Theo đánh giá của các tổ chức khoa học thế giới, Hải Phòng là một trong 10 thành phố trên thế giới sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng cao. Nhân ngày phòng, chống thiên tai Việt Nam (22-5), Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCLB- TKCN thành phố Đỗ Trung Thoại trả lời phỏng vấn của Báo Hải Phòng về công tác chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khu bãi ngoài đê sông Văn Úc thuộc xá Đoàn Xá (Kiến Thụy) luôn bị nước sông Văn Úc xâm lược. |
- Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Hải Phòng như thế nào thưa Phó chủ tịch?
- Biến đổi khí hậu không chỉ òn là nguy cơ mà đang hiện hữu hằng ngày. Theo đánh giá của các tổ chức khoa học quốc tế, Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập lụt nặng nhất. Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh sẽ nằm trong số 10 thành phố bị ngập lụt nhất thế giới. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc, qua quan trắc tại đảo Hòn Dáu, trong 1 thập kỷ qua, mực nước biển ở Hải Phòng đã tăng cao hơn 20 cm. Một số vùng cửa sông ven biển ở Hải Phòng có hiện tượng bị nước biển xâm thực, đặc biệt mạnh tại khu vực Phù Long, đảo Cát Hải, Đình Vũ, ven đê biển 1, đê biển 2. Một số vùng cửa sông nền địa chất yếu, xuất hiện nhiều vùng xoáy nguy hiểm, tình trạng xói lở bờ sông có chiều hướng gia tăng, không theo quy luật như trước đây. Một số vùng bãi triều xuất hiện rất rõ tình trạng nước biển dâng cao, thủy triều lên xuống bất thường…Biểu hiện biến đổi khí hậu tại khu vực ngày càng rõ nét với bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn, quỹ đạo chuyển dịch về phía nam và đường đi dị thường, mùa bão kết thúc muộn hơn…Hải Phòng là thành phố cảng, cửa chính ra biển quan trọng của đất nước, đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với 125 km bờ biển và hải đảo. Hải Phòng cũng là nơi chịu ảnh hưởng của bão, lũ, triều cường nước dâng do bão, hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, hiện tượng biến đổi khí hậu kéo theo sự gia tăng về tần số, cường độ bão, các hiện tượng khí hậu cực đoan, dâng cao mực nước biển trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21 sẽ đe dọa nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững của thành phố. Đối với Hải Phòng, đối phó và thích ứng với hiện tượng gia tăng mực nước biển dâng đang là vấn đề cấp bách, đồng thời cũng là thách thức lớn.
- Thành phố triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào?
- Nhận thức nguy cơ và tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, Hải Phòng đang tiến hành nhiều hoạt động với mục đích giảm thiểu, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với việc phát triển không gian đô thị theo hướng hiện đại, xác định các phân khu chức năng hợp lý, thành phố chú trọng việc bảo tồn và phát triển bền vững bằng việc bảo vệ các vùng cảnh quan tự nhiên ven sông, ven biển; phát triển hệ thống cây xanh, hệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ tạo vành đai xanh bảo vệ thành phố; xây dựng chế độ bảo vệ đối với các dòng sông, lưu vực sông, bảo vệ tài nguyên nước ngọt phục vụ đời sống và sản xuất; bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, đời sống. Trong quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoạch định cụ thể cao độ nền xây dựng; xây dựng hệ thống cấp, thoát nước đô thị và nông thôn đều đã dự phòng ảnh hưởng của mực nước biển dâng. Cùng với đó, thành phố chú ý quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, du lịch, dân cư, công trình giao thông, thủy lợi và các công trình hạ tầng khác theo hướng né tránh và bảo đảm an toàn bão, lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành phố đặc biệt chú trọng các giải pháp lợi dụng tổng hợp lưu vực sông và tiềm năng đất đai ven sông, ven biển, ven đê nhằm khai thác sử dụng hợp lý, bền vững, đa mục tiêu như phát triển đô thị, công nghiệp đóng tàu, cảng biển, du lịch, cải thiện môi trường trên nguyên tắc ưu tiên tăng cường năng lực phòng, chống bão lũ của đê điều, bảo đảm khả năng thoát lũ của lòng sông…
Trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thành phố ưu tiên đầu tư lớn cho xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình phòng chống thiên tai. Hải Phòng đang phấn đấu đến năm 2025, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê sông bảo đảm phòng, chống bão trên cấp 12, tần suất lũ 0,2% (chu kỳ lặp lại 500 năm) với tổng chiều dài 312 km; nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đê biển bảo đảm phòng, chống bão trên cấp 12 với tổng chiều dài 105 km. Trong quá trình xây dựng hệ thống đê sông, sẽ chú ý xây dựng, quản lý, bảo vệ đê điều, kiên cố hóa mặt đê kết hợp đường giao thông nông thôn. Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển của Chính phủ nhưng đặc biệt chú ý dự phòng nguy cơ nước biển dâng, xây dựng thêm công trình phòng, chống xói lở ven sông, ven biển. Đối với các tuyến đê qua khu đô thị, khu công nghiệp, thành phố nghiên cứu điều chỉnh hợp lý tuyến đê theo hướng kiên cố hoá bằng kết cấu, hình thức mới kết hợp khai thác hợp lý tài nguyên bãi bồi ven sông, ven biển phục vụ phát triển đô thị, công nghiệp và phục vụ phát triển các ngành kinh tế- xã hội khác. Cùng với đó, thực hiện trồng mới, khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ chắn sóng ven biển để bảo vệ đê điều trong điều kiện gia tăng mực nước biển…
Thành phố đang triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu; lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế- xã hội, trong các chương trình, dự án cụ thể…Tất cả hướng tới sự phát triển bền vững, thích ứng với từng giai đoạn của biến đổi khí hậu.../.
- Xin trân trọng cảm ơn Phó chủ tịch!
Kim Oanh thực hiện