Thủ tướng Singapore hôm 20/6 cảnh báo rằng tình trạng khói bụi bao phủ thành phố có thể kéo dài trong nhiều tuần, khi mức độ ô nhiễm ở đây đã đạt mức cao kỷ lục.
"Không ai chịu ai"
Tới 13h ngày 20/6, chỉ số ô nhiễm tiêu chuẩn của Singapore đã đạt mức 371, tức cao nhất mọi thời đại và đã chạm mốc nguy hiểm. Tình trạng khói bụi hình thành do nạn đốt rừng trái phép ở đảo Sumatra của Indonesia.
Khói bụi tràn ngập Singapore gây ảnh hưởng nặng tới cuộc sống ở quốc đảo này. |
Vấn đề này đã gây ra những lời buộc tội lẫn nhau giữa hai quốc gia về việc ai phải chịu trách nhiệm. Các quan chức từ hai nước đang tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Jakarta trong ngày 20/6. Tiến sĩ Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng Môi trường và Nước Singapore đã viết trên mạng xã hội Facebook rằng ông sẽ yêu cầu Jakarta có các “hành động quyết định”.
“Không một nước nào hay một công ty nào có quyền gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người Singapore”, ông nói.
Tuy nhiên Bộ trưởng Phúc lợi Nhân dân Indonesia Agung Laksono nói rằng Singapore đang cư xử như trẻ con. "Đây không phải là điều Indonesia mong muốn. Đây là nguyên nhân do tự nhiên”, ông nói.
Laksono cũng cho biết Jakarta sẽ từ chối bất kỳ đề nghị hỗ trợ tài chính từ Singapore để xử lý khói bụi, trừ phi đó là một khoản tiền lớn. “Nếu đó chỉ là nửa triệu đô la hoặc một triệu đô la, chúng tôi không cần tới số tiền. Chúng tôi thà sử dụng ngân sách của mình còn hơn”, ông tuyên bố.
Đảo lộn hoạt động
Kể từ khi làn khói bụi xuất hiện, các tòa nhà ở Singapore đã chìm trong không khí ô nhiễm. Mùi gỗ cháy lan tràn khắp nơi. Làn khói bụi tràn tới Singapore vào cuối tuần trước và mức độ ô nhiễm đã bắt đầu tăng lên kể từ ngày 17/6. Chỉ số ô nhiễm tiêu chuẩn (PSI) đạt mức trên 200 có nghĩa chất lượng không khí đã ở mức “không tốt cho sức khỏe”. Mức PSI hơn 300 có nghĩa tình trạng ô nhiễm đã ở mức “nguy hiểm”.
Trong ngày 20/6, khi khói bụi đạt mức đỉnh, tầm nhìn ở Singapore đã giảm xuống rất mạnh. Các tòa nhà chìm trong một làn khói dày. Từ các tòa nhà văn phòng, người lao động nói rằng họ không thể nhìn thấy quá 1km.
Người dân Singapore đã phàn nàn về việc họ bị khô họng, cay mắt và có vị chát trên miệng. Quần áo phơi ngoài trời có mùi giống như khi người ta để cạnh một đám lửa.
Khẩu trang nhanh chóng "cháy hàng" ở Singapore. |
Người đi bộ để luyện tập sức khỏe đã biến mất khỏi khung cảnh khói bụi của quốc đảo. Các nhà hàng và các vòi phun nước ngoài trời trở nên vắng tanh. Trẻ em và người già được khuyến cáo ở trong nhà cho tới khi tình hình ô nhiễm được cải thiện. Nhưng không ai biết khi nào tình hình mới được cải thiện.
Tại một cuộc họp báo được tổ chức mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng khói bụi có thể kéo dài vài tuần và lâu hơn cho tới khi mùa khô kết thúc ở Sumatra. Ông đã kêu gọi người Singapore ở nguyên trong nhà và tránh hoạt động nhiều ngoài trời. Ông cho biết chính quyền sẽ thường xuyên tổ chức họp báo về vụ ô nhiễm.
Các nhà kiểm soát không lưu ở Singapore đã được yêu cầu làm việc cẩn thận hơn bình thường do tầm nhìn thấp. Quân đội Singapore đã phải tạm hoãn tất cả các hoạt động huấn luyện ngoài trời. Chất lượng không khí thấp khiến người Singapore đổ xô đi mua khẩu trang, làm các cửa hiệu rơi vào tình trạng cháy hàng.
Trong khi đó nhiều vùng ở Malaysia cũng đã ghi nhận mức độ ô nhiễm đạt mức “nguy hiểm”, với ít nhất 200 trường học ở đây phải đóng cửa. Bộ Môi trường Malaysia đã cấm việc đốt lửa ở một số bang.
Ô nhiễm xuyên biên giới
Khói bụi hình thành từ việc người dân đốt phá rừng để có đất trồng trọt và qua đó tạo ra rất nhiều khói, đặc biệt là vào mùa khô. Bộ Lâm nghiệp Indonesia đang cân nhắc sử dụng kỹ thuật gây mưa nhân tạo trên vùng Sumatra để giảm bớt tình trạng khói bụi.
Giới chức Indonesia cũng cho rằng công ty sản xuất dầu cọ nước ngoài, gồm một số công ty Singapore, phải chịu trách nhiệm liên quan tới các vụ cháy rừng. Tuy nhiên, vài công ty dầu cọ lớn ở Singapore đã bác bỏ việc có liên quan.
Thủ tướng Singapore nói rằng nước này đã cung cấp dữ liệu vệ tinh cho Indonesia để giúp xác định ai là thủ phạm gây cháy rừng. Ông cũng nói thêm rằng nếu bất kỳ công ty Singapore nào bị phát hiện có liên quan tới vụ cháy rừng, công ty đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Đây không phải là lần đầu tiên Singapore, Malaysia phải hứng chịu khói bụi. Năm 1997 và 1998, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã hứng chịu khói bụi hình thành từ các vụ cháy rừng ở Indonesia. Giao thông đường không và đường bộ bị trì hoãn.
Khoảng 20 triệu người đã bị ốm vì khói bụi ô nhiễm. Lần đó, tình trạng khói bụi đã dẫn tới việc khối ASEAN thông qua một thỏa thuận về ô nhiễm khói bụi xuyên biên giới. Tuy nhiên, Indonesia chưa phê chuẩn thỏa thuận này.
Tường Linh