Đổi mới mô hình, thu hút đầu tư
Báo cáo chính trị của Đảng bộ TP.Hải Phòng chỉ rõ, nhiệm kỳ 2010 – 2015, Hải Phòng thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 8,67%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2015 ước gấp 1,52 lần năm 2010. Thu nhập đầu người đạt mức 2.857 USD, cao gấp 1,8 lần so với năm 2010.
Trong giai đoạn 2010 – 2015, ngành công nghiệp (CN) của Hải Phòng được cơ cấu lại theo hướng tỷ trọng các ngành CN chế biến, chế tạo chiếm tới trên 90% tổng giá trị sản xuất CN. Tỷ lệ giá trị sản phẩm CN cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất CN tăng từ 21,1% (năm 2010) lên đến 26,3% (năm 2015).
Các ngành nông nghiệp, thủy sản chiếm từ 24,16%/năm (năm 2010) lên đến 34,54% năm (năm 2015). Nhóm ngành kinh tế, dịch vụ có tốc độ tăng bình quân hơn 10,15%/năm, cao hơn tốc độ tăng GDP của Hải Phòng.
Đặc biệt, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng năm 2012 đạt 51,5 triệu tấn, đến năm 2015 ước đạt 69 triệu tấn; ngành dịch vụ cảng biển đã tăng bình quân hơn 15,9%/năm, đưa Hải Phòng trở thành Trung tâm Logistics lớn khu vực phía Bắc. Dịch vụ cảng biển đã kéo theo các dịch vụ bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản… được mở rộng.
Những dự án phát triển giao thông hạ tầng quy mô lớn, quan trọng, có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển của Hải Phòng, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường ô tô cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, cầu đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được tập trung nguồn lực, tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT – XH) không chỉ khẳng định vững chắc vai trò là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính hướng ra biển của các tỉnh phía Bắc.
Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển KT – XH không chỉ thay đổi mạnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư, đưa nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng gấp 1,4 lần so với nhiệm kỳ trước. Các khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải; khu, cụm CN được đầu tư theo hướng tập trung đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đầu tư vào Hải Phòng trong giai đoạn 2010 – 2015 đạt tới 7,63 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với tất cả những năm trước cộng lại.
Những dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của các tập đoàn quốc tế như LG, Bridgestone, Fuji Xrrox, GE... đã đầu tư mạnh mẽ vào Hải Phòng, đưa Hải Phòng trở thành một trong số ít các tỉnh, thành thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư FDI.
Hải Phòng cũng từng bước khẳng định là vị trí trung tâm đào tạo và dạy nghề của khu vực duyên hải Bắc bộ. Gần 60 cơ sở dạy nghề, đào tạo từ bậc đào tạo nghề đến cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) hàng năm thu hút trên 30% số sinh viên đến từ các địa phương trong khu vực. Hải Phòng hiện có 136.470 người có trình độ ĐH, CĐ trở lên; trong đó có khoảng 4.200 người có trình độ trên ĐH.
Các cơ sở khám chữa bệnh cả công lập và ngoài công lập đã áp dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật y học tiên tiến, các trung tâm chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao về khám chữa bệnh được áp dụng tại các bệnh viện lớn không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân TP.Hải Phòng, người nước ngoài đến làm việc tại Hải Phòng, các cơ sở khám chữa bệnh này còn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân các tỉnh lân cận.
Hướng tới thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại
Báo cáo chính trị của Đảng bộ TP.Hải Phòng nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định rõ, Hải Phòng phải phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo sự phát triển nhanh, đột phá để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, CN lớn có sức cạnh tranh cao.
Là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học, công nghệ của vùng duyên hải Bắc bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao… hướng tới Hải Phòng trở thành TP Cảng xanh, văn minh, hiện đại với các chỉ tiêu cụ thể như: Tăng trưởng GDP đạt bình quân 10,5%/năm.
