Hai bờ rạch Tráng

Truyện ngắn của Phùng Phương Quý

Cây cầu bắc qua rạch Tráng ghép bằng ba thân dừa, mỗi bên một thân gác chếch từ bờ lên hai cọc chàm đóng chéo, một thân nối thẳng ở giữa, hai hàng tay vịn bằng cây đước nhỏ cột dây kẽm khá chắc chắn.

Vậy mà bà Mười Đước không bao giờ dám bước lên cầu vì sợ té. Chiếc xuồng ba lá dập dềnh như lá dừa xiêm cột sát mí nước. Muốn qua thăm bà Năm Đáy, chỉ cần dò dẫm bước xuống xuồng, lập cập tháo dây cột, khua khoắng mái dầm chừng hai chục nhát là tới bờ bên kia.

Bên kia con rạch là nhà bà Năm Đáy. Trước sân có một cây dừa lòng khòng đứng che cho trang thờ lộ thiên có bình bông nhựa bạc phếch, nghiêng ngả chân nhang đỏ nhạt.

Dân trong ấp nhìn hai bờ rạch chợt thấy tức cười. Hai bà già nầy nhà cửa y chang đến lạ. Nhà bà Mười Đước bên này cũng một cây dừa còng lưng đứng ôm khóm mẫu đơn lớm chớm bông màu đỏ vàng.

Mấy bữa nay bà Năm Đáy bị bịnh không ra khỏi nhà. Bà Mười Đước mỗi ngày phải chèo xuồng qua nấu giùm nồi cháo. Ngồi trên bộ ván giữa, bà vạch vách lá nhổ quết trầu ra ngoài, cự nự chủ nhà:

- Sao lóng rầy sanh tật, bịnh thì lên giường nằm chớ chèo queo hoài trên võng, mẹ nội tôi cũng ngán.

- Ui da! Già quá rồi chị Mười ơi! Nằm giường xương cốt nó hổng chịu, cứ như nằm trên đá vậy đó.

*

Bà Năm cuốn tròn trong chiếc võng dù toòng teng sát vách, chỉ hở ra cái mặt như trái táo khô, hai con mắt đỏ quạch, đóng ghèn, miệng than van:

- Có hai công mía tới kỳ mần cỏ mà hổng có tiền mướn. Tui ráng cả tuần chưa xong, còn bị mưa mắc cảm nữa. Phải chi lột kịp lá mía khô, nhờ bà con cô bác chằm lại cái mái nhà…

Nhìn lên mái nhà lợp lá dừa nước lỗ chỗ vệt sáng nắng xiên nền đất, bà Mười chép miệng:

- Mái dột hết trơn! Để mai mốt tui lãnh trợ cấp, lấy tiền mua thêm nửa thiên lá nhờ ba thằng thanh niên ấp nó chằm lại cho. Sắp mùa mưa rồi.

- Thôi kệ nó đi! Bám vô chị hoài tui ngại hết sức. Sắp xuống huyệt rồi, lo lắng chi cho nhiều.

Bà Mười giận dữ nhổ phì bãi quết trầu ngay xuống chân.

- Chị nói ba láp, ba sàm vậy đó hả? Còn sống một ngày cũng phải cho đàng hoàng chớ.

Bà Năm nước mắt loẹn quẹn:

- Thì cũng ráng nhiêu năm nay rồi, chị Mười. Tôi với chị cùng cảnh hổng con, hổng cháu.

Bà Năm liếc mắt ngóng lên bàn thờ, tấm ảnh chàng thanh niên mặc bà ba đen, miệng cười hết cỡ đứng trên chiếc bè cạnh cọc đáy. Tấm ảnh đen trắng nhỏ cỡ bàn tay. Cứ tính khi nào trúng vụ mía, gởi cái hình thằng nhỏ lên phố huyện hoạ lại to bằng tấm hình thằng Hai bên chị Mười, vậy mà lần lữa hoài.

- Phải chi thằng Đực nhà tui còn sống, cây đáy ngoài cửa vàm dư sức nuôi tui với chị hén?

- Nói kỳ quá đi…

- Thằng Hai nhà chị nếu còn chắc cũng là thầy giáo rồi. Chặc! Chặc! Cái thằng hồi nhỏ học siêng thiệt là siêng, đi chăn vịt mà cũng kè kè cuốn vở. Nó mê làm thầy giáo mà…

Bà Năm he hé mắt nhìn người bạn già. Bà nầy lại đổ quạu rồi đó. Thôi bà ơi! Làm ơn nhổ quết trầu ra ngoài giùm đi. Bả cứ phun giữa nhà phì phì như rắn bàm bàm thấy ghê. Không đúng vậy sao? Chị còn kịp cưới vợ cho thằng Hai, chớ thằng Đực còn chưa biết vú bọn con gái tròn hay méo kìa.

