Mẹ con bà Lương Thị Nhung (SN 1966, ngụ thôn Phổ An, xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những nạn nhân. Bà Nhung tố năm 2016, 2017, được bà Phạm Thị Thanh Hương (SN 1982, ngụ TDP Liên Hiệp 2B, phường Trương Quang Trọng) và bà Đặng Thị Bạch Tuyết (SN 1976, ngụ tổ 15, phường Nghĩa Lộ) dụ dỗ vay tiền để làm ăn và “đáo hạn ngân hàng”.
Nhiều lần cho vay, bà Nhung còn rủ một số người thân, bạn bè cho bà mượn thêm tiền để giao bà Tuyết, bà Hương khoảng 8 tỷ. Trong các giấy mượn tiền, bà Hương, bà Tuyết đều ký xác nhận vay trong 7 ngày để đáo hạn ngân hàng, “nếu không trả sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, bà Hương, bà Tuyết có dấu hiệu bất thường, không nghe máy, không trả lãi lẫn vốn. Bà Nhung phải bán đất đai, nhà cửa và mang hết vốn liếng đi trả nợ. Đòi mãi không được, đầu năm 2018, bà làm đơn tố giác tội phạm gửi công an tỉnh. Con gái bà Nhung cũng bị rủ rê mang 1,5 tỷ dành dụm đưa bà Tuyết.
Tương tự, bà Phạm Thị Hường (SN 1966, ngụ tổ 22, phường Quảng Phú) tố cáo, từ năm 2018 cho bà Hương vay 4 lần hơn 7,7 tỷ. “Do quen biết trong quá trình làm ăn, Hương lại làm chủ DN nên tôi tin tưởng cho mượn tiền. Nhưng đòi nhiều năm, tôi mới chỉ được trả một khu đất làm kho hàng. Hiện Hương còn nợ tôi hơn 6 tỷ. Số tiền này, bản thân tôi cũng gom lại của nhóm bạn gồm 4 người ở thị trấn Sông Vệ”, bà Hường nói.
Về phía bà Tuyết, không phải chỉ mới đây, mà từ năm 2012, đã có lá đơn tập thể của nhiều nạn nhân tại TP Quảng Ngãi gửi đến CQĐT tố cáo hành vi mượn tiền không trả. Những người đứng đơn gồm: Huỳnh Minh, Huỳnh Thị Nga My (cùng SN 1973), Phạm Thị Minh Thủy (SN 1968, cùng ngụ phường Trần Hưng Đạo); Trần Thị Thanh Thúy (SN 1976, phường Nguyễn Nghiêm); Võ Thị Bạch Tuyết (SN 1976, xã Nghĩa Dõng); Nguyễn Thị Minh Thu (SN 1980, phường Trần Hưng Đạo); Nguyễn Thị Thu Đào (SN 1969, phường Nghĩa Lộ)… cho rằng, tháng 12/2011 bà Tuyết mượn của họ hơn 5 tỷ nhưng đòi nhiều lần chưa trả.
Theo tìm hiểu, bà Tuyết từng làm nghề may mặc, có cửa hàng cầm đồ, chồng làm lái xe một cơ quan nhà nước (nay đã nghỉ việc). Bà Hương làm Giám đốc Công ty TNHH Triệu Phát, hoạt động kinh doanh xăng dầu; chồng làm cán bộ nhà nước. Từ năm 2012, hai người này “hợp tác” thành đường dây vay mượn.
Hai trong số nạn nhân bị "tán gia bại sản" vì cho vay tiền trình bày vụ việc. |
Các bị hại cho rằng, hai người này thường thông tin vay mượn với lý do kỳ hạn vay đã đến nhưng không đủ tiền để đáo hạn. Thời gian đầu, họ trả lãi đầy đủ. Tin tưởng, người cho vay bị cuốn theo, lôi kéo thêm người thân, bạn bè cùng tham gia. Hơn nữa, vì sợ nếu không gom đủ tiền cho mượn tiếp, tài sản của “con nợ” bị ngân hàng giữ lại, các “chủ nợ” cũng khó đòi vốn cũ, nên cứ “bấm bụng” cho vay tiếp cho đến khi các “con nợ” có dấu hiệu trốn tránh, công ty không còn hoạt động…
Đặc biệt, các đối tượng bị cho là dùng thủ đoạn gian dối, làm giả hồ sơ, giấy tờ, lợi dụng uy tín để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Tuyết, bà Hương bị cho là luôn đưa ra các giấy tờ, giao dịch nộp tiền ở ngân hàng để người cho vay tin tưởng.
Tháng 4/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thụ lý giải quyết đơn thư tố cáo bà Tuyết, bà Hương “Lạm dụng tín nhiệm và lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của các nạn nhân. Sau đó, cơ quan này nhiều lần trả lời đơn thư với nội dung: “Quá trình điều tra, xét thấy vụ việc trên chỉ có tranh chấp dân sự nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan CSĐT tỉnh; đề nghị gửi đơn đến TAND TP Quảng Ngãi để được giải quyết”. Ngày 29/3/2019, Thượng tá Nguyễn Thế Nhã, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi ký các thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự với lý do hành vi của bà Tuyết, bà Hương không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Các “chủ nợ” không đồng ý với những động thái này. Sau khi không liên lạc được với bà Tuyết, bà Hương, họ thậm chí kéo đến nhà người vay gây áp lực, nguy cơ mất trật tự xã hội. Các “chủ nợ” cũng cho rằng CQĐT tỉnh Quảng Ngãi đã không làm hết trách nhiệm, bỏ lọt nhiều chi tiết liên quan đến giả mạo giấy tờ của bà Tuyết, bà Hương để dụ dỗ, chiếm dụng tiền...