Thông tin thứ nhất, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, theo đó, sẽ cắt 100% việc tham gia dự lễ động thổ, khánh thành.
Thông tin thứ hai từ báo Vietnam Net cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa giao Cục Kế hoạch Tài chính nghiên cứu mở rộng đối tượng, phạm vi khoán ô tô công cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Theo bài báo “Cục trưởng, vụ trưởng nguy cơ bị 'cắt' xe biển xanh đi họp”, một lãnh đạo Cục Kế hoạch Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết dự kiến, ở cấp Tổng cục, các đơn vị áp dụng quy định khoán kinh phí khi đi công tác là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Song, việc khoán kinh phí có thể chỉ áp dụng cho cấp Cục trưởng, Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương.
Ở cấp Cục và đơn vị tương đương có trụ sở ở Hà Nội, việc khoán xe công đi công tác được tính toán áp dụng cho Cục trưởng, Phó Cục trưởng và tương đương tại Cục Thuế thành phố Hà Nội, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội.
Về thông tin thứ nhất, việc lãnh đạo Chính phủ đi động thổ, khánh thành xuất phát ban đầu có lẽ từ một suy nghĩ tốt. Đó là việc hiện diện của lãnh đạo Chính phủ không chỉ thể hiện sự quan tâm mà còn là nguồn động viên rất lớn đối với địa phương và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đôi lúc ở nơi này, nơi khác nó đã bị lạm dụng, trở thành sự ganh đua, đám này mời được, đám kia không mời được. Thậm chí, đơn vị này mời được cấp này, đơn vị kia mời được cấp kia tạo nên “Con gà tức nhau tiếng gáy”.
Mặt khác, việc cắt giảm (tất nhiên, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương) còn tiết kiệm thời gian, tiền bạc đưa đón khách cho ngân sách.
Đối với thông tin thứ hai, có lẽ là tin mừng với dân nhưng chưa chắc đã mừng với “quan”, nhất là đối với đối tượng thuộc diện điều chỉnh của nội dung này.
Đã một thời gian dài, dư luận bất bình về tình trạng của công hóa thành của ông (bà). Không ít những chiếc xe đắt tiền dành để cho lãnh đạo đi làm việc công, biến thành xe của riêng, chủ yếu phục vụ không chỉ bản thân mà cả gia đình, vợ con, thậm chí cháu chắt của một số cán bộ có quyền, có chức.
Hai việc làm trên của Chính phủ và các bộ mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính cho thấy Thủ tướng và tập thể Chính phủ hành động quyết liệt từ những việc nhỏ nhất để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tiết kiệm, gần dân.
Cách đây tròn một năm (6/4/2016), tại buổi lễ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã long trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào: “… tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính Nhà nước và trong toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập , chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia , không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần, đem lại cuộc sống ấm lo, hạnh phúc, an ninh, an toàn cho người dân”.
Có thể dễ dàng nhận thấy một năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ của ông đã không ngừng nghỉ để thực hiện những lời cam kết đó.
Tuy nhiên, con đường tiến tới một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, gần dân và phục vụ nhân dân còn dài, không thể trong ngày một, ngày hai.
Song, với những gì Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ đã làm suốt 365 ngày qua mà gần đây nhất là hai qui định “nhỏ” đã nói ở trên cho thấy tinh thần làm gương và sự lan tỏa đã bắt đầu sâu rộng xuống tới các bộ, ngành.
Tiếc thay, đối với không ít địa phương, hình như sự “lan tỏa” vẫn còn dè dặt mà nói như Thủ tướng tại phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch, đó là thứ văn hóa “không nhúc nhích”…!