Bà Mười mở to đôi mắt đục lờ nhìn xa xăm. Thôi chiến tranh, hòn tên mũi đạn vô tình mà, nhắc hoài thêm đau lòng. Bà lại giận dữ nhổ quết trầu phì phì ra giữa nhà. Bà Năm sợ sệt cuốn chặt mép võng. Bả lại nhắc tới vụ thằng Đực bị bên Vĩnh Châu, cũng gần nhà nên còn mang được cốt về. “Thằng Hai bị tuốt trên vùng Bảy núi, có biết mồ mả chỗ nào mà kiếm?”

*

Tư Nghĩa lội sàm sạp qua bãi sình nước vừa ròng sát, lột nón tai bèo xuống lau lia lịa mồ hôi tươm tướp khuôn mặt tròn, xanh rì chân râu quai nón. Bà Mười đặt dĩa mắm “bò hóc” ra giữa mâm, phe phảy quạt tô canh mướp nóng. Thằng Tư “mặt trận” xã, giữa trưa nắng hoa mắt đi đâu vậy cà?

Tư Nghĩa cười khà khà. Má ơi! Con lội nắng giữa trưa tới đây bộ chỉ ăn khính bữa cơm thôi hả? Có tin mừng thiệt đó. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tặng ba căn nhà tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, ấp mình được một. Tụi con vừa họp ban mặt trận xong, quyết định cất nhà cho má trước. Được hông má?

Bà Mười buông chén cơm xuống, ngó sững thằng Tư “mặt trận”:

- Có chuyện đó thiệt hả? Cám ơn các con! Vậy chừng nào cất nhà cho má đây? Để tau qua ông thầy Chín coi ngày tốt hén?

*

Buổi chiều nước đang ròng xiết, chảy băng băng cuốn theo cành lá khô và những trái bần chín rữa. Chiếc xuồng nhỏ của bà Mười run rẩy hướng mũi ra phía Vàm Hồ, sợi dây cột thẳng tưng muốn đứt. Bà già nhìn dòng nước lắc đầu, nhắm sức mình không thể khua mái dầm sang bờ bên kia. Bàn chân đã quay lui, tần ngần rồi run run bước lên cây cầu dừa. Bà muốn đem sang cho bà Năm Đáy mấy cái hột vịt. Nước phía dưới cầu chảy vun vút, bà Mười nhắm mắt đặt bàn chân theo thân dừa khô nhẵn, tay nắm chặt cây vịn. Trong bụng bà vừa sợ vừa tức. Đù ngựa! Bây giờ mà rớt xuống chắc nước cuốn ra cửa Vàm luôn.

Con Bảy Tươi đi hái bông so đũa về ngang, chợt buông chiếc rổ kêu ré lên khi thấy bà Mười Đước ngồi gục giữa cầu, một tay ôm cứng cây cọc, một tay giữ chặt bọc trứng.

- Trời đất! Bà Mười bị cảm hả?

Bà Mười lại chửi thề.

- Đù…ngựa! Cảm gì mà cảm. Tau tính …qua cầu…mà qua hết nổi.

- Từ từ thôi! Con dắt bà Mười qua liền.

Từ ngày nào tới giờ mới thấy bà Năm Đáy đổ quạu.

- Tui mượn chị qua thăm sao? Lụm cụm qua cầu lỡ rớt xuống ai biết đâu mà kiếm. Già rồi sao…ngu quá đi.

Bà Mười cười xuê xoa.

- Con dâu nó mua được chục vịt lộn rẻ quá hà. Mình mua tại lò chục mười hai, hông biết nó mua ở đâu được chục mười bốn lận.

- Rồi! Giờ đem ăn cho hết đi! Tôi đã chết đâu mà chị lo quá vậy. Rồi tối thui làm sao về bển?

- Tui ngủ lại với chị luôn. Mai mốt tính qua đây ngủ nhờ ít bữa đó.

- Đã nói tui hổng mướn…

- Thôi mà! Làm mình làm mẩy hoài. Tui qua ở nhờ thiệt đó. Mấy đứa tỉnh đội nó cất cho cái nhà, chờ nó cất xong hổng lẽ mình nằm ngoài vườn.

