Đó là chỉ đạo của Cục trưởng Lê Quang Tiến tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thi hành án dân sự (THADS) năm 2017 vừa diễn ra ngày 26-27/12/2017. Hội nghị có sự tham gia của các báo cáo viên là lãnh đạo các Vụ chức năng của Tổng cục THADS.
Năm 2017, công tác THADS của thành phố đã được triển khai và thực hiện đồng bộ trên tất cả các nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo Cục, lãnh đạo các Phòng chuyên môn thuộc Cục và các Chi cục THADS quận, huyện, thị xã trực thuộc đã bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, triển khai kế hoạch công tác, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp với các cấp, ban, ngành, đoàn thể trong công tác THADS trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao chỉ tiêu nhiệm vụ mà Quốc hội giao.
Theo thống kê kết quả THADS năm 2017, toàn thành phố đã đạt được kết quả tích cực, cao hơn so với năm 2016, cụ thể: 80% về việc và 30,9% về tiền, giảm 8,5% số việc chuyển kỳ sau (vượt chỉ tiêu được giao là trên 70% về việc và trên 30% về tiền). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số đơn vị đạt tỷ lệ thấp. Một số Chi cục, chấp hành viên chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành...
Năm 2018 Hà Nội dự báo nhiều khó khăn, thách thức trong công tác THADS. Đây cũng là năm dự kiến số việc và tiền thụ lý tiếp tục tăng cao với một số vụ án lớn, phức tạp với nhiều bị hại... Chỉ tính riêng tại Cục 3 tháng đầu năm 2017 thụ lý 200 việc nhưng 3 tháng đầu năm 2018 số thụ lý trên 500 việc. Do đó, Cục trưởng yêu cầu sau hội nghị tập huấn, đại biểu lĩnh hội đầy đủ các nội dung được truyền đạt để đảm bảo pháp luật được áp dụng thống nhất, việc tổ chức thi hành án được kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo thật sát sao, có các biện pháp cụ thể giải quyết phù hợp để thi hành án đạt kết quả, trong đó cần gắn trách nhiệm cá nhân của từng chấp hành viên, của Lãnh đạo các Chi cục và của Lãnh đạo Cục về công tác chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thi hành án.
Về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ: Tổng cục THADS đã ban hành Quyết định số 1194/QĐ-TCTHADS ngày 18/12/2017 về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan THADS địa phương năm 2018, trong đó có quyết định giao chỉ tiêu công tác cho Cục THADS thành phố Hà Nội cao hơn năm 2017 (trên 72% về việc và trên 32% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành, giảm ít nhất 3% việc, tiền tồn đọng chuyển kỳ sau). Trên tinh thần đó, Cục trưởng yêu cầu các cơ quan THADS toàn thành phố tập trung triển khai thực hiện kế hoạch nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra ngay từ đầu năm công tác.
Đồng thời, tiếp tục phấn đấu tổ chức thực hiện việc thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu được giao, đặc biệt phấn đấu giảm thiểu số việc tồn chuyển sang năm sau. Tổ chức các đợt cao điểm về giải quyết hồ sơ thi hành án, tập trung tổ chức thi hành dứt điểm đối với những vụ việc có giá trị phải thi hành lớn hoặc có khiếu nại gay gắt, kéo dài, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác THADS trên địa bàn thành phố.
Phối hợp thực hiện nghiêm túc Luật Giá năm 2012, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 05/12/2017 của Thành ủy Hà Nội về “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS, hành chính” (thay thế Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 04/05/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác THADS” và Kế hoạch số 244/KH-UBND ngày 18/12/2017 của UBND thành phố về thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 05/12/2017 của Thành ủy Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác THADS, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác.
Phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo đơn vị; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, hạn chế đến mức thấp nhất cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật; tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức THADS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác THADS trên địa bàn Thủ đô.
Các Phòng chuyên môn thuộc Cục và các Chi cục THADS quận, huyện, thị xã trực thuộc phải xây dựng kế hoạch tự kiểm tra và tổ chức tự kiểm tra 1 năm ít nhất hai lần, tăng cường kiểm tra đột xuất công tác thụ lý, xác minh và phân loại án đối với các Chi cục và chấp hành viên. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt các Quy chế phối hợp liên ngành...