Phiên họp thứ 16 Ủy ban thường vụ QH, một số đại biểu quốc hội đã chất vấn Chánh án TAND tối cao về tình trạng áp dụng án treo chưa đúng, đặc biệt là đối với các tội phạm tham nhũng, dẫn đến dư luận bất bình. Nhưng vấn đề đáng bàn không phải là nhiều bị cáo được hưởng án treo mà điều quan trọng nhất là vấn đề “đáng được nhưng không được, không đáng lại được” cho hưởng án treo.
Một phiên tòa xét xử. Ảnh minh họa |
Theo quy định tại Điều 60 Bộ Luật hình sự thì án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Tuy nhiên, án treo lại rất được các bị cáo “thích” vì trong thực tế, án treo đồng nghĩa với việc không phải ngồi tù, được tự do hoàn toàn. Chính vì thế, án treo luôn là mong muốn của các bị cáo phạm tội có mức hình phạt tù từ 3 năm trở xuống. Thậm chí, các bị cáo phạm tội nặng hơn cũng tìm mọi cách để được giảm nhẹ khung hình phạt với hy vọng đủ điều kiện để được hưởng án treo.
Theo báo cáo của ngành Tòa án, năm 2012, có khoảng gần 21% các bị cáo bị xét xử đã được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo (tương đương gần 26 nghìn bị cáo không phải ngồi tù). Cấp phúc thẩm cũng áp dụng biện pháp “án treo” cho nhiều bị cáo có kháng cáo, với tỷ lệ 13% số bị cáo có kháng cáo phúc thẩm (tương đương gần 2,200 bị cáo). Đối với các tội phạm về tham nhũng, tỷ lệ được hưởng án treo khoảng 30% số bị cáo bị xét xử còn đối với các tội phạm về kinh tế thì tỷ lệ được hưởng án treo là hơn 35%.
Như vậy, với kết quả xét xử trên, tỷ lệ các bị cáo được hưởng án treo là khá cao, chiếm gần 1/3 các bị cáo bị đưa ra xét xử. Việc cho các bị cáo hưởng án treo trong nhiều trường hợp đã gây sự bất bình của dư luận, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng nhưng lại được hưởng án treo với tỷ lệ rất cao. Điều này gây quan ngại sâu sắc đối với việc đấu tranh phòng chống tham nhũng vì việc cho hưởng án treo khiến cho tính răn đe của hình phạt thấp đi.
Tuy việc cho hưởng án treo như trên đang bị dư luận quan ngại. Nhưng, theo báo cáo của ngành Tòa thì tỷ lệ cải, sửa những bản án cho bị cáo hưởng án treo này lại không cao. Theo đó, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (1,91%) trong số gần 26 nghìn bị cáo được hưởng án treo bị kháng cáo, kháng nghị. Nhìn vào con số này thì liệu có thể tạm kết luận rằng việc xét xử như vậy là đúng và việc quan ngại của dư luận là thừa?.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú thì con số này chưa nói được nhiều điều về việc cho hưởng án treo đúng hay sai vì phần lớn các bản án “treo” không bị kháng cáo, kháng nghị. Do đó, tỷ lệ cải, sửa án thấp là chuyện đương nhiên. Hơn nữa, điểm nóng của việc áp dụng biện pháp cho hưởng án treo không phải là nhiều hay ít mà có tiêu cực hay không có tiêu cực trong những bản án mà các bị cáo được hưởng án treo mới là điều quan trọng.
Theo Luật sư Trần Văn Toàn, chế định án treo hiện nay là một trong các chế định dễ phát sinh tiêu cực nhất nên cần phải được quan tâm theo dõi từ phía các cơ quan kiểm tra, giám sát. Theo đó, các bản án có bị cáo được hưởng án treo cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khi xét xử sơ thẩm, quy trách nhiệm rõ ràng cho người xử không đúng pháp luật để đảm bảo không để lọt các bị cáo không đáng được hưởng án treo nhưng vẫn được hưởng án treo.
Một ví dụ về bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao về vụ án tham nhũng xảy ra tại Bắc Ninh cách đây vài năm. Bị cáo bị truy tố về tội tham ô, với mức hình phạt trên 7 năm tù nhưng sau đó đã được cấp phúc thẩm xử phạt dưới khung và cho hưởng án treo. Bản án đã bị quên lãng vì đó là án phúc thẩm, hơn nữa lại được chính đại diện VKS đề nghị mức án “hời” này cho bị cáo. Nhìn vào bản án này liệu có ai dám chắc là không có tiêu cực? Tuy nhiên, vụ án chìm vào quên lãng vì đã không có ai nhắc đến nữa. Do đó, để tránh tiệu, cần kiểm tra các bản án phúc thẩm cho bị cáo hưởng án treo.
Nhưng, việc kiểm tra như trên chỉ phát hiện một “góc khuất” của án treo, chỉ phát hiện ra trường hợp bị cáo không đáng được hưởng án treo mà vẫn treo. Đối với trường hợp các bị cáo đáng được hưởng án treo mà không cho treo thì sao?.
Hai mặt của vấn đề này phản ánh tình trạng tùy tiện cho hưởng án treo. Bên cạnh đó, đây còn là bằng chứng cho thấy có khả năng phát sinh tiêu cực khi quyền ban phát án treo thuộc về thẩm phán, HĐXX. Nói cách khác, án treo đúng là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có “điều kiện” hiểu theo nghĩa bóng của từ này. Ngay cả các bị cáo đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định của pháp luật thì cũng chưa chắc được hưởng án treo nếu không thỏa mãn “điều kiện” của người ban phát.
Vì vậy, để án treo không phải là nơi phát sinh tiêu cực trong xét xử và cũng không làm thiệt thòi những người đáng được hưởng lượng khoan hồng, bao dung của pháp luật, cần phải xây dựng các quy định chặt chẽ hơn về việc áp dụng chế định án treo đối với các bị cáo.
Theo đó, để tránh tiêu cực, cần xác định các tội danh nhất thiết không cho hưởng án treo (như ma túy, tham nhũng, phạm tội cố ý có dự mưu) và các tội danh cần phải cho hưởng án treo (như các trường hợp phạm tội do vô ý, khinh xuất hay các tội danh mà việc phạt tù rõ ràng là không cần thiết). Việc giảm bớt quyền “ban phát” án treo của người xét xử và quy định rõ ràng hơn về điều kiện áp dụng án treo trong luật sẽ giảm những trường hợp áp dụng án treo mà điều kiện lại do người xét xử đưa ra. Có như vậy, dù tỷ lệ áo treo cao hay thấp đâu phải là điều đáng lo…
Bình Minh