Bà Năm nằm im re. Một nỗi buồn như dao cứa trong ruột. Vậy là bả sướng rồi. Có nhà mới đâu lo mưa gió nữa. Dù mừng cho bạn, mà bà không khỏi chạnh lòng. Hai người thân nhau từ nhỏ. Cùng dắt nhau đi cắt lúa mướn khắp vùng. Hồi “chín năm” cùng vào hội thanh niên phản đế, cùng hát vang “Nào thanh niên ơi! Tiến lên theo lời sông núi…” Cùng lấy chồng một năm, cùng sanh con trai một lượt. Rồi chiến tranh bom đạn, mỗi người mỗi cảnh. Rồi lại cùng chồng chết, con chết. Hoàn cảnh thì đẩy ra, tình người thì kéo lại. Càng khổ càng thương nhau hơn, như chị em ruột trong nhà. Nhưng xem ra bả vẫn sướng hơn mình. Buồn! Định phận. Muốn vượt qua đâu có dễ.

- Vậy là chị hơn tui rồi! Mà mai mốt chị đừng qua tui nữa, để họ cất xong cái nhà…

- Chị ngậm cái miệng lại cho tui nhờ chút coi. Cùng mất chồng mất con mà kêu tui sướng hơn sao? Ừm! Hiểu rồi! Chị nghĩ tui sướng hơn vì mỗi tháng có mấy trăm ngàn trợ cấp. Giờ lại được cất nhà tình nghĩa hả? Nói thiệt nghen. Hổng gì thay được thằng con trai của mình hết chị Năm à.

*

Căn nhà đã xây xong, tường gạch, mái tôn. So với những nhà gạch khác thì nhỏ bé, nhưng với bà Mười thì quá rộng. Cất nhà mới, tự dưng bên trong rộng huếch, trơ trọi cái giường cây với ba thứ nồi xoong, chén đũa. Chỉ có tấm biển bằng đá đen ghi dòng chữ NHÀ TÌNH NGHĨA là gắn phía trong trên cửa sổ kế bàn nước. Hồi gần xây xong, bà Mười không chịu gắn tấm biển đen phía ngoài tường hiên. Nghe tin, Tư Nghĩa sàm sạp chạy tới, lột nón tai bèo lau mồ hôi lia lịa.

- Sao vậy má? Nhà tình nghĩa thì phải gắn biển đặng cho mọi người biết chớ!

- Má có nói hông gắn đâu! Nhưng tau hông muốn gắn biển bên ngoài, đi ra đi vô ngó kỳ quá. Giờ các con làm ơn gắn phía trong nhà cho má đi. Gắn luôn phía trên bàn nước cho ai tới cũng biết, chớ đừng gắn phía ngoài.

Bà Mười mỗi tuần mới qua thăm bà Năm được một lần. Bữa nay bà cột xong dây xuồng, dợm bước lên bờ, bỗng đầu gối đau nhức, kêu rắc rắc, phải chống hai tay một lúc mới đứng lên được. Bà Năm nheo nheo mắt trước nhà nhìn xuống, xua tay.

- Già yếu cả rồi! Hổng phải qua thăm tui nữa mà. Mai mốt tui khỏe rồi qua chị.

- Bà qua chơi ở với tui ít bữa đi!

Bà Mười đột ngột đề nghị. Bà Năm lắc đầu.

- Hổng dám đâu! Nhà cất cho chị tui qua bển thấy kỳ quá.

- Sao mà kỳ? Bộ cả xứ này hổng biết tui với bà “con chí cắn đôi” từ hồi còn ở truồng sao? Cứ qua bển đi, chị em hủ hỉ với nhau trong nhà mới ít bữa cho vui. Mình sống được bao lâu nữa.

Bà Năm lại nước mắt loẹn quẹn. Thiệt khó quá. Cái tình thì vậy đó…

- Để tui tính coi!

- Có gì mà tính lui tính tới. Tui quyết vậy rồi. Qua bển chơi ít ngày đi. Chị em nấu cơm chung cho vui. Hổng tiện sao!

Bà Mười lụm cụm bước ra sân, hướng vô quán cà phê Tư Sữa phía bến cá.

- Ua! Ua! Mấy con, mấy cháu ơi! Tới tau nhờ chút coi.

Mấy đứa thanh niên hơ hới chạy tới.

- Chi vậy bà Mười?

- Cho tụi bây hai chục ngàn nhậu chơi.

- Thôi! Tụi con hông lấy tiền của bà Mười đâu.

- Tau mới lãnh lương, lại vừa cất nhà mới, đãi tụi bay chút đỉnh hông được hả? Mà tau nhờ chút việc chớ bộ.

- Chi vậy bà Mười?

