Ba nhân viên, ba ghế gội, hai quạt tường, một quạt đứng, một tivi, một máy uốn setting, một máy hấp dầu, bốn ghế cắt, bốn tấm gương đại, một giá sách và vô thiên lủng các loại dầu gội, keo, xả, thuốc nhuộm, kéo, lược, cặp, lọn quấn, bông ngoáy tai… đó là tất cả những gì gợn lên trong bộ nhớ của tôi về hiệu làm đầu có tên gọi Hà tóc. Có lần chồng tôi bảo, cái bộ nhớ của em thật kỳ lạ, tiền trong nhà còn hay hết thì không quan tâm, nhưng giá nối một line ở quán Hà tóc thì lại nhớ vanh vách. Đúng vậy. “Bộ nhớ” của một phụ nữ viết văn như tôi kể ra đôi khi cũng hơi kỳ quặc. Ví như cái quán làm đầu Hà tóc này chẳng hạn, nhiều người ra vô tới cả trăm lần cũng không biết có bao nhiêu nhân viên và bộ mặt thực sự của cô chủ quán ra sao. Còn tôi lại cứ lẩm nhẩm đến thuộc làu giá nối một line đen là 15 ngàn, một line màu là 20 ngàn, nối nửa đầu là 700 ngàn, rồi giá của uốn lọn giả, sấy tóc, uốn setting, uốn lạnh với từng loại tóc ngắn, tóc dài, rồi giá tiền đối với từng kiểu tóc ngang, tóc tém, tóc chiếc lá, tóc sư tử, tóc đuôi cá... Đấy là chưa kể tôi còn phân biệt rất nhanh các loại giá đối với kiểu tóc ngang bằng, ngang tầng hay tém cao bồi, tém Nhật, tém sole…
Cả cô chủ quán tên Hà nữa, tôi biết chính xác là cô ta ba mươi sáu tuổi, tóc cắt ngang sole khá trẻ trung, khuôn mặt ưa nhìn với các nét sắc sảo, cái miệng xinh xắn cùng giọng nói hơi khàn, đôi mắt xăm màu chì lạnh lẽo ẩm ướt lúc thì hắt ra tia tinh quái, lúc lại sa đà một màn u tối. Tôi thường ra hiệu Hà tóc vào buổi giữa trưa hoặc khi đã tối muộn. Đó là lúc khách vãn nhất và cô chủ sẽ trực tiếp làm tóc cho tôi theo yêu cầu. Đó cũng là lúc đám nhân viên rủ nhau đi ăn hoặc đã nghỉ, tôi trở thành vị khách được chiều chuộng, cả đến lỗ tai cũng no nê những câu chuyện tầm phào của cô chủ quán có dáng vẻ bề ngoài đẹp một cách đanh đá, thậm chí có phần ghê gớm.
Hà có một cậu con trai đã 16 tuổi, cao ngẳng, thường lấp ló ở nhà trong, thỉnh thoảng mới đi ra ngoài. Có lần tôi nhìn thấy sát mặt cậu bé đó khi cậu cúi xuống nhặt hộ mẹ cái lược bị rơi. Cậu ta có bờ môi mọng đỏ như con gái và đôi mắt giống mẹ kinh khủng, đen và buồn. Cậu đang học lớp 10 và có vẻ là một cậu học trò ngoan. Một phụ nữ mới 36 tuổi mà đã có con trai lớn bằng ấy chứng tỏ Hà lấy chồng sớm. Chồng của Hà hơi khó đoán tuổi. Anh ta có vẻ chỉn chu của một công chức, hơi nhu mì, lười nhác, uể oải, kín tiếng và cao đạo. Sự quan sát và những phán đoán của tôi về hiệu làm đầu của cô chủ quán tên Hà đến đây thì bắt đầu sai. Nhưng đấy là mãi sau này tôi mới nhận ra cái sai của mình. Còn khoảng thời gian đầu khi tôi làm khách của Hà