Mátxcơva sẽ rút khỏi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (START) mới nếu không chỉ Mỹ mà cả NATO, hay các nước đồng minh khác của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đe dọa nền an ninh quốc gia của Nga.
Theo dự kiến, Hiệp ước START mới giữa Nga và Mỹ sẽ đi vào hiệu lực trong năm nay. |
Đó là điều kiện sửa đổi chính cho dự thảo phê chuẩn Hiệp ước START mới được Viện Duma quốc gia (Hạ viện) Nga nghiên cứu lần đọc thứ hai hôm 14/1. Theo Viện Duma, sự cần thiết bổ sung sửa đổi là do những yếu tố trong nghị quyếtmà Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 12/2010 khi phê chuẩn Hiệp ước. Một trong những điều kiện chính của các thượng nghị sĩ Mỹ là Hiệp ước không được cản trở sự phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ. Mátxcơva cương quyết không đồng ý với điều này: việc ràng buộc START và NMD là một trong những đòi hỏi chủ chốt của Nga. Viện Duma quốc gia Nga chuẩn bị hai tuyên bố bổ sung cho lần đọc dự thảo thứ 3, dự kiến vào ngày 25/1. Thứ nhất sẽ là nội dung hướng tới chính quyền Mỹ, giải thích ý nghĩa những điều kiện sửa đổi của Nga. Tuyên bố thứ hai mang tính chất nội bộ và liên quan tới sự củng cố tiềm năng quốc phòng Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cuối tuần qua thông báo với tính toán rằng Hiệp ước START mới sẽ đi vào hiệu lực trong năm nay, thời hạn Nga hoàn thành các nghĩa vụ cam kết trong văn kiện này sẽ là năm 2018. Cơ quan Quốc phòng Nga cũng nhắc rằng tương ứng với Hiệp ước mới, qua 7 năm văn kiện này có hiệu lực, tổng số tên lửa đạn đạo xuyên đại châu, tên lửa đạn đạo của tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng sẽ không được quá 700 đơn vị, còn con số đầu đạn hạt nhân trên đó là 1550 đơn vị. “Trong đó, tổng cộng tất cả các bệ phóng đã triển khai (tức là những bệ phóng đã đặt tên lửa) và chưa triển khai (tức là những bệ để trống nhưng trong triển vọng có thế bố trí tên lửa), không được vượt quá 800 đơn vị”, cơ quan Quốc phòng Nga nhận định.
Theo RIA/ Dân trí