Nữ Tổng thống Hàn Quốc ngày 1/4 tuyên bố Seoul sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Triều Tiên tấn công vào lãnh thổ nước này. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo cao, với việc Mỹ điều máy bay chiến đấu tàng hình tới Hàn Quốc.
Triều Tiên đã liên tiếp có những đe dọa mạnh mẽ kể từ đầu tháng 3, khi các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu các cuộc tập trận chung thường niên. Ngày 30/3, Triều Tiên tuyên bố “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc để phản đối các cuộc tập trận quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cuối tuần qua cho hay họ không phát hiện bất kỳ tín hiệu nào về các hoạt động bất thường của quân đội Bắc Triều Tiên cho thấy sẽ có một sự gây hấn sắp xảy ra.
Trước các tuyên bố ngày càng mạnh mẽ từ Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức cấp cao ngày 1/4 nói: “Nếu có bất kỳ động thái khiêu khích nào nhằm vào người dân của chúng ta, sẽ có phản ứng mạnh mẽ và ngay tức khắc mà không cần phải có sự xem xét về mặt chính trị”.
Hàn Quốc cũng đã thay đổi các quy định, theo đó cho phép các đơn vị tại địa phương đáp trả ngay lập tức các cuộc tấn công từ Triều Tiên mà không cần phải chờ sự cho phép từ Seoul.
Ngày 31/3, Mỹ cũng triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tới tham gia các cuộc tập trận. Triều Tiên ngay lập tức đặt các đơn vị tên lửa của mình vào trạng thái sẵn sàng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc và Thái Bình Dương. Trước đó, từ hồi năm 2010, Mỹ cũng đã điều F-22s tới Hàn Quốc.
Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 1/4 cũng đã chủ trì một kỳ họp Quốc hội thường niên. Cuộc họp này được tiến hành sau khi Đảng Lao động Triều Tiên tuyên bố rằng việc xây dựng bom hạt nhân và một nền kinh tế hùng mạnh hơn là những ưu tiên của nước này.
Trước những diễn biến nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên, Nga đã kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc kiềm chế các hành động hiếu chiến vì sự tái diễn chiến tranh là điều không thể chấp nhận được.
“Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ thực hiện tối đa trách nhiệm của mình, kiềm chế và không bên nào bước đến điểm tới hạn không thể quay trở lại được”, ông Grigory Logvinov, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga nói.
Pháp cũng tuyên bố nước này rất quan ngại về tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong khi Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow nói rằng liên minh quân sự này hy vọng rằng đó chỉ là những lời đe dọa chứ không phải là sự khởi đầu cho các hành động quân sự. Thậm chí tân Giáo hoàng cũng đã lên tiếng kêu gọi hòa bình với 2 miền Triều Tiên.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ Caitlin Hayden nói rằng, tuyên bố về tình trạng chiến tranh của Triều Tiên chỉ là những đe dọa quen thuộc của Bình Nhưỡng. Nhiều người cho rằng việc Triều Tiên vẫn sẵn sàng duy trì hoạt động của khu công nghiệp Kaesong ở gần khu vực biên giới liên Triều là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ không mạo hiểm khả năng mất đi một nguồn sinh ngoại tệ lớn bằng cách có hành động gây hấn thực sự.
Minh Ngọc (theo báo nước ngoài)