Đối mặt với thời hạn rút quân đang ngày càng cận kề cũng như những bất lợi về mặt địa hình, quân đội Mỹ vừa phá hủy các thiết bị quân sự và xe cộ trị giá hơn 170 triệu bảng nhằm đảm bảo chấm dứt vai trò của nước này trong cuộc chiến tranh tại Afghanistan vào cuối năm 2014.
Việc xử lý một lượng lớn thiết bị quân sự này được chính các quan chức quân sự Mỹ nói là việc chưa từng có tiền lệ. Nó cũng mở ra một cuộc tranh luận lớn hơn trong Lầu Năm Góc về cách thức xử lý đống thiết bị mà họ dự kiến không đưa về nước khi cuộc chiến tại Afghanistan kết thúc.
Xe bọc thép chống mìn của Mỹ được biến thành sắt vụn. Ảnh: Internet |
Các nhà hoạch định quân sự của Mỹ đã quyết định sẽ không đưa về nước các thiết bị trị giá hơn 7 tỉ USD – tức khoảng 20% số thiết bị mà Mỹ đã triển khai tại Afghanistan – vì những thiết bị này không còn hữu ích hoặc quá tốn kém để đưa về nước.
Lầu Năm Góc đang rơi vào tình thế khó khăn về cách xử lý với những thiết bị quân sự đã được triển khai tại Afghanistan. Việc để lại một phần lớn các thiết bị cho chính quyền sở tại, giống như Mỹ từng làm khi rút khỏi Iraq, sẽ gặp nhiều khó khăn vì những lo ngại rằng lực lượng quản lý còn non trẻ của Afghanistan có thể sẽ không duy trì được các thiết bị này.
Một số thiết bị có thể bán hoặc tặng cho các nước đồng minh nhưng khả năng để lấy các thiết bị này khỏi khu vực chiến tranh là rất ít. Vì vậy, một phần lớn trong số các thiết bị được liệt vào dạng không cần tới này sẽ tiếp tục được băm nhỏ, cắt và nghiền nát ra để bán với giá chỉ vài xu một cân cho các tay thu mua đồng nát tại Afghanistan.
Phần gây tranh cãi nhất và được theo dõi chặt chẽ nhất là việc xử lý các xe bọc thép chống bom mìn (MRAP) mà Lầu Năm Góc đã lắp ráp hàng loạt vào năm 2007 nhằm đối phó với đe dọa từ những quả bom được rải dọc các tuyến đường ở Iraq và Afghanistan. Những chiếc xe tải lớn này đã trở thành biểu tượng cho cuộc chiến tranh đẫm máu vốn được thiết kế là một cuộc xung đột trong thời gian ngắn nhưng lại sa lầy thành một cuộc chiến tranh kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ.
Giới chức Mỹ cho hay, Lầu Năm Góc sẽ không sử dụng tới khoảng 12.300 trong tổng số 25.500 chiếc MRAP đang được triển khai rải rác trên khắp thế giới. Tại Afghanistan, quân đội Mỹ đã liệt khoảng 2.000 trong số gần 11.000 chiếc MRAP vào dạng “dư thừa”.
Khoảng 9.000 chiếc còn lại sẽ được chuyển tới Mỹ và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Kuwait và một số nơi khác. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho hay, phần lớn các xe bọc thép thừa thãi này – vốn tốn đến khoảng 1 triệu USD để lắp ráp này – có thể sẽ bị nghiền nát vì họ nhiều khả năng không thể tìm được những khách hàng có nhu cầu.
Những chiếc MRAP mà Lầu Năm Góc cho là không cần thiết đã được đưa đến hàng chục bãi phế liệu tại 4 căn cứ không quân Mỹ tại Afghanistan trong những tháng gần đây.
Tại các bãi phế liệu này, những lao động hợp đồng đến từ Nepal và các nước khác, được trang bị đồ chống cháy và mặt nạ, đang dùng những thiết bị đặc biệt để tháo dỡ những chiếc xe vốn được thiết kế có thể chịu đựng được những vụ nổ chết người. Trung bình, mỗi chiếc MRAP phải đến 12 tiếng mới tháo xong.
Những tấm thép lớn sau đó lại được đưa đến những máy nghiền lớn để nghiền thành những miếng thép nhỏ hơn. Ông Morgan Gunn – một nhân viên thuộc bộ phận hậu cần tại căn cứ của Mỹ ở tỉnh Kandahar – cho hay, trong tháng trước, bộ phận của ông đã bán đến hơn 5 tấn phế liệu cho các nhà thầu người Afghanistan. “Họ gọi đó là bụi vàng” – ông Gunn nói.
Ông Raymond V. Mason – phó chỉ huy bộ phận hậu cần quân đội Mỹ - cho biết, quân đội Mỹ chiếm một phần lớn trong số các thiết bị quân sự của lực lượng liên quân tại Afghanistan. Tính đến tháng 5, ông Mason cho hay, Mỹ đã triển khai khoảng 25 tỉ USD thiết bị quân sự tại chiến trường này.
Sau khi phân tích các nhu cầu và chi phí, Mỹ đã quyết định sẽ chỉ đưa 76% số thiết bị này về nước. Theo ước tính của quân đội Mỹ, việc vận chuyển số thiết bị này về nước sẽ tốn từ 2 đến 3 tỉ USD và chi phí để sửa chữa sau khi đưa chúng về Mỹ sẽ tốn từ 8 đến 9 tỉ USD.
Cho đến vài tháng trước, hầu hết các thiết bị quân sự của Mỹ đều được vận chuyển về nước bằng máy bay. Trong những tháng gần đây, sau khi Pakistan – nước láng giềng của Afghanistan – đồng ý cho quân đội Mỹ sử dụng hệ thống đường sá của họ để vận chuyển các trang thiết bị qua các cảng của nước này thì hầu hết các container không chứa các thiết bị hoặc vũ khí nhạy cảm của Mỹ đều được vận chuyển bằng đường bộ.
Minh Ngọc (tổng hợp)