Trong đó, các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng đạt 11,7% năm, chỉ số phát triển CN tăng 14%; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 12 – 17 tỷ USD, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 110 triệu tấn, đưa thu nhập đầu người vào năm 2020 đạt 5.600 USD/năm…
Để đạt được các mục tiêu kể trên, Báo cáo chính trị đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thành công mục tiêu kể trên. Trong số các nhiệm vụ, giải pháp được nêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, tận dụng cơ hội mới về mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, phát huy hiệu quả lợi thế vị trí địa kinh tế với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, vượt trội của cảng biển, cảng hàng không quốc tế, đường ô tô cao tốc gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được Hải Phòng đặt lên hàng đầu.
Tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ, nâng cao tỷ trọng đóng góp của TFP, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu song song với cơ cấu lại đầu tư công một cách hợp lý. Quản lý chặt chẽ, ưu tiên khuyến khích, áp dụng hình thức đầu tư công tư như BOT, BTO, BT, PPP vào các lĩnh vực đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực với những quyết sách nhanh nhạy để tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Singapore…
TP Cảng xanh là thành phố phát triển công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ thân thiện môi trường, chú trọng CN biển, CN điện tử, khuyến khích các DN nghiên cứu, đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại; thành lập mới các khu CN, cụm CN, trong đó ưu tiên phát triển các khu CN cao, CN sạch, khu CN hỗ trợ để phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, một trọng điểm thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam.
Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại gắn với việc khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch. Vừa tôn tạo, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, hình thành các trung tâm du lịch ven biển tầm cỡ quốc gia, quốc tế ở trên bờ, trên biển, trên hải đảo với các khu du lịch vui chơi giải trí cao cấp Đồ Sơn, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp đảo Cát Hải, khu vui chơi giải trí đảo Vũ Yên….
Để Hải Phòng đến năm 2020 có trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực, các sản phẩm chủ yếu đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế, ngoài việc phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, Hải Phòng cần tập trung các nguồn lực, thu hút đầu tư vào các cơ sở giáo dục và đào tạo chất lượng cao, có trường ĐH quốc tế đủ sức thu hút người học, người dạy, trở thành Trung tâm giáo dục – đào tạo của vùng duyên hải Bắc bộ.
Huy động nguồn lực có tính đột phá trong lĩnh vực y tế để nâng cấp các Bệnh viện Trẻ em, Phụ sản, Hữu nghị Việt Tiệp đạt trình độ khoa học kỹ thuật y học cao, có quy mô và trình độ ngang tầm với các bệnh viện ở các TP lớn. Thực hiện có hiệu quả tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội với việc tập trung cao cho việc huy động nguồn lực phục vụ giảm nghèo, gắn công tác giảm nghèo với đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.
Ông Lê Văn Thành – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng nhấn mạnh, Đại hội XV Đảng bộ TP.Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng trong việc nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo sự phát triển đột phá, hướng tới xây dựng TP Cảng văn minh, hiện đại.
Danh mục các công trình, dự án hoàn thành, khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.Hải Phòng lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020:
1.Các công trình, dự án hoàn thành: Trung tâm Thương mại Vincom Hải Phòng, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án xây dựng mở rộng khu bay Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, tổng mức đầu tư 3.660.815 triệu đồng; Hoàn thành đường cất hạ cánh và sân đỗ máy bay trước ngày 31/12/2015 để tiến hành bay hiệu chuẩn, bàn giao khai thác sử dụng trong quý I/2016. Đường ô tô cao tốc Hà Nôi – Hải Phòng; tổng mức đầu tư 24.566 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng toàn tuyến Hà Nội – Hải Phòng trong tháng 12/2015. Hiện đã thông xe 75,2km (đoạn từ cầu vượt Phạm Văn Đồng, Hải Phòng đến nút giao quốc lộ 39).
2.Các công trình, dự án khởi công: Dự án đầu tư cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn từ cầu vượt Quán Toan đến cầu Nghìn) theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư 2.815.250 triệu đồng; Dự án đầu tư xây dựng đường Đông Khê 2 (giai đoạn I), tổng mức đầu tư 1.357.411 triệu đồng; Dự án Khu vui chơi, giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên, tổng mức đầu tư 18.800 tỷ đồng; Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; Dự án xây dựng công viên, cây xanh từ Bến xe Tam Bạc cũ đến chân cầu đường bộ Tam Bạc (giai đoạn I), tổng mức đầu tư 34,8 tỷ đồng; Dự án xây dựng Khu Đô thị xi măng, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng.