Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch các thành phố lớn vừa có hàng loạt buổi làm việc nhằm vực dậy thị trường bất động sản…
Hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ rót vào bất động sản
Để giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) đang lúc khủng hoảng, giải pháp tăng thanh khoản là một trong những vấn đề được đặt ra. Bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, hạ giá thành, thì việc lấy tiền ở đâu ra để mua nhà được đặt lên bàn nghị sự.
Trong các buổi làm việc của Chính phủ với Hà Nội, TP. HCM với mục đích tìm “lối ra” cho thị trường BĐS và giải quyết nợ xấu có liên quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, trong đó sẽ tạo điều kiện về các chính sách tiền tệ linh hoạt để có thể khơi thông thị trường. “Trong 2013 sẽ tập trung xử lý khoảng 100 đến 150 nghìn tỷ đồng nợ trong BĐS”, thống đốc cho biết.
Cũng theo ông Bình, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cung ứng từ 20 - 40 nghìn tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cho vay mua nhà trong 10 năm tới, với lãi suất 8%.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng kiến nghị các biện pháp tài chính khác, như giảm và miễn thuế đối doanh nghiệp BĐS, cụ thể: giảm 10% đối với thuế thu nhập DN cho các DN đầu tư nhà ở xã hội, áp dụng sớm 6 tháng so với Luật (1/7/2013); gia hạn VAT tháng 1-3 cho các DN BĐS và vật liệu xây dựng; kiến nghị Quốc hội giảm 50% VAT đối với kinh doanh nhà ở xã hội, giảm mức thấp hơn đối với đối tượng mua nhà ở dưới 80 m2 và giá dưới 15 triệu/m2…
Là một ngân hàng khá tích cực trong việc cung cấp tín dụng cho thị trường BĐS, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ cho người mua nhà với lãi suất thấp khoảng 6-7%/năm, NHNN cho vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi; cho phép chủ dự án nộp tiền đất bằng các căn hộ đã đầu tư; ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ để cho vay lĩnh vực nhà ở xã hội.
Mới đây, BIDV ký kết hợp tác với Bộ Xây dựng đưa ra gói tín dụng phát triển nhà xã hội với số vốn cam kết là 30.000 tỷ đồng từ 2013-2015, đồng thời tiếp tục triển khai gói tín dụng 4.000 tỷ hỗ trợ cá nhân mua nhà.
“Sao không để thị trường tự điều chỉnh”?
Nhận định về động thái này của ngân hàng, một chuyên gia về thị trường BĐS cho rằng, trong khi các DN cơ cấu lại hàng hóa và tìm cách đưa giá cả BĐS về mức “dễ chịu”, thì chính sách không nên chỉ nhằm tới đối tượng được mua nhà ở xã hội – vốn chỉ là một bộ phận chừng mực với điều kiện chặt chẽ, mà nên tạo điều kiện cho đông đảo khách hàng có nhu cầu được mua nhà.
Theo một chuyên gia, thực trạng ảm đạm của thị trường cũng là cơ hội tốt để cơ cấu lại thị trường BĐS, đưa BĐS về giá trị thực của nó và xác định đúng nhu cầu thực tế của thị trường. “Ngay cả số tồn kho được đưa ra, tôi cũng không tin đó là con số chính xác”, vị chuyên gia này nói. “Cách đây vài năm, mọi người chen lấn, xô đẩy tranh nhau để được mua khi dự án vừa mới được phê duyệt. Dù vậy, phần lớn mọi người đều phải mua qua hệ thống “cò”, “sàn giao dịch”, với những khoản tiền vênh không hóa đơn sổ sách. Chủ đầu tư luôn thu tiền trước, nhà thì xây dở dang, luôn chậm tiến độ. Do vậy, tôi cho rằng, số gọi là hàng tồn kho đều là nhà có chủ nhưng chưa sử dụng hoặc chủ đầu tư chậm tiến độ, để dở dang”.
Cơn khủng hoảng BĐS mà Việt Nam đang đối mặt là tình trạng mà các nước khác như Nhật Bản, Mỹ… đã trải qua. Thực tế cho thấy, nếu đưa tiền Nhà nước ra để “cứu”, sẽ giúp các DN và ngân hàng từng góp phần đưa thị trường đến mức này được thoát ra khỏi mớ bòng bong chính họ gây ra.
Ngân hàng và cơ quan hữu trách đưa ra mức lãi suất thấp cùng với gói tín dụng cho người mua nhà, nhưng bối cảnh kinh tế cho thấy kể cả khi lãi suất xuống dưới mức 5%, cũng không nhiều người có thể mua được để giải quyết lượng hàng tồn quá lớn như các phép thống kê đưa ra.
“Nếu can thiệp ngay mà không để thị trường tự điều chỉnh, thì còn lâu thị trường mới biết đến giá trị thực của BĐS”, ông Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia kinh tế, chia sẻ.
Bách Nguyễn