Vừa đầu tư đã phải tháo dỡ
Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh về việc các cơ sở kinh doanh tại Cung văn hóa Việt Tiệp và Cung văn hóa thể thao Thanh Niên buộc phải di dời cơ sở kinh doanh dịch vụ trước ngày 31/12/2016 khiến cho nhiều lao động làm việc tại đây có nguy cơ thất nghiệp ngày cận tết. Không chỉ người lao động “kêu cứu” vì mất việc, mất têt mà người thiệt hại nhiều nhất trong việc di dời bất đắc dĩ này chính là các doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh dịch vụ tại đây.
Trở lại với việc ký kết hợp đồng kinh doanh dịch vụ tại Cung văn hóa Việt Tiệp, trong năm 2014, 2015 lãnh đạo Cung văn hóa Việt Tiệp đã ký nhiều hợp đồng liên kết với các đơn vị để đầu tư các điểm kinh doanh văn hóa, giải trí tại khuôn viên Cung văn hóa Việt Tiệp. Các hợp đồng này đều là hợp đồng dài hạn vì chủ cơ sở kinh doanh phải đầu tư nhiều, thời hạn thu hồi vốn kéo dài.
Tuy nhiên, việc bắt buộc phải di dời vào thời hạn chót, ngày 31/12/2016 theo yêu cầu của UBND TP. Hải Phòng đã khiến các hợp đồng liên kết kinh doanh này phát sản, đẩy nhà đầu tư đén nguy cơ mất hàng tỉ đồng đã đầu tư vào điểm kinh doanh chưa kịp thu hồi vốn.
Điều khiến các đơn vị liên kết kinh doanh bất bình và bất ngờ chính là bởi các hợp đồng này đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi ký. Thế nhưng, dù đã được đảm bảo đúng thủ tục, thẩm quyền nhưng hoạt động sản kinh doanh vẫn không được bảo vệ. Theo hợp đồng số 89/HĐLK giữa Cung văn hóa Việt Tiệp với Công ty Cổ phần thương mại Hoàng Minh Sơn về việc liên kết hoạt động CLB thể thao tennis, thời hạn đến tháng 7/2018 và gia hạn tiếp đến 2025 thì trước khi hợp đồng được ký kết, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng đã có thông báo số 17/TB-LĐLĐ ngày 19/10/2001 về việc đồng ý để Cung văn hóa Việt Tiệp gọi vốn đầu tư xây dựng sân quần vợt.
Các bản hợp đồng ngày 01/4/2015, có thời hạn đến năm 2030 giữa Cung văn hóa Việt Tiệp với Công ty Cổ phần giải trí Đông Dương về việc liên kết khai thác kinh doanh nhà hàng thời trang, khai thác dịch vụ cafe, giải khát, ăn nhẹ và hợp đồng ngày 26/11/2015 với Công ty Cổ phần Đông Dương MDM có thời hạn đến hết ngày 30/12/2020 cũng đều được sự đồng ý của Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng đồng ý như một sự bảo đảm chắc chắn cho việc đầu tư của doanh nghiệp.
Không chỉ Liên đoàn lao động TP Hải Phòng cho phép ký hợp đồng liên kết mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có văn bản số 148/TLĐ, ngày 3/2/2015 nêu rõ, theo quy định tại khoản 5, Điều 9 Quyết định số 1493/QĐ-TLĐ ngày 17/11/2009 của Tổng liên đoàn về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà văn hóa lao động thì Cung văn hóa Việt Tiệp được thực hiện việc liên doanh, liên kết để mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động.
Về phía UBND TP Hải Phòng, ngày cũng có văn bản số 7713/UBND-QH ngày 10/10/2014 hướng dẫn về việc sử dụng tài sản Nhà nước để góp vốn liên doanh, liên kết tại Cung văn hóa Việt Tiệp, trong đó nêu rõ, Liên đoàn lao động Thành phố căn cứ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đã được UBND Thành phố phê duyệt chỉ đạo Cung văn hóa Việt Tiệp lập phương án liên doanh, liên kết, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định theo quy định.
Với sự đảm bảo "nhiều lớp" như trên, các doanh nghiệp liên kết đã tin tưởng vào các hợp đồng và tự tin đầu tư hàng chục tỉ đồng vào cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động kinh doanh. Song, mới kinh doanh được thời gian rất ngắn so với thời hạn của hợp đồng thì các đơn vị này nhận được lệnh di dời trong thời hạn chót là 31/12/2016 khiến cho việc thu hồi vốn trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Đơn vị ký hợp đồng hay nhà nước bồi thường?
Được biết, hiện có 6 đơn vị buộc phải tháo dỡ di dời trước thời điểm 31/12/2016 vì các đơn vị này được cho là vi phạm so với quy hoạch. Các đơn vị còn lại không vi phạm quy hoạch thì cũng phải ra đi vào thời hạn chót là ngày 31/3/2017 để phục vi việc triển khai dự án chỉnh trang đô thị của TP Hải Phòng; cải tạo, nâng cấp Cung văn hóa theo hướng hiện đại.
Một cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Cung văn hóa Việt Tiệp |
Nhưng, tại sao khi đã có chủ trương cải tại, nâng cấp, chỉnh trang Cung văn hóa Việt Tiệp và Cung văn hóa thể thao Thanh Niên mà các cơ quan chức năng vẫn đồng ý để các đơn vị này ký hợp đồng liên kết, kinh doanh với doanh nghiệp với thời hạn khá dài như vậy để dẫn đến tình trạng dở khóc, dở cười như hiện nay? Hơn nữa, trong khi dự án chưa thể triển khai ngay thì việc yêu cầu các đơn vị kinh doanh kết phải di dời, giải tỏa khẩn cấp trong khi họ đang cần thời gian “vàng” để gỡ gạc một chút vốn đầu tư có phải là một việc làm hợp lý hay sẽ nối dài danh sách các quyết định có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư?
Thiệt hại vật chất trong việc dừng hợp đồng liên kết kinh doanh dịch vụ tại Cung văn hóa Việt Tiệp và Cung văn thóa thể thao Thanh Niên Hải Phòng chắc chắn là sẽ xảy ra. Câu hỏi là ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho những khoản đầu tư không thể thu hồi vốn này, bên liên kết kinh doanh hay cơ quan ra lệnh di dời? Điều này cần sớm làm sáng tỏ để các đơn vị phải từ bỏ cơ sở kinh doanh đã đầu tư tiền tỷ không chịu thiệt thòi.
Theo Luật sư Ngô Trung Kiên, Công ty luật TNHH Gia Long thì việc phá bỏ một hợp đồng đã ký kết sẽ phải bồi thường và quyết định của UBND TP Hải Phòng sẽ không phải là sự kiện “bất khả kháng”. Nhưng, dù ai phải bồi thường thì rõ ràng, việc vừa cho phép ký kết, thực hiện hợp đồng đầu tư kinh doanh dịch vụ đã ra quyết định chấm dứt để thực hiện dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị cũng vẫn khiến hàng tỷ đồng đầu tư trở thành phế liệu và đây là thiệt hại của xã hội không thể lấy lại.