- Tụi bay cõng giùm bà Năm Đáy qua cầu sang nhà tau chơi được hôn?

Lũ thanh niên cười rần. Tưởng bà Mười mướn tụi con đi …đánh ghen, chớ chuyện đó nhỏ như con thỏ. Tụi nó kéo vô nhà. A lê hấp! Nhấc ngay bà Năm lên lưng thằng mập, hai thằng đỡ đàng sau, chạy rầm rầm qua cầu. Bà Năm chưa hiểu chuyện chi, mới kịp mở miệng ú ớ: “Tụi bây! Tụi bây tính…”. Kêu chưa dứt tiếng, đã bị tụi nó đặt lên giường nhà bà Mười. Bên kia cầu, bà Mười lúng túng với xách đồ, la bai bải:

- Mẹ bà mấy thằng kia! Tụi bay bỏ hổng cõng tau qua hả?

Một thanh niên cười hi hí chạy lộn lại, ghé vai nhấc bà lên nhẹ như bao trấu.

 

Cả tuần trời mưa không dứt. Sáng, hai bà già mở cửa, không tin ở mắt mình nữa. Bão bẻ gãy ngọn cây dừa lưng còng nhà bà Mười. Bên kia rạch, lối đi nhỏ ngập rác rều, cành lá. Cây dừa khom lưng nhà bà Năm cũng bật rễ đổ chúi xuống bờ rạch. Ngôi nhà nhỏ bay tốc hết phên lá, trơ lại mấy cây cột đứng chết sững.

Bà Năm Đáy mếu máo.

- Trời hại tui rồi! Tấm hình thằng Đực hổng biết còn hay gió cuốn mất tiêu.Tội nghiệp con tui!

Bà Mười bình tĩnh tém quết trầu quanh miệng.

- Có chi mà than như bọng vậy. Để chút nữa tạnh ráo, tui với bà qua bển kiếm coi. Còn nhà cửa lo chi cho mệt. Có cái nhà to bự đây, tui với bà lăn tối ngày hổng hết chỗ mà.

*

Tư Nghĩa lò dò tìm tới lúc bà Năm qua bên kia rạch dọn dẹp cây lá căn nhà đổ.

- Má à! Má định cho bà Năm ở luôn bên này sao? Mấy anh trên xã cự nự tụi con chết ngắc đó. Đây là nhà tình nghĩa cất cho má, sao cho người khác vô ở được?

Bà Mười tính đưa xị rượu ra cho Tư Nghĩa, nghe nói vậy giận tím mặt liền thu rượu cất đi.

- Thằng Tư nói vậy là sao? Nếu tụi bây nói cất nhà cho tau, thì cho ai ở nhờ là quyền tau chớ! Còn tụi bay nói nhà nầy của chánh phủ, tau trả đó. Tau là mẹ liệt sĩ, bà Năm là mẹ lính ngụy, nhưng tụi tau từ nhỏ tới lúc sắp chết là chị em mà. Tau không ngại thì thôi, mắc mớ gì tụi bây ngại chớ?

Bà Mười trệu trạo khóc, chỉ tay vô mặt Tư Nghĩa.

- Má nói cho thằng Tư hay. Tau với bà Năm như chị em một nhà từ nhỏ. Thằng Đực với thằng Hai là bạn chăn vịt, đóng đáy với nhau. Chẳng qua thằng Đực ham mần ăn, không chạy theo thằng Hai kịp nên bị bắt quân dịch. Giờ tụi tau là hai người mẹ mất con đùm bọc lẫn nhau, chớ hổng có bên này bên kia gì hết. Nếu bây hông chịu cho tụi tau ở chung, thì cất lại cái nhà lá cũ cho tau đi.

Tư Nghĩa đúng là cán bộ mặt trận giỏi. Anh cười bả lả, cúi xuống lôi xị rượu bà Mười giấu dưới bộ ván.

- Má thiệt là…! Cho xin li rượu đi, khát muốn chết rồi nè. Là con tính phòng thôi, chớ má lý luận vậy, ai cũng thua hết trơn.

- Vậy há! Để tau chống xuồng rước bà Năm qua ăn cơm. Có cơm rồi đó, mầy có ăn thì ở lại luôn Tư à!

- Má để đó con!

Tư Nghĩa sàm sạp lội xuống bến.

Nước lớn vừa đứng, con rạch mấp mé mép sân. Một con nhái ngồi kêu khẹp khẹp bên gốc dừa gẫy, thấy bóng người liền nhảy tõm xuống rạch. Mặt nước rợn sóng, bóng căn nhà mới chao đảo, rung rinh.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.