Nhiều dự án nước sạch chậm tiến độ
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, năm 2016, ở khu vực nông thôn trên địa bàn TP mới có 37,2% người dân được dùng nước sạch.
Do vậy, nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khóa XVI đặt ra chỉ tiêu đến đầu năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó nước sạch là 50%, tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch là 95-100%. Năm 2016, HĐND TP đã ban hành nghị quyết, khẳng định phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch cả ở khu vực đô thị và nông thôn được nâng lên 100%.
Theo Chủ tịch HĐND TP, đến nay, chỉ tiêu theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP về nước sạch đã hoàn thành trước 2 năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa bàn tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp như ở Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên… đòi hỏi các cấp chính quyền cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Từ cuối năm 2016 đến nay, TP đã chấp thuận 23 nhà đầu tư và triển khai 39 dự án cấp nước, nâng tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của TP tăng 169% so với năm 2016. Các dự án phát triển nguồn và mạng lưới nước sạch này đã góp phần nâng tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được cấp nước sạch đạt 65%. Nếu hoàn thành cơ bản các dự án này thì chỉ tiêu đặt ra 100% dân số được sử dụng nước sạch sẽ sớm được thực hiện.
Tuy nhiên, qua báo cáo của các sở, địa phương và kết quả giám sát, khảo sát của các ban HĐND, Thường trực HĐND nhận thấy còn nhiều dự án phát triển mạng, nguồn cấp nước chậm tiến độ hoặc khả năng sẽ chậm tiến độ theo kế hoạch đã phê duyệt, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu; vẫn còn khoảng 160/420 xã, thị trấn (=38,1%) chưa có mạng cấp nước.
Bên cạnh đó, tuy khu vực đô thị cơ bản 100% được sử dụng nước sạch nhưng có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do dự cố, nhất là vào thời điểm sử dụng nước cao điểm trong dịp hè như ở một số khu vực của quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hà Đông… hoặc chất lượng nước còn chưa được đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của một bộ phận nhân dân.
Tại phiên giải trình, các ý kiến đại biểu (ĐB) tập trung vào những dự án cấp nước chậm triển khai và đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp khắc phục. ĐB Đoàn Việt Cường (tổ ĐB Mê Linh) đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở và các đơn vị liên quan trong việc 6/11 dự án cấp nước nguồn tập trung chậm, thậm chí có dự án chưa triển khai.
ĐB Trần Việt Anh (tổ ĐB Ba Đình) đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) gần 6 năm kể từ khi hoàn thành nhà máy vẫn dang dở, chưa đi vào hoạt động, một số hạng mục xuống cấp…
Còn tình trạng thiếu nước, nước chưa đảm bảo
Giải trình các vấn đề được ĐB nêu ra, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, việc chậm triển khai các dự án là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, khả năng của nhà đầu tư. Theo ông Dục, TP đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho hay, qua đánh giá của Bộ Xây dựng, tính khả thi của các Quy hoạch cấp nước của Hà Nội rất cao nhưng khó nhất vẫn là ở Chương Mỹ, 3 xã ở huyện Sóc Sơn, Thạch Thất do dân cư thưa thớt, địa hình khó…
Đối với dự án trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, các chủ đầu tư được giao từ năm 2016 nhưng triển khai rất chậm. Cho biết, để thu hồi các dự án chậm phải theo quy trình, ông Dục thông tin, hiện Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp thực hiện quy trình thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu làm rõ các ý kiến tại phiên họp giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết còn tồn tại tình trạng nước ở vùng nông thôn chưa đảm bảo, thiếu nước mùa khô; cấp nước sạch ở nông thôn trước đây không hiệu quả, có dự án có dấu hiệu sai phạm.
Về việc có nước sạch nhưng ở một số nơi người dân chưa dùng, ông Chung cho rằng nguyên nhân là do người dân có thói quen chỉ dùng nước sạch để ăn uống còn lại dùng nước ngầm trong sinh hoạt để đỡ tốn kém.
Nêu rõ việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe của người dân, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, bổ sung quy hoạch cấp nước để đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín.
Với 300.000 giếng khoan ở khu vực nông thôn, TP sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm... Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, ngay sau phiên giải trình, TP sẽ rà soát các doanh nghiệp nước sạch phải đủ năng lực, nếu không phải nhất định thay thế...