Vì vậy, sinh viên nên chọn các trường có uy tín hoặc trường mới nhưng được đầu tư tốt, các điều kiện đảm bảo chất lượng tốt, có hợp tác quốc tế với các trường uy tín hoặc có hợp tác doanh nghiệp để đào tạo ngành mới. Ngoài ra, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin khi đăng ký xét tuyển trên website của trường, Cổng thông tin thi tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và thông tin về nhu cầu, cơ hội các ngành mới phương tiện truyền thông.
Còn nhớ 7-8 năm trước, nhiều trường đại học ồ ạt mở các ngành như kế toán, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, văn phòng… dẫn tới sự bão hòa, thậm chí nhiều trường không chuyên đào tạo kinh tế cũng mở ngành học này dẫn tới tình trạng không ít trường phải đóng cửa ngành vì không tuyển sinh được. Thực tế này được các trường hiện nay và cơ quan quản lý nhìn nhận như thế nào?
- Thực tế có sự thừa thiếu cục bộ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Đó là, xu hướng đào tạo đa ngành để các ngành hỗ trợ nhau về chuyên môn (ví dụ các nhóm: y, dược, hoá, lý, sinh… hoặc kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật, quản trị…) đã khẳng định được ưu thế ở các nước phát triển, không nên đóng khung trong đào tạo đơn ngành. Có thể thấy những ngành bị đóng cửa là ngành không tuyển sinh được, những ngành không còn phù hợp hoặc ngành không được trường đầu tư để giữ các điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu… không phải chỉ là những ngành nêu trên hay ngành mới.
Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu cho các trường khi mở ngành mới là cần nghiên cứu thị trường lao động trong vùng (sự dịch chuyển nguồn tuyển sinh và dịch chuyển lao động giữa các vùng chưa cao), số lượng và quy mô của ngành đang đào tạo để tránh dư thừa.
Hiện nay cùng với giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, các trường sau khi tự chủ sẽ được chủ động mở ngành mà không cần đến quyết định của Bộ GD&ĐT. Do đó, từ chỗ mỗi năm cùng lắm chỉ được Bộ cho mở mới 2-3 ngành thì đến nay, chỉ trong gần 2 năm thực hiện tự chủ, có trường mở mới đến hàng chục ngành đào tạo, từ bậc ĐH cho đến trình độ đào tạo thạc sĩ. Vậy vấn đề quản lý chất lượng có được đảm bảo?
- Chất lượng mở ngành hầu như không phụ thuộc vào số lượng, tốc độ ngành được mở mà phụ thuộc vào điều kiện chuẩn bị, đầu tư của mỗi trường. Nếu mở nhiều mà tốt thì hiệu quả càng tốt. Để chuẩn bị mở rộng tự chủ đại học, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị xây dựng các chuẩn đảm bảo chất lượng khi mở ngành để các trường thực hiện; đã yêu cầu các trường phải công khai đề án mở ngành và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác, việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau khi học để người học và xã hội giám sát; đã quy định hệ thống chế tài xử lý vi phạm và sẽ thanh kiểm tra thường xuyên, xử lý vi phạm nghiêm minh.
Với mỗi người học, khi được quyền tự do học tập thì cũng cần học cách trở thành “người tiêu dùng thông thái”, có trách nhiệm tìm hiểu kỹ thông tin, yêu cầu nhà trường cung cấp đủ thông tin, chỉ lựa chọn trường đào tạo tốt, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc làm sau khi học để đăng ký xét tuyển và cũng cần phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tổ chức đào tạo, tuyển sinh của các cơ sở hoặc định kỳ rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các ngành đang đào tạo ở các trường.
Từ năm 2010 đến nay Bộ đã dừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 161 chuyên ngành thạc sĩ; thu hồi quyết định đào tạo đối với 57 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 32 ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; cảnh cáo 207 ngành và dừng tuyển sinh đối với gần 100 ngành đào tạo trình độ đại học vì không duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình thực hiện.
Hiện Bộ đang xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý chất lượng trong toàn hệ thống để thuận tiện cho công tác rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, cho xã hội và người học giám sát, từng bước tạo sự cạnh tranh nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học.
Trân trọng cảm ơn bà!