(LĐ online) - Nếu như mọi năm, phải đến tháng 4 hoặc tháng 5 thì mùa khô mới bước vào giai đoạn khốc liệt thì năm nay, hiện chỉ nửa cuối tháng 2, Lâm Đồng đã phải “chạm mặt” với sự khốc liệt của khô hạn. Theo Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, hiện tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh này đã xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 đến gần 10m và đang có nguy cơ xuống thấp ở mực nước chết và thấp hơn mực nước chết là một hiện tượng rất bất thường. Ông Dương Thành Hưng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, cho biết: Mới đây, Sở NN-PTNT Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị các địa phương trong tỉnh (đặc biệt là ba huyện phía nam Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên – vùng trọng điểm lúa của Lâm Đồng), chỉ đạo các phòng ban của huyện phải có kế hoạch theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, theo dõi các dòng chảy, mực nước các hồ thủy lợi và sông suối để có khuyến cáo hợp lý cho người dân trong việc chuyển đổi cây trồng, bố trí thời vụ một cách hợp lý, tránh những thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp. Đối với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, Sở NN-PTNT Lâm Đồng cũng đưa ra khuyến cáo phải rà soát toàn bộ các hồ sơ thiết kế, đặc tính của máy bơm trạm thủy lợi để bố trí các phương tiện hợp lý nhằm duy trì hoạt động của công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Nhiều vùng lúa và sông suối ở huyện Đạ Tẻh đang thiếu nước. |
Cũng theo Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, hiện tượng mực nước ở các hồ thủy lợi cạn kiệt quá sớm như hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng vụ đông xuân này của tỉnh Lâm Đồng. Tại huyện Cát Tiên, huyện trọng điểm lúa của tỉnh, mực nước của hai hồ thủy lợi lớn của huyện là Đắc Lô và Phước Trung đã xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 6m (hồ Đắc Lô) đến 9m (hồ Phước Trung), thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2010 từ 3,5m đến 9m. Cùng đó, sông Đồng Nai chảy qua địa phận Cát Tiên cũng đã cạn kiệt (nhiều đoạn kiệt đến trơ đáy) khiến cho toàn bộ các trạm bơm thủy lợi của huyện Cát Tiên phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Do hạn hán, tính đến thời điểm này, vùng trọng điểm lúa Cát Tiên đã có hơn 1.500/4.000ha lúa đông xuân đối mặt với nguy cơ chết khát. Tương tự, tại vùng chuyên canh lúa An Nhơn thuộc huyện Đạ Tẻh cũng có đến hàng trăm hecta lúa cao sản đối mặt với khô khát bởi hồ Đạ Hàm kiệt nước. Cũng như vậy, ở vùng cây ăn trái Đạ Huoai – vùng trọng điểm cây ăn trái của Lâm Đồng, người dân đã bắt đầu bỏ tiền túi để “mua nước” từ những “đầu nậu” kinh doanh nước tưới cho cây trồng. Nạn khô hạn đến sớm với ba huyện phía nam Lâm Đồng là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên đã khiến cho nhiều hộ dân ở đây phải tự tìm nguồn nước bằng cách khơi khoét các ao hồ, dòng chảy không theo quy hoạch nhất định nên đã góp phần phá vỡ tính tự nhiên của các dòng chảy, làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường, sông suối… Không chỉ ở ba huyện phía nam mà ở vùng cây công nghiệp chè, cà phê… của Lâm Đồng là Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà… người dân cũng đang đối mặt với nạn khô hạn đã bắt đầu gay gắt. “Hàng ngàn hecta cà phê, chè… của Lâm Đồng bắt đầu rũ lá vì thiếu nước” – một cán bộ của Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết. Cũng theo vị cán bộ hữu trách này, vùng cây công nghiệp trên 150.000ha cà phê, chè, dâu tằm… của cả tỉnh sẽ tiếp tục khô héo trong những ngày sắp đến, khi đỉnh điểm của mùa khô đến (vào tháng 4 – tháng 5). Năm nay, hạn hán đến sớm với Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung là một hiện tượng rất không bình thường. Làm thế nào để điều tiết nguồn nước, tránh lãng phí nước ở các hồ thủy lợi đang là vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp và thủy lợi của tỉnh Lâm Đồng ngay từ bây giờ!
Khắc Dũng