Đến hẹn lại lên, tháng giêng là tháng ăn chơi, là cao điểm của mùa lễ hội cùng với đó là vô số các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách. Những lều quán tạm bợ, nhếch nhác, đồ ăn sống lẫn với đồ ăn chín là điều thường thấy ở các lễ hội...
Còn đó nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội |
Nhắm mắt ăn cho xong
Đến lễ hội nào cũng thấy đồ ăn thức uống bày bán la liệt. Bún, phở, xúc xích nướng, trứng vịt lộn, bắp rang bơ, hoa quả dầm, bánh mỳ pa-tê... nhiều khi được bày bán ngay cạnh đường đi với đầy rác rưởi, bụi bặm. Người bán cứ bán, người ăn cứ ăn, nhộn nhịp và... mất vệ sinh. Thức ăn sống, chín để lẫn lộn, các món ăn chế biến sẵn phơi trần cùng bụi đường, thiếu điều kiện bảo quản, người chế biến thực phẩm không đeo găng tay, khu rửa bát đĩa không đủ nước sạch... là thực trạng khá phổ biến của các nhà hàng, quán ăn tại các điểm du lịch, lễ hội.
Tại nhiều quán cơm, phở, những đĩa thịt sống vừa thái vẫn được xếp lẫn với thịt gà luộc, đậu rán. Những giá bún, phở để bày trần trên bàn, nơi chế biến thực phẩm lênh láng nước. Thêm vào đó, nhân viên phục vụ bàn trong các quán ăn đều không có đồng phục, tạp dề và găng tay khi chế biến. Có những nhân viên vừa dùng tay trần bốc thịt sống, ngay sau đó lại quay sang bốc bún, bê thức ăn cho khách... nhưng không ít người đành tặc lưỡi cho qua, ăn cho xong.
Hàng ngàn người đi lại, ăn uống đông đúc, dồn dập cũng như sự phục vụ cẩu thả, dụng cụ ăn uống không được rửa sạch dễ tạo ra sự lây nhiễm vào thức ăn. Cùng với thời tiết mùa xuân thường mưa phùn ẩm ướt, rồi ruồi, chuột "ghé thăm"... tạo điều kiện cho thực phẩm bị nhiễm nấm mốc gây bệnh, thức ăn đồ uống dễ bị hư hỏng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây lan qua thực phẩm là rất lớn.
Chị Nguyễn Thị Lương ( ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm ăn ở lễ hội của mình: “Đầu năm, tôi thường có thói quen đi lễ hội để cầu sức khỏe cho các các thành viên trong gia đình. Năm nay, công tác tổ chức ở các lễ hội nhìn chung được làm tốt hơn mọi năm nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại lễ hội dường như vẫn chưa có biến chuyển. Tôi cũng chẳng muốn ăn uống tại lễ hội nhưng đến với lễ hội ở xa nhà không thể không ăn. Dù chỉ ăn bát phở hay bát bún, tôi cũng thường chọn những hàng ăn mà cơ sở vật chất trông khang trang, sạch sẽ một chút chứ ít khi ăn ở những hàng quán là những túp lều dựng lụp xụp bên đường...”.
Tuy nhiên, không phải lễ hội nào du khách cũng có sự lựa chọn như vậy, nếu không có sự chuẩn bị trước như mang đồ ăn từ nhà thì nhiều người chỉ biết “chung sống với lũ”, nhắm mắt ăn tạm mà thôi.
Khó kiểm soát hết nguồn gốc thực phẩm
GS.TS Nguyễn Công Khẩn (Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết, tiếp sau 2 đợt kiểm tra trước tết và trong tết, thì sau tết bắt đầu từ ngày 1.2 kéo dài đến đầu tháng 3 sẽ liên tục có đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về ATVSTP và nhiều đoàn của địa phương tập trung trọng điểm là kiểm tra tất cả các lễ hội đặc biệt ở khu vực phía Bắc như: lễ Hội Chùa Hương, hội Lim…
Qua kiểm tra các lễ hội có thể thấy một số đặc điểm nổi lên. Thứ nhất, so với mọi năm, năm nay vấn đề đảm bảo VSATTP được thực hiện có bài bản và nề nếp hơn, các hộ kinh doanh tại các Lễ hội các hộ kinh doanh cơ bản có đăng ký với Ban tổ chức lễ hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều quầy hàng, mẹt hàng bán hàng một cách tự do, chưa kiểm soát được.
Thứ hai, mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức lễ hội của các địa phương đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc đảm bảo ATTP cho người dân bằng việc xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai liên tục. UBND các cấp quan tâm phổ biến, các chi cục ATVSTP có kiểm tra định kỳ và lấy mẫu để kiểm nghiệm những thực phẩm bị nghi là nguy cơ ngộ độc cao như: giò chả, thức ăn ngay tại chỗ vì do mang tính chất thời vụ nên nhiều loại thực phẩm được sản xuất chế biến từ các cơ sở tư nhân, hộ gia đình nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điểm nổi bật nữa là, qua báo cáo so với những năm trước, các địa phương đã xử phạt rất mạnh, những hộ kinh doanh qua kiểm nghiệm không đạt ATVSTP sẽ không được cấp phép và buộc phải đóng cửa. Tính từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, đã xử phạt gần 50 vụ vi phạm VSATTP tại lễ hội (TPHCM đình chỉ rất nhiều cở sở kinh doanh, Bắc Ninh xử phạt 2 cơ sở sản xuất kinh doanh...).
Các cơ sở kinh doanh chủ yếu vi phạm 3 lỗi là không đăng ký kinh doanh thực phẩm; điều kiện kinh doanh không đảm bảo: về con người, cở sở và thực phẩm; thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ - đây cũng là lỗi vi phạm đáng lo ngại nhất. Bởi qua đợt kiểm tra cho thấy con số hàng quán kinh doanh tự do không đăng ký trong lễ hội còn lớn, thế nên, nguồn gốc thực phẩm chưa thể kiểm soát hết. Chính vì lẽ đó, đi lễ hội mỗi thực khách trước hết phải tự biết bảo vệ mình trước những nguy cơ ẩn họa từ các hàng quán vào mùa “ làm bẩn và ăn bẩn” ...
Ông Nguyễn Chí Thanh (Trưởng ban quản lý khu di tích danh thắng Hương Sơn): “Yêu cầu các hàng ăn có tủ kính bảo quản thức ăn”. Phục vụ cho lễ hội chùa Hương năm nay có khoảng 320 hàng quán gồm: hàng ăn, hàng trọ, hàng lưu niệm và tạp phẩm… đã được UBND huyện Mỹ Đức quy hoạch. Chúng tôi đã yêu cầu hàng ăn trong khu vực lễ hội phải có tủ kính bảo quản thức ăn, thậm chí cả tủ đông để đảm bảo ATVSTP. Ban tổ chức lễ hội phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 2 tổ thanh tra liên tục kiểm tra vấn đề ATVSTP của các hàng quán. Chúng tôi mong du khách phối hợp với Ban tổ chức phát hiện thấy những sai phạm tại lễ hội thì báo với Ban tổ chức để lễ hội chùa Hương năm nay diễn ra an toàn. |
Uyên Na