thì tôi vẫn đang cho những phán đoán của mình là đúng. Tôi đã hỏi Hà, sao không sinh đứa con nữa đi, thằng bé lớn thế kia rồi, còn định để đến bao giờ? Hà bảo, vâng, em cũng đang định đấy chị ạ, trong bụng em bắt đầu có em bé rồi. Và mỗi lần đến cửa hiệu này, tôi lại thấy người Hà như xổ ra. Tôi hỏi Hà: Trai hay gái? Hà cười, mắt ánh lên niềm vui: Gái chị a. Hà có vẻ mê bé gái. Có lần nói về con trai mình, Hà bảo, lại giống như bố nó thôi, chả được tích sự gì. Tôi bảo: “Người ta mong con giai chả được, em có rồi, em nói thế thôi”. Hà vừa chẻ tóc cho tôi vừa nói: “Đàn ông là cái giống tệ bạc, nó đè mình ra, nó xong việc rồi thôi, mình cứ thế khổ đến già”. Tôi nói lại: “Em nói thế cũng hơi quá. Họ cũng có việc của họ chứ. Làm chồng, làm cha cũng có đơn giản đâu em”. Không ngờ Hà bảo: “Ôi dào, đàn ông là cái thứ đáng bị trừng phạt nhất trên thế gian này. Họ thích đủ thứ, nhưng không cho người khác thích thứ gì của mình, họ muốn mọi thứ, nhưng không muốn mất thứ gì, họ luôn cần đàn bà nhưng không coi đàn bà ra cái gì, nói chung ông trời bất công lắm chị ạ. Nếu có kiếp sau em chả làm người nữa. Làm người có gì hay ho đâu, đàn ông thì tham lam, ích kỷ, đốn mạt, đàn bà thì khốn nạn, nhục nhã, ê chề...”
Tôi nghe Hà nói mà phát hoảng. Ông chồng Hà vừa dựng xe ngoài cửa, đi ngang cửa hiệu để vào nhà trong. Nếu anh ta đang ngồi ở gian bếp hoặc nằm trên gác xép thì sẽ nghe thấy hết những gì Hà nói. Tôi vội chuyển câu chuyện sang hướng khác. Biết đâu những gì Hà vừa nói lại là nguyên nhân để vợ chồng họ mặt nặng mày nhẹ với nhau ngay sau khi tôi mang cái đầu được cắt theo hình lá bầu rời khỏi đây, quả thực, sẽ chẳng hay ho chút nào.
Tuy nhiên tôi hơi lo xa. Hà có vẻ rất chiều chồng. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy Hà dừng tay làm tóc cho khách để gọi với ra ngoài đường mua thức này vật nọ cho chồng. Khi thì mấy trái xoài, khi mẻ cái rượu, rồi bát tào phớ, bao thuốc lá hay ly cà phê. Mỗi khi gọi mua một thứ gì đó Hà thường bảo: “Ông ấy thích cái này”. Cái cách chăm chồng rồi nói xấu chồng như hát hay thế này phụ nữ vẫn thường phạm phải, và thường là họ vẫn giữ được chồng, vẫn được chồng yêu. Chẳng qua nói là nói cho sướng miệng, hoặc làm nũng một tí với chồng mà thôi, vì biết chắc là chồng vẫn đang thuộc về mình, vẫn đang mặn nồng với mình, chưa bị ai tranh phần sở hữu. Tôi hỏi: “Anh ấy làm gì?” Hà đáp: “Làm ở Sở nhà đất”. Tôi đùa: “Thế thì nhiều đất đai lắm, tha hồ giàu”. Hà xì một tiếng rõ dài: “Giàu thì nó hưởng, có đến lượt mình đâu, mình vừa hầu nó mà mình vẫn phải làm phải ăn, có được ngồi chơi không ngày nào đâu chị”.
