Hầu như không tự phát hiện được tham nhũng
Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan đơn vị, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan trực thuộc thành phố. Các cơ chế, chính sách, chế độ định mức, tiêu chuẩn, nhất là trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: đầu tư, tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, công tác cán bộ… được rà soát, sửa đổi, bổ sung, công khai, minh bạch…
Tuy nhiên, công tác tự phát hiện tham nhũng, lãng phí tại cơ sở còn yếu và tình trạng tham nhũng vặt vẫn diễn biến phức tạp; hiệu quả một số giải pháp về PCTN, lãng phí chưa cao; công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn kéo dài, việc thu hồi tài sản còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn sơ hở…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, trong thời gian tới Thành ủy Hà Nội đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chỉ đạo thực hiện. Trong đó tập trung vào việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan tổ chức; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực…
Hà Nội cũng sẽ chủ động kiện toàn, sắp xếp bộ máy, giảm chi phí, nhũng nhiễu, giảm các đầu mối phòng, ban của thành phố và các đơn vị trực thuộc sở, ngành; đồng thời tăng cường công tác giám sát của HĐND thành phố, nhất là đối với những vấn đề nóng, các lĩnh vực nhạy cảm.
Chú trọng kê khai kiểm soát tài sản người đứng đầu
Khẳng định PCTN là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài, thường xuyên và liên tục, Bí thư Hải cho rằng, để đạt mục tiêu PCTN trong cán bộ đảng viên, trước hết phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhất là chế độ, tiêu chuẩn định mức. Tham nhũng “vặt” ở hệ thống bộ máy hành chính rất khó kiểm soát, do đó phải thể chế hóa và kiểm soát từng công đoạn.
Thời gian qua thành phố cũng đã đầu tư và đào tạo nhiều hệ thống tin học hóa; Hà Nội đã xây dựng được 100% dịch vụ công thực hiện ở cấp độ 2, tức là ở mức công khai hóa và xây dựng chế độ 1 cửa cấp độ 3 đạt được 16% dịch vụ công. Theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, việc thành phố triển khai hệ thống dịch vụ công mức độ 3 cấp phường nhằm từng bước hạn chế người dân phải đến cơ quan công quyền, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, sẽ góp phần giảm thiểu tiêu cực nhũng nhiễu…
Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và kết quả của công tác PCTN của Đảng bộ TP Hà Nội trong những năm qua, đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng Hà Nội đã tập trung thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế, xã hội; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, nhất là những vụ án được dư luận quan tâm. Theo ông Huynh, Hà Nội ít xảy ra vụ án tham nhũng lớn nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc tham nhũng xảy ra. Vì vậy, Đoàn kiểm tra đặc biệt quan tâm đến việc Hà Nội phòng chống như thế nào để cán bộ không dám tham nhũng và không còn tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả bước đầu, ông Huynh cũng lưu ý Hà Nội cần có các giải pháp kiên quyết khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, gây bức xúc trong nhân dân. Hà Nội phải làm với tinh thần quyết tâm cao, kiên quyết kiên trì.
“Chống tham nhũng phải được thực hiện bằng những hành động cụ thể, sau khi tiến hành xong phải công khai cho nhân dân biết để thu hút sự giúp đỡ, tham gia và giám sát của nhân dân. Các cấp ủy tổ chức đảng cần nâng cao tính chiến đấu chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử ký nghiêm các hành vi tham nhũng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp các ngành, của cán bộ đảng viên và nhân dân về công tác PCTN”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác PCTN, ông Huynh yêu cầu Đảng bộ Hà Nội xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền trong toàn Đảng bộ và trong nhân dân về việc tham gia phát hiện tố cáo tham nhũng gắn với việc biểu dương, vinh danh và khen thưởng kịp thời những người dũng cảm tố giác tham nhũng; tạo sự thống nhất, tự giác, xây dựng nếp sống văn hoá chống kẻ tham nhũng, hành vi tham nhũng, khi nào tạo được áp lực để những kẻ tham nhũng không chịu được áp lực thì mới ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí. Song song với đó là chú trọng công tác kê khai và kiểm soát tài sản của cán bộ công chức, nhất là những người đứng đầu, những người ở vị trí, lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao.