Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, từ 15/12/2022 đến tháng 3/2023, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt ra quân, tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm.
Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-SYT về triển khai công tác An toàn thực phẩm năm 2023. Trong đó, Hà Nội tập trung tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp lễ, Tết Nguyên đán 2023; Đồng thời, tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng An toàn thực phẩm và thanh kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các loại thực phẩm như: thịt, cá, trứng, nem, chả, bánh chưng, bánh tét, bánh ngọt, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lo ngại nhất đối với người dân cũng như các ngành chức năng đó là các loại thực phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ vẫn liên tục được tung ra thị trường, tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hà Nội thực hiện cao điểm kiểm tra công tác An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố trong thời gian tới |
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm số 2 thành phố Hà Nội đã có buổi kiểm tra công tác an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Đoàn Kiểm tra đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất Chân giò muối hun khói Khánh Toàn tại xã Liên Ninh; cơ sở sản xuất Bánh chưng Diệu Linh tại thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà. Tại các cơ sở, đoàn đã tiến hành kiểm tra các thủ tục hành chính như: Giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở cũng như của nhân viên phục vụ; tem, nhãn mác… Kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh, chế biến thực phẩm, kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.
Qua kiểm tra, về cơ bản các cơ sở đã chấp hành tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số lỗi vi phạm về điều kiện vệ sinh trong khâu chế biến, bảo quản thực phẩm, cơ sở vật chất, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu khắc phục nhanh chóng.
Đồng thời, Đoàn đã tuyên truyền đến các chủ cơ sở, người kinh doanh nâng cao ý thức, trách nhiệm, tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ việc ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tại Quận Hà Đông, UBND quận cũng phối hợp với ngành y tế địa phương triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quận Hà Đông đã kiểm tra 73 vụ, xử lý vi phạm hành chính 72 vụ; kiểm tra công tác đảm bảo ATTP đối với 1.934 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 209 cơ sở.
Trong thời điểm cận Tết và lễ hội Xuân 2023, quận Hà Đông cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng kinh doanh, các kho hàng, bến bãi trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán như rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, sản phẩm gia dụng, thực phẩm...
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần tuân thủ các điều kiện an toàn thực phẩm; mua bán, sản xuất sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; chế biến, bảo quản và lựa chọn các loại thực phẩm an toàn...