Lên rừng bẻ đót bắt được chú trăn “khủng” nặng hơn 15kg, vợ chồng anh A Phan (30 tuổi, ngụ thôn 2, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) mừng rỡ đem xuống chợ bán với giá 1,5 triệu đồng. Tưởng là may mắn, ai ngờ lại gặp họa vì sau khi chú trăn được bán đi cũng là lúc hai người con của anh chị đột ngột mất tích, không để lại một dấu vết. Những ngày đầu Xuân 2013, núi rừng xôn xao dồn nghi hoặc vào “cuộc báo thù của trăn rừng”.
Vợ chồng anh Phan thuật lại quá trình bắt con trăn lạ |
Cuộc vây bắt “trăn lạ” táo bạo
Con đường dẫn vào thôn 2 của xã Đăk Pxi dài hun hút, thi thoảng trên đường đi mới thấy một vài ngôi nhà đứng giữa những quả đồi cao. Gió cuốn bụi bay mù mịt sau mỗi vòng xe. Theo chân một người dân trong làng, chúng tôi tìm đến nhà anh A Phan để tìm hiểu sự việc. Lúc này vợ chồng anh không có nhà, chỉ còn lại người mẹ già tuổi đã gần 70 và 3 đứa trẻ nhỏ đang ngồi bệt trước nhà với vẻ mặt thất thần.
Mẹ của anh ngậm ngùi tâm sự: “Suốt nửa tháng nay vợ chồng nó cõng đứa con nhỏ nhất lên rừng, ăn ngủ luôn trong đó để tìm con. Giờ không biết ăn uống thế nào, sức khoẻ làm sao. Tôi phải ở nhà trông mấy đứa cháu còn lại, không thể phụ tìm nên thấp thỏm lắm, lòng đau vì nhớ cháu”.
Đưa tay ngăn vội dòng nước mắt trên đôi má già nua, bà lão quặn lòng chia sẻ câu chuyện đời khó nhọc. Bà cho biết trong ngôi nhà đất thấp lè tè này hiện có hết thảy 9 nhân khẩu. Tất cả những miệng ăn đều trông chờ vào những lần đi rừng kiếm miếng ăn của vợ chồng anh Phan. Hơn 10 năm chung sống hoà thuận, vợ chồng anh có được sáu mặt con, đứa lớn nhất đang học lớp 5, đứa nhỏ nhất vừa tròn 3 tháng tuổi. Nghèo khó nhưng chưa bao giờ anh vơi đi ý chí kiếm tiền lo cho con cái ăn học, vì không muốn con mình trở thành một kẻ mù chữ, nối tiếp cuộc sống cơ cực của cha mẹ.
Bé gái bị mất tích (thứ 3 từ trái sang) |
Đối với những người dân vùng cao nghèo khó như vợ chồng anh Phan thì mùa đót già vào khoảng cuối tháng 12 mỗi năm được xem là mùa “ăn nên làm ra”, nếu chịu khó lên rừng hái mỗi mùa cũng kiếm được một khoản tiền kha khá. Người mẹ già cho biết: “Một mét đót bán được 200 ngàn nên vợ chồng nó dắt hết 6 đứa con đi theo vừa để trông giữ, vừa để phụ làm việc kiếm tiền trả ngoài chợ hai bao gạo và tiền mắm muối, rồi sắm sửa thêm một số đồ đạc. Để không phí thời gian, thằng Phan cất một căn chòi trên rừng luôn, ăn ngủ đến hết mùa rồi về”.
Như thường lệ, chiều ngày 3/1/2013, gia đình anh Phan dắt díu nhau lên rừng hái đót. Đi được một đoạn khá xa, người vợ hốt hoảng la lớn khi nhìn thấy một con trăn màu vàng, hoa văn rất đẹp. Thoáng nghĩ nếu bắt chú trăn này đem xuống chợ làng sẽ bán được một số tiền tương đối lớn, vợ chồng anh cả gan hành động. Rất nhanh gọn, anh lột áo, nhào vô lấy áo trùm đầu trăn, còn chị vợ nắm giữ lấy đuôi con vật cột lại. Do đứa con trai 2 tuổi sợ trăn cứ khóc suốt, anh Phan căn dặn đứa con gái 8 tuổi của mình ở lại chòi coi sóc đứa em, để cha mẹ yên tâm cùng bốn đứa trẻ còn lại ôm trọn con trăn trong người mang xuống chợ bán.
Mừng rỡ khi cầm được số tiền 1,5 triệu trên tay, cả nhà anh náo nức lên rừng. Nào ngờ, niềm hạnh phúc hoàn toàn bị chùng xuống khi trở lại căn chòi không nhìn thấy hai người con đâu. Gọi mãi vẫn không thấy con trả lời, vợ chồng anh bắt đầu tản ra khắp nơi tìm kiếm. Sau hơn một giờ ròng rã vẫn không tìm thấy tung tích, anh về làng cầu cứu mọi người. Suốt đêm hôm đó, cả làng thức trắng, đốt đuốc đi tìm. Sau nhiều ngày chia nhau sục sạo khắp rừng vẫn “bặt vô âm tín”, mọi người tuyệt vọng bỏ cuộc trở về.
