Trong tuần này, một loạt quan chức của các cơ quan liên bang “sừng sỏ” của Mỹ như Bộ Quốc Phòng, Bộ An ninh nội địa, Cơ quan An ninh quốc gia, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ sẽ có mặt tại Las Vegas để tham Defcon – Hội nghị hàng năm của các tin tặc (hacker).
Lý do khiến các cơ quan Mỹ quan tâm đến sự kiện này là sự thiếu hụt các hacker có trình độ để tiến hành các cuộc chiến tranh trên không gian mạng – điều Mỹ coi là mối đe dọa ngày càng tăng với an ninh quốc gia.
Trong số này, Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) là một trong những cơ quan “hăng hái” nhất.
Tổ chức này thực hiện các hoạt động tác chiến mạng vừa mang tính tấn công vừa mang tính phòng thủ - một mặt thực hiện nghe trộm điện tử nhằm vào đối thủ, mặt khác bảo vệ mạng lưới máy tính của Mỹ với các thông tin cực mật vốn đang trở thành mục tiêu của các kẻ thù của Mỹ.
Các chiến binh trên không gian mạng là đối tượng NSA tìm kiếm chứ không phải các nhà khoa học tên lửa. |
Ngoài ra, NSA thực hiện các hoạt động do thám và thực hiện các chiến dịch tấn công qua mạng – việc họ rất hiếm khi nhắc tới.
Ông Richard “Dickie” George, Giám đốc kỹ thuật của Ban bảo đảm thông tin thuộc NSA: “Ngày nay các chiến binh trên không gian mạng là đối tượng chúng tôi tìm kiếm chứ không phải các nhà khoa học tên lửa. Đó là cuộc chạy đua chúng tôi đang tham gia”.
Dự kiến trong năm tài khóa 2011 (sẽ kết thúc vào ngày 30/9 tới), NSA sẽ tuyển khoảng 1.500 nhân viên, trong đó hầu hết là các chuyên gia mạng. Con số tuyển dụng trong năm tới cũng là 1.500.
Với nhân lực lượng trên 30.000 người, NSA sẽ vượt mặt các cơ quan tình báo khác, kể cả Cục tình báo trung ương (CIA).
Người ta cho rằng tại Defcon, các cơ quan liên bang Mỹ sẽ phải “đấu đá” với các tập đoàn, công ty để giành giật những hacker giỏi nhất.
Khi được tuyển chọn vào các cơ quan trên, các hacker sẽ được giao nhiệm vụ củng cố và liên tục cập nhật hệ thống mạng, thử nghiệm mọi thủ thuật thâm nhập vào mạng của chính họ để phát hiện các lỗ hổng an ninh, phát hiện kịp thời dấu hiệu của các cuộc tấn công qua mạng.
Những động thái trên tưởng chừng nghịch lý khi những cơ quan chính phủ có quy định và tổ chức chặt chẽ lại tuyển tin tặc – những người thường “qua mặt” chính quyền.
Song những cơ quan như NSA đang tạo ra môi trường để tư duy của các tin tặc phù hợp với “một lượng lớn người giống như họ”.
Người ta cũng đã quen với việc NSA tập hợp được nhiều nhà toán học, ngôn ngữ…giỏi nhưng không ít trong số họ khá lập dị.
Đã có một điển hình là Dark Tangent – hacker lập ra Defcon – hiện là một thành viên Hội đồng cố vấn của Bộ An ninh nội địa Mỹ, tư vấn cho Chính phủ nước này về an ninh mạng.
Do đó, công việc của các cơ quan Mỹ là sàng lọc cẩn thận để những tay tội phạm máy tính không lọt vào đội ngũ của mình.
Với trường hợp của NSA, người được tuyển dụng phải qua được kiểm tra của máy phát hiện nói dối, không nghiện ma túy trong ít nhất 1 năm trước khi được tuyển và được thẩm tra lý lịch rất kỹ càng (có thể kéo dài tới 6 tháng).
Q.Dương (theo Reuters)