Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20 đến 23/4, nhưng ngay trong ngày khai mạc đã có hàng ngàn người dân Khánh Hòa và các tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai... hành hương về lễ hội.
Từ Ninh Thuận, ông Năm Trầu và các bà con người dân tộc Chăm đã khởi hành từ 3 giờ sáng để về với lễ hội Tháp Bà.
"Năm nay người hành hương và du khách ít hơn các năm trước, nhưng bà con người Chăm khắp nơi vẫn về dự nên không khí vẫn tưng bừng", ông Năm Trầu nói.
Còn chị Nguyễn Thị Minh Uyên, khách hành hương đến từ Đà Nẵng, cho biết: "Tôi rất vui vì sau 2 năm dịch bệnh thì nay được về với Mẹ xứ sở để cầu mong sức khỏe, bình an, công việc thuận lợi".
Người Chăm soạn lễ và dâng mâm cúng lễ vật - Ảnh: LÊ NA |
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, lễ hội năm nay sẽ đón hơn 100 đoàn khách hành hương đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh tham gia. Ban tổ chức đã dựng nhiều rạp lớn để người dân đến tham dự lễ hội vào nghỉ chân, sắp đặt lễ vật.
Cũng theo ông Dũng, Nữ thần Po Ana Gar theo cách gọi của người Chăm và người Việt gọi là Thánh Mẫu Thiên Y A Na là vị thần, sản sinh gỗ quý và lúa gạo giúp người dân. Lễ hội Tháp Bà là lễ hội đặc trưng không chỉ của tỉnh Khánh Hòa mà còn của cả cộng đồng người Chăm và Việt.
Năm nay lễ hội Tháp Bà diễn ra trước lễ 30-4, 1-5 nên lượng khách, người dân đổ về sẽ rất đông. Trong đó, Trung tâm Di tích tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như chương trình nghệ thuật "Huyền thoại Thiên Y A Na," biểu diễn làm gốm, dệt thổ cẩm, múa Chăm tại Tháp Bà…
Là vị nữ thần của cả người Việt nên tại lễ hội có phần múa bóng của đạo Mẫu - Ảnh: LÊ NA |