Theo bà Nguyễn Thị Nga (cụm dân cư số 3, đường 208, An Đồng, An Dương) bức xúc, bất kể ngày, đêm Công ty An Đồng thường xuyên phun cát rửa vỏ tàu, phát tán bụi cát cùng rỉ sắt vào khu dân cư, len lỏi vào từng ngõ, xóm gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân khu vực. “Mặc dù, đã nhiều lần dân chúng tôi kiến nghị đến chính quyền địa phương thậm chí vào tận công ty phản ánh nhưng đến nay hiện tượng trên vẫn đâu đóng đó”, bà Nga cho biết.
Cũng theo phản ánh của nhiều người dân ở tổ 3 đường 208, xã An Đồng, thi thoảng Công ty An Đồng lại phun cát rửa vỏ tàu. Mỗi lần phun từ 1 đến 2 tuần thậm chí có lần cả tháng, mỗi ngày từ 7-8 tiếng. Khi gió mạnh, bụi cát tấn công khiến nền nhà lúc nào cũng đen nhèm. Hơn nữa, hòa cùng với bụi cát là rỉ sắt và bụi sơn của tàu bay vào khu dân cư khiến nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty An Đồng trước kia là đơn vị thành viên của Cty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Thành Long. Từ năm 2010 đến năm 2014, Công ty An Đồng ngừng hoạt động do suy thoái chung của ngành công nghiệp đóng tàu. Năm 2015, ông Lương Ngọc Oánh về làm Giám đốc và khôi phục hoạt động của Công ty An Đồng đến thời điểm hiện tại.
Trả lời về vấn đề này, ông Trần Văn Đọc, cán bộ phụ trách pháp chế, môi trường của Công ty An Đồng cho biết, việc Công ty bắn cát để rửa vỏ tàu khiến bụi bay vào nhà dân theo phản ánh là có thật. Tuy nhiên, khu nhà sơ chế, bắn cát, phun sơn của ông ty nằm sát bờ sông Rế, cách rất xa khu dân cư. Vì vậy, khi nào trời gió to bụi mới phát tán, bay đến nhà dân. “Để khắc phục ô nhiễm, phía công ty chúng tôi cho quây bạt và làm dàn phun nước hạn chế tối đa bụi cát phát tán”, ông Đọc trả lời.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Đại, Chủ tịch UBND xã An Đồng khẳng định, hiện ủy ban xã chưa nhận được bất kỳ ý kiến phản ánh nào của người dân về việc Công ty An Đồng bắn cát gây ô nhiễm môi trường. Còn vấn đề kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm tôi giao cho Phó Chủ tịch phụ trách, tuần này xã đang có việc bận nên không thể cung cấp gì thêm.
Được biết, phun cát là phương pháp làm sạch vỏ tàu của phần lớn công ty đóng tàu tại Việt Nam áp dụng thời gian trước đây. Ưu điểm của phương pháp này là dùng máy móc thay nhân công, chi phí thấp, hiệu quả làm sạch khá cao. Nhưng ngược lại, việc phun cát áp lực cao tạo ra sự va chạm với bề mặt kim loại làm cát bị vỡ thành bụi khuyếch tán ra môi trường trở thành nguồn ô nhiễm bụi cát rất nguy hiểm.
Tại thời điểm “hoàng kim” của ngành công nghiệp tàu thủy, cùng với những đóng góp to lớn về giá trị kinh tế, nhiều đơn vị đã đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ công nghệ hướng tới mục tiêu trở thành ngành công nghiệp "sạch", ít gây ô nhiễm môi trường. Song, cho đến nay, đó vẫn là công nghệ của “tương lai” còn thực tế có đến 70% quy trình sản xuất vẫn là thủ công. Được biết, trước đây Công ty An Đồng sử dụng dây chuyền sơ chế, làm sạch vỏ tàu bằng công nghệ phun bi nhưng từ năm 2015, dây chuyền này bị hỏng, công ty sử dụng công nghệ phun cát để thay thế. Đây chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong đời sống, sinh hoạt người dân địa phương.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.