Chùa Trấn Quốc cổ kính, uy nghiêm. |
Khác với mùa hè oi bức và mùa đông rét đậm rét hại, Hà Nội mùa thu dịu dàng như nàng con gái thanh xuân. Rất nhiều du khách chỉ chọn đến Hà Nội mỗi độ thu về. Đã bao nhiêu lần ra Hà Nội vào mùa thu nhưng không lần nào thấy chán. Thế nên, tôi đã gọi thu là “mùa Hà Nội”...
Hà Nội mùa này phải kể đến hồ Gươm. Buổi sáng, hồ thật tinh khiết. Những làn sương mỏng manh như tấm mạn che mặt hồ e ấp. Những hàng cây cổ thụ rũ bóng ven hồ. Đến đây, hầu như du khách nào cũng thức thật sớm chỉ để dạo bộ ven bờ hồ. Cả những người lâu năm ở thành phố này cũng có thói quen dạo hồ vào buổi sáng, chỉ để nhìn sương giăng, nhìn mặt hồ phẳng lặng, nhìn tháp rùa soi bóng... Ngày là thế, đêm hồ Gươm càng thêm lung linh huyền ảo. Những ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nơi đây trở thành sàn diễn của những chiếc áo dài thướt tha, trải lòng cùng du khách. Là trái tim của Hà Nội nhưng hồ Gươm vẫn có nhiều thời gian “thảnh thơi” cho du khách chiêm ngưỡng. Ban tổ chức không bố trí nhiều chương trình lễ hội tại đây. Hồ Gươm được trang hoàng lộng lẫy hơn ngày thường đón mừng đại lễ nhưng không vì thế mà mất đi vẻ tự nhiên, quyến rũ vốn có. Khách phương xa hay người địa phương vẫn tìm được chút duyên quen thuộc.
Dù đi vào thời điểm nào, khách cũng đừng quên thực hiện chuyến đi suốt ngàn năm Thăng Long - Hà Nội qua các di tích, đền đài còn sót lại. Cách đây đúng 1.000 năm, vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Đến đây, nhà vua thấy linh long bay lên nên quyết định xây thành tại đây, lấy tên là Thăng Long. Suốt chiều dài lịch sử, hoàng thành Thăng Long bị chôn vùi chồng chất lên nhiều lớp qua các triều đại và nay đã được khai quật, tạo sự quan tâm của nhiều người. Du lịch Hà Nội, khách đừng quên ghé thăm Hoàng Thành và trưng bày các cổ vật. Đồng thời, tìm hiểu “tứ trấn” như bốn vị thần bảo vệ Hoàng Thành nằm ở bốn hướng, gồm: Thần Long Đỗ thờ tại đền Bạch Mã ở hướng Đông, thần Linh Lang thờ tại đền Voi Phục ở hướng Tây, thần Cao Sơn thờ tại đình Kim Liên ở hướng Nam và thần Huyền Thiên Trấn Vũ thờ tại đền Quán Thánh ở hướng Bắc. Bốn ngôi đền thiêng này hiện vẫn là nơi chiêm bái của người dân Hà Thành và khách thập phương. Trong hành trình mùa thu Hà Nội này, tất nhiên khách phải dừng chân ghi lại vài tấm ảnh trước lăng Bác và kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình để được vào lăng viếng Bác để có những thời khắc thiêng liêng trước thi hài người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Nói về tâm linh của vùng đất ngàn năm văn hiến, khách không thể bỏ qua điểm đến là chùa Trấn Quốc. Ngôi chùa này có từ thời vua Lý Nam Đế (năm 544-548) với tên gọi là Khai Quốc. Sau đó, chùa được đổi tên thành An Quốc. Khi dời từ đê sông Hồng vào vị trí hiện nay và sau nhiều lần trùng tu, chùa được đổi tên thành Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1680-1705). Đây là ngôi chùa gắn với hầu hết các triều đại suốt chiều dài lịch sử, đến nay ngôi chùa vẫn mang dáng vấp cổ kính và uy nghi mặc dù đã qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu và xây dựng mới. Chùa nằm trên bán đảo phía đông hồ Tây nên không gian khá tĩnh lặng mà nên thơ và đậm chất Thiền. Không chỉ gởi gắm chút tâm linh cùng tiền nhân và thần thánh, chùa Trấn Quốc còn là nơi vãn cảnh lý tưởng. Cách không xa phố phường nhộn nhịp, không gian nơi đây gợi cho khách cảm giác thư thái, ung dung. Mùa thu, ngôi chùa bên hồ Tây càng thêm vẻ tĩnh mịch, nên thơ. Những ngọn tháp, hàng cây soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng và tiếng chuông chùa ngân vang da diết gợi cho khách sự an lành, tĩnh tại...
Đến Hà Nội mùa thu, khách đừng quên dạo bước trên những con đường ngập tràn hoa sữa nồng nàn. Từ phố Huế qua hồ Tuyền Quang đến đường Lê Duẩn hay đường Quán Thánh, đường Thụy Khuê về chợ Bưởi... hoa sữa thơm nồng và trở thành hoa của Hà Nội tự bao giờ. Hà Nội mùa thu khách đến rồi để yêu, để luyến tiếc khi chia tay và để nhớ khi rời xa. Dù chỉ một lần đến nhưng Hà Nội sẽ trở thành nỗi nhớ da diết khi mỗi độ thu về. Rất nhiều người như thế, trong đó có tôi...
Nguồn: Việt báo