Thằng bé con Hà có vẻ yêu mẹ. Khuôn mặt nó lành và ánh mắt nó hơi thiếu sinh khí nam tính. Hà có vẻ chao chát với nó. Chả bao giờ tôi thấy Hà nói với nó một câu nào nhẹ nhàng. Có lần nó xin Hà đi sinh nhật bạn. Hà bảo: “Đến đưa quà cho bạn rồi về, nhật nhẽo cái gì, đến đấy rồi cái khôn chả học, lại đi học cái hư hỏng”. Thằng bé hơi phụng phịu, Hà mắng nó: “Không đi thì vào trong nhà, đừng mang cái mặt xưng xỉa như mặt khỉ ấy ra đây, tao điên tiết lên lại vả cho mấy cái bây giờ”. Cậu bé cum cúp dắt xe đạp đi. Tôi nói với Hà: “Con trai tuổi ấy bắt đầu có bạn bè, em đừng nặng lời với nó thế”. Hà bảo: “Chả hiểu sao ai cũng khen nó đẹp trai. Em thì cứ thấy nó gian giảo y như cái thằng bố nó, nhiều lúc chỉ muốn chém cho một nhát”. Tôi hơi ngạc nhiên: “Giống bố thì tốt chứ sao. Chị cũng thấy nó đẹp mà! Chỉ có ánh mắt hơi buồn”. Hà nói như tức khí: “Buồn cái gì hả chị, mắt ấy chỉ đi lừa con người ta phưỡn bụng ra là giỏi thôi. Loại đàn ông ấy cứ phải thiến hết chị ạ”. Vẫn biết mồm miệng Hà hơi bất cẩn, nhưng tôi vẫn không sao hiểu được cái tâm tư phức tạp của người phụ nữ trẻ đẹp này. Yêu chồng thế mà vẫn cứ thích nói xấu chồng. Có cậu con trai ngoan hiền thế mà vẫn cứ nghiệt ngã cái miệng. Thế là sao nhỉ? Hay phụ nữ có thai nên tâm tính bất an, sinh ra trái nết?
Bẵng đi một thời gian, tôi mới lại đến quán Hà tóc. Tôi hơi ngạc nhiên vì thấy Hà trở nên gọn gàng, dáng dấp thanh thoát, cứ như chưa bao giờ mang bầu cả. Nhẩm tính qua trong đầu thì Hà chưa đến ngày sinh nở. Mà có sinh nở thì người ngợm cũng chưa thể gọn ngay như thế được. Hay là sảy mất rồi? Hay lần trước là thai giả? Hay có sự cố gì phải bỏ đi? Chưa tiện hỏi nên tôi chỉ nói chuyện với Hà về chuyện chọn màu tóc, về chuyến đi công tác nước ngoài của tôi, về việc chuyển từ tóc lá bầu sang tóc sư tử sao cho đẹp nhất. Đúng lúc đó lại thấy chồng Hà đi làm về. Anh ta dựng xe, đứng ở ngoài cửa một lúc rồi lại lên xe đi. Tôi hỏi Hà: “Sao anh ấy về rồi lại còn đi?”. Hà chỉ vào cánh cửa dẫn vào gian trong đã được khép lại, đáp: “Ai cho vào mà vào”. Tôi đoán là hai vợ chồng lại có chuyện xích mích gì đó, quay sang gợi chuyện khác: “Em cứ bảo thằng bé nhà em giống bố chứ chị chả thấy nó giống gì cả. Các nét của nó đẹp hơn bố nhiều, chỉ có một chút giống em thôi”. Hà hỏi ngược lại: “Chị nhìn thấy bố nó bao giờ?”. Tôi hơi ớ người ra: “Thì đến đây lần nào chị chả gặp, vừa rồi chị nhìn kỹ lại khuôn mặt rồi, không giống!”. Hà bật lên một tràng cười: “Lão vừa rồi không phải bố nó”. Tôi bật ngồi thẳng dậy: “Thế à? Chị cứ tưởng….”