Mẹ anh Phan tâm sự: “Nhà có sáu đứa cháu nhưng hai đứa mất tích này đặc biệt lắm. Tụi nó trắng chứ không đen như mấy đứa còn lại. Tóc cũng không phải màu đen mà vàng như người nước ngoài, hai đứa nó đẹp lắm, lạ lắm. Trong hai đứa này, đứa con gái 8 tuổi người nhỏ xíu, lại bị lẩn thẩn, học cái chữ không vô, lúc bạn bè học, nó chỉ cười. Thế nhưng nó lại múa hay, hát giỏi, siêng làm nhất”.
Khóc tức tưởi một hồi lâu vì nhớ cháu, bà cho biết thêm: “Tội hai đứa nhỏ, khi mất tích con chị chỉ mặc một cái áo dây và cái quần thì rách hết; thằng nhỏ chỉ mặc một cái áo, không có nổi cái quần. Rừng đêm lạnh, cơm không có mà ăn, người lớn mình còn không chịu nổi thì mấy đứa nhỏ làm sao sống được”.
Cuộc báo thù của “trăn thần”?
Con đường dẫn đến căn chòi nơi gia đình anh Phan đang sống vô cùng gồ ghề, nhiều đoạn đã xói mòn rất khó đi. Chạy nhiều cây số đường mòn, khách đến thăm phải để xe máy lại một bụi cây ven đường, tiếp tục “tăng bo” đi bộ hàng cây số nữa mới đến được chòi của hai vợ chồng khốn khổ. Lúc này vợ chồng anh vẫn chưa về, còn đang đi khắp các quả đồi vừa bẻ đót, vừa tìm con trong tuyệt vọng.
Gần 15h chiều, người đàn ông mới mệt nhọc trở về với bó đót nặng trĩu trên vai, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Chị vợ bước liền sau lưng chồng với đôi mắt thâm quầng vì khóc ròng và thức đêm suốt nửa tháng nay. Đứa bé chị mang trước ngực cứ khóc ngằn ngặn vì khát sữa. Hỏi về hai đứa con mất tích, người mẹ không nói nên lời, chỉ biết cúi mặt xuống đất không nức nở, còn người cha cứ lấy một cây khô di di trên nền đất, buồn bã lên tiếng “Mình nhớ hai đứa con lắm”, không ngăn được hai dòng nước mắt.
Bé trai bị mất tích |
Một người đi rừng ngang qua ghé thăm, buồn bã cho biết: “Thương hoàn cảnh anh Phan nên đến những ngày này, chúng tôi vẫn tiếp tục vừa làm rừng, vừa tìm kiếm giúp. Nhưng lạ lắm, khu rừng không lớn, làng đã dàn hết người bới từng gốc cây ngọn cỏ mà vẫn chưa ra. Mấy ngày đầu, bà con trong làng cứ cầu nguyện cho hai đứa cháu trở về vì sợ Yàng (thần – PV) đồi, Yàng núi giấu.
Cũng có người nói bị bắt cóc nhưng phần lớn không nghĩ vậy vì trước giờ làng yên bình, chẳng có khách lạ. Nhiều người cho rằng đây là “cuộc báo thù” của con trăn còn lại. Trăn thường sống có cặp, tuy rất hiền nhưng khi một con xảy ra chuyện không may, con còn lại chắc chắn sẽ “trả đũa””.
Anh Phan nghẹn ngào: “Tưởng bắt được trăn đem bán có tiền là may mắn nhưng không ngờ lại điềm xui của gia đình. Mình đã chạy ra chợ tìm người mua trăn để xin mua lại nhưng người đó là khách lạ đã đi mất, nay không tài nào biết anh ta ở đâu. Giờ mỗi ngày mình chỉ biết khấn vái núi rừng, “thần trăn” trả con về. Nếu không may chúng chết đi, mình cũng muốn tìm thấy xác con chứ để ngoài rừng tội nghiệp chúng lạnh lắm. Mình sẽ tìm đến khi nào thấy rồi mới yên lòng, nếu không sẽ cả đời ở trên rừng tìm kiếm”.
Ông A Phong, trưởng thôn 2 cho biết: “Trước đây ở khu vực từng có vụ mất tích xảy ra, nhưng ít ngày sau lại trở về như ông già tên A Điếc, cách đây mấy chục năm bị lạc rừng, cả làng cùng đi tìm nhưng không ra. Rồi hôm đó tự nhiên người làng đi rừng, nhìn thấy ổng ngồi dưới một gốc cây. Lạ ở chỗ là khu vực đó cả làng đã tìm nát rồi mà không thấy. Tôi hi vọng những đứa trẻ cũng may mắn như vậy”.
Những ngày đầu Xuân 2013, vùng núi này như quên đi cái Tết gần kề, khi người làng, lực lượng dân quân tự vệ, công an viên của các thôn và người dân các làng chia nhau tìm kiếm hai đứa trẻ cả ngày lẫn đêm.
Huyện cũng cho bộ đội và công an vào, lực lượng tìm kiếm lên đến gần 300 người nhưng dù đã nỗ lực, dấu vết hai đứa trẻ vẫn hun hút như lời ông Trương Văn Thành, chủ tịch xã Đăk Pxi cho biết. Ngày chúng tôi đến thăm gia đình cũng là ngày chính quyền hỗ trợ gia đình anh Phan số tiền 1,9 triệu đồng và 50 kg gạo giúp gia đình đón Tết, nhưng dường như mùa Xuân vẫn chưa về trong ngôi nhà thiếu may mắn này.
Di Tôn