Tự quảng bá đã đưa hàng trăm học viên sang Đức du học, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin như băng rôn, tờ rơi, IBA không có phép nhưng vẫn tổ chức các buổi hội thảo và phát giấy mời cho phụ huynh và học sinh tại cổng các trường học. Tại các buổi hội thảo, IBA giới thiệu, chi phí du học nghề trọn gói sang Đức là 6.800 euro (khoảng 168 triệu đồng Việt Nam) không phát sinh phụ phí như chi phí học tiếng, vé máy bay, bảo hiểm sáu tháng đầu tại Đức, chi phí quản lý hồ sơ.
Cũng theo IBA, khi du học nghề tại Đức, học viên được miễn phí đào tạo nghề trong suốt ba năm, có cơ hội định cư vô thời hạn sau khi làm đủ ba năm tại Đức, và cơ hội nhập quốc tịch Đức sau khi định cư được hai năm. Các học viên sẽ nhận được lương thực tập trung bình hàng tháng 1.000 euro trong suốt quá trình học. Mức lương này khá thoải mái khi mức sống tối thiểu tại Đức là 680 euro. Các học viên khi tốt nghiệp cao đẳng nghề 100% có công việc và nguồn thu nhập cao.
Theo thông tin của IBA trên website, tờ rơi quảng cáo thì phương châm của đơn vị này là chuẩn hóa hệ thống đào tạo, văn bằng theo chuẩn Đức. Do đó các học viên dễ dàng tham gia thị trường chất lượng cao sau khi tốt nghiệp. IBA mời hội đồng ECL cấp bằng tiếng Đức cho học viên. Vì một trong những điều kiện để học viên du học tại Đức là đạt được chứng chỉ tiếng Đức. Nhưng thực tế tại Việt nam, bằng tiếng do hội đồng ECL cấp không được đại sứ quán Đức công nhận để cấp visa. Nếu không được cấp visa thì giấc mơ du học của học viên IBA chỉ là “ảo”
Trao đổi vấn đề này với ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thì được biết, các công ty tổ chức kinh doanh dịch vụ Tư vấn du học phải được cấp Giấy phép theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Quyết định 05/2013/QĐ-TTg mới được phép hành nghề. Tuy nhiên Viện Giáo dục và Đào tạo IBA chưa đến sở này để xin cấp phép. Sau khi nhận được phản ánh của báo Pháp luật Việt Nam, sở đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra đơn vị hoạt động trái phép này.
Trong nội dung báo cáo của IBA gửi Sở GD&ĐT Hải Phòng ngày 26/12/2017 vừa qua, ông Hoàng Tuấn Anh – giám đốc IBA tại Hải Phòng thừa nhận: “Công ty đã phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ kết nối Việt Đức tổ chức 2 buổi hội thảo. Tuy nhiên, do doanh nghiệp chưa được cấp phép tư vấn du học nên hoạt động này cũng chưa nắm rõ”.
Hiện nay, nhiều đơn vị làm dịch vụ tư vấn du học khi chưa có đầy đủ điều kiện mà pháp luật. Do chưa có đủ điều kiện kinh doanh nên việc tư vấn có thể không đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ, khiến cho người đi du học qua có thể gặp rủi ro. Không ít người đã bị lừa đảo, trở thành nạn nhân của dịch vụ tư vấn du học. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng của TP. Hải Phòng, UBND quận Kiến An, Sở GD&ĐT cần vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý, thậm chí đóng cửa những công ty hoạt động trái phép để thị trường tư vấn du học hoạt động lành mạnh, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người du học.