Bố nó có cái mặt giống y như nó đấy chị ạ - Hà kể. Cái môi lúc nào cũng đỏ như son, ánh mắt thì buồn như đưa đám. Cứ tưởng hiền lành, thật thà lắm. Cứ tưởng tội nghiệp lắm. Cứ tưởng mặt ấy không biết gian dối bao giờ. Thế nên mới lừa được em. Em đang học cao đẳng thì chửa thằng bé. Em phải bỏ dở tất cả để làm vợ, làm mẹ. Chửa đẻ xong, đến khi gượng dậy được thì bị vợ nó đến đánh ghen. Hóa ra nó có đến mấy đời vợ rồi chị ạ. Khốn nạn thế. Trông nó thư sinh, mảnh khảnh, cứ như một thằng trai tơ mới ra trường, thế mà nó có con rơi con vãi khắp nơi. Em thù nó, thù sự nhẹ dạ của mình, thù luôn cả cuộc đời này. Em bỏ vào Sài Gòn học làm đầu rồi lần hồi kiếm sống, cũng tạo dựng được cơ nghiệp như ngày hôm nay. Em gặp lão nhà đất này được dăm bảy năm rồi đấy chứ. Lão có vợ có con rồi. Lúc đầu cũng ngọt nhạt đủ điều, nào là không có tình yêu, nào là cô đơn, lạc lõng bên những người thân, nào là hối tiếc một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nào là mong muốn làm lại cuộc đời dù muộn mằn. Em cũng ngu lắm cơ. Thấy đàn ông tội nghiệp là rưng rưng xúc động, nghe nó kêu than một hồi là không cầm lòng được. Em yêu nó mê muội. Cứ nghe nó hứa hươu hứa vượn. Cứ tin là nó đang tìm cách bỏ vợ. Cứ chờ đợi một ngày kia nó đến ở với mình. Đôi lúc cũng nhận ra sự đểu cáng của nó. Nhưng lên giường với nó rồi là lại quên hết, lại bỏ qua, lại chờ đợi, lại hy vọng...
Kể đến đây Hà bỗng dừng lại, dấm dứt khóc. Tôi bảo: “Không đến được với nhau thì thôi, em cũng có con cái để nhờ cậy sau này rồi, cần gì loại đàn ông như thế”. Hà bảo, yêu nó rồi, em chỉ chăm chăm hầu hạ nó, con trai em cũng chả để ý đến. Tội nghiệp thằng con em, cứ nhìn nó là em lại nghĩ đến thằng bố đểu của nó. Em hắt hủi nó mà không biết rằng em đang đuổi một thằng đểu này ra khỏi ký ức để rước một thằng đểu khác vào hiện tại. Có lần em sai thằng bé mua rượu nếp, nó mang vào nhà trong chia ra bát rồi mang ra mời mẹ. Em bận việc, chả có lúc nào ngơi tay nên bảo nó để đấy, tí nữa sẽ ăn. Em dặn nó: “Nhớ phần chú nhé”. Thằng bé bảo: “Mẹ không lo cho mẹ cứ lo cho chú ấy làm gì, chú ấy thiếu gì thứ để ăn”. Thế mà em quay ra mắng chửi con em. Thằng bé tủi thân quá, không ăn uống gì nữa, bỏ đi cả ngày không về. Tối nó mò về, em còn đánh nó nữa. Sao em ngu thế chị nhỉ? Chẳng lẽ cái giống đàn bà chúng mình cứ dính vào hơi giai là như bị dính chài, thành thứ cừu non đần độn, là quáng gà, là mờ hết cả mắt, không còn thấy phải trái gì nữa hay sao ấy. Phải không chị?
