Lễ báo công dâng Bác nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12) mới tổ chức ở Khu di tích lịch sử văn hóa cách mạng chùa Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ).
Tại Lễ báo công, huyện Chương Mỹ kiến nghị thành phố Hà Nội xem xét chủ trương đầu tư xây dựng khu nhà lưu niệm Bác Hồ tại cụm Di tích chùa Trầm, góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử cách mạng; hình thành một điểm sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống yêu nước, điểm du lịch văn hóa cách mạng đặc sắc của huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Chương Mỹ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng rất đáng tự hào, nơi có nhiều địa danh gắn liền với những chiến tích hào hùng chống quân xâm lược. Nơi đây cũng là vùng đất có truyền thống khoa bảng, là quê hương của nhiều danh nhân được lưu truyền sử sách, như: Ngô Sỹ Liên với “Đại Việt sử ký toàn thư”; Lê Ngô Cát với “Đại Nam quốc sử diễn ca”; Võ tướng anh hùng Đô đốc Đặng Tiến Đông...
Với vị trí quan trọng về quân sự, Chương Mỹ thường được chọn là địa bàn đóng quân và tổ chức những trận đánh mang tính chất quyết định, chiến lược. Đây cũng là địa phương vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh 7 lần về thăm và làm việc, trong đó, có 2 lần Bác về làm việc tại xã Phụng Châu.
Đặc biệt, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chủ trương sơ tán một số cơ quan Đảng, Chính phủ về địa bàn huyện Chương Mỹ trước khi rời lên chiến khu Việt Bắc. Nơi đây, vào đêm 19/12, rạng sáng 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Lời hịch non sông được phát đi từ ngọn núi Trầm linh thiêng đã truyền cảm hứng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; tỏ rõ tinh thần chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng bảo vệ độc lập, tự do; không cam chịu mất nước, không cam chịu làm nô lệ. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô Hà Nội nói chung và nhân dân Chương Mỹ nói riêng đã cùng với nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, chống thực dân Pháp xâm lược và kết thúc vang dội bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; sau đó tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, thống nhất đất nước và cùng nhau thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng Thủ đô và đất nước.
Biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ đã đạt được trong năm 2021, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, những kết quả này đã tiếp tục tô thắm truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, anh hùng của huyện.
Do đó, việc quy hoạch, đầu tư, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa cách mạng chùa Trầm nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch, văn hóa, lịch sử, tâm linh là một yêu cầu cấp thiết, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với quê hương Chương Mỹ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; để chùa Trầm trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
"Đề nghị huyện Chương Mỹ tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thực hiện việc quy hoạch khu di tích để chùa Trầm thực sự trở thành địa điểm du lịch văn hóa tâm linh, di tích cách mạng nhằm giáo dục tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nói.