Tôi bảo: “Biết người ta có vợ rồi vẫn cặp kè đến dăm bảy năm mà không dứt ra được thì chắc là anh ta cũng có những điểm tốt, cũng có thể anh ta gặp bi kịch hôn nhân thật mà chưa giải quyết được thì sao?”. Hà như dứt khỏi những sụt sịt, nói rất rành rọt, tỉnh táo: “Thì em cũng nghĩ như chị, cứ cố căng người ra mà chờ đợi. Lại còn mong nó cho một đứa con mà yêu thương, thờ phụng, chăm bẵm nữa chứ. Nhưng nó nhất định không muốn cho em đẻ. Khi em có thai nó nài nỉ em đi phá bằng được. Nhưng lần vừa rồi em cương quyết giữ. Rồi em bị động thai, phải vào viện khám. Bác sĩ bảo phải bỏ ngay không sẽ nguy hiểm đến mẹ. Khi đi khám em không ngờ đến điều này. Em mang theo có một ít tiền thôi. Em gọi cho nó đến. Nó bảo đang ở nhà ăn cơm với vợ và khách bên đằng ngoại, không thể ra khỏi nhà. Em lên nằm trên bàn mổ mà thấy rợn hết cả người. Cái gì chung quanh em cũng trắng toát. Dao kéo lanh canh dội vào tai em những âm thanh vô cảm. Lần đầu em nghĩ đến cái chết. Nếu em có chết thì ai thương em nhất, ai cần em nhất lúc đó? Chỉ có con em thôi. Thế là em khóc nấc lên. Các bác sĩ tưởng em sợ cứ thay nhau động viên em cố gắng vượt qua. Em hối hận vì những việc làm trước đây của mình với con em. Thằng bé và một đứa nhân viên của em đang đứng ngoài phòng mổ lo lắng cho em. Còn thằng khốn nạn kia mãi buổi chiều mới mò vào, không dám ở lại, không thèm nhìn mặt em, chỉ đưa ít tiền cho con bé nhân viên của em rồi chuồn thẳng. Trong em vỡ òa ra một cái gì đó như là sự thức tỉnh. Em nhận ra cái ngu của mình. Từ bệnh viện trở về, em gói ghém hết đồ của thằng đểu ấy, cho vào túi du lịch rồi gọi nó đến, trả cho nó, từ nay trở đi dứt khoát không tình tang gì nữa. Em ngu thế là đủ rồi. Chị nhỉ?”
Tôi nghe chuyện của Hà mà lặng người đi. Hóa ra cái con người sắc sảo đang vuốt ve từng lọn tóc trên đầu tôi đây lại cũng có lúc tự xỉ vả mình là ngu, là dại như thế này sao? Hà có ngôi nhà ba tầng. Có cửa hàng làm tóc khá đông khách. Có cậu con đẹp trai, hiền lành. Có ba nhân viên để sai bảo. Có một quá khứ khờ dại để khôn ngoan hơn với đời. Có trình độ cao đẳng để không quá ngây thơ trước lắt léo cõi người. Thế mà vẫn không thoát khỏi lưới tình, vẫn mờ mắt trước hơi giai, vẫn không điều khiển nổi con tim mù lòa, vẫn chạm tay đến cái chết mới nhận ra tình mẫu tử thiêng liêng hơn hết thảy. Âu cũng là cái kiếp đàn bà nó vậy. “Thế mà nó vẫn không chịu bỏ em đâu chị ạ - Hà lại nói - Vẫn đến đây nỉ non xin em cho nối lại đấy. Em đóng cửa không cho vào nhà. Ngoài này thì khách khứa đông nên không nói được gì. Cũng không thể ở lại lâu. Đành phải về đấy”. Tôi bảo: “Ừ, bây giờ chị mới hiểu. Đúng là cuộc đời phức tạp thật”.
Tôi đã định dừng những ghi chép về Hà tóc ở đây, để có dịp nào đó sẽ đưa vào tác phẩm của mình, nhưng tối hôm qua, khi ra hiệu của Hà để uốn tóc, tôi lại gặp một người đàn ông lạ thập thò trong nhà cô. Tôi hỏi: “Ai đấy?”. Hà tủm tỉm cười: “Em ngu cũng được, mờ mắt cũng được, dại dột cũng được, chứ không có đàn ông, em cứ thấy khó sống thế nào ấy. Lần này được cái lão chết vợ rồi nên cũng có vẻ thương hai mẹ con em thật lòng. Lão cũng hiền lành, hoàn cảnh đáng thương lắm chị ạ...”.
Đành ghi chép thêm vài dòng này để Hà tóc hiện hình trong bộ nhớ của một phụ nữ viết văn như tôi thêm phần trọn vẹn.