Gần đây nhất, ngày 26/7, một sinh viên ở trọ trên đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội đã cung cấp một con bọ xít hút máu cho cơ quan nghiên cứu.
Cậu sinh viên Trường CĐ tài nguyên và môi trường trước đó đang ngồi học bài thì thấy một con bọ xít đậu vào tay. Do đã biết về loại bọ xít này nên cậu sinh viên đã nhanh chóng bắt và cho vào một chiếc chai.
Tiếp nhận con bọ xít này sáng 26/7, ông Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm (Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật) cho biết, đây là loại bọ xít hút máu.
Cậu sinh viên Trường CĐ tài nguyên và môi trường trước đó đang ngồi học bài thì thấy một con bọ xít đậu vào tay. Do đã biết về loại bọ xít này nên cậu sinh viên đã nhanh chóng bắt và cho vào một chiếc chai.
Tiếp nhận con bọ xít này sáng 26/7, ông Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm (Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật) cho biết, đây là loại bọ xít hút máu.
Bọ xít hút máu sống và chết đang được nuôi và lấy mẫu để phục vụ công tác nghiên cứu. (Ảnh: BA) |
Ông Lam cũng cho hay, trong thời gian khoảng 10 ngày trở lại đây, ông đã thu nhận được khá nhiều bọ xít hút máu cả sống và chết ở trên các địa bàn Cầu Diễn, Cầu Đất, Cổ Nhuế, Hoàng Cầu, Kim Mã, Ba Đình, Trần Duy Hưng,... Riêng từ ngày 21-25/7, ông Lam đã thu được 5 cặp bọ xít hút máu còn sống. Phần lớn những con bọ xít thu được là những con cái, với khả năng tìm kiếm máu "ác liệt" hơn và hút cũng nhiều hơn để phục vụ cho việc sinh sản. Ngoài ra, ông Lam còn cho biết, khoảng thời gian đầu tháng 7, ông Lam và các đồng nghiệp đã thu được một mẫu "khủng" nhất từ trước đến nay. Đó là, chỉ trong 10 ngày, ông Lam đã thu được mẫu vật ở một gia đình thuộc quận Hoàng Mai với 20 con bọ xít hút máu (đã bị đập chết). Các con bọ xít này đều được tìm thấy ở dưới giường chiếu và đã đốt gia chủ chí mạng ở bả vai. Trong phòng thí nghiệm, ông Lam hiện đang nuôi 6 cặp (con đực và cái) và các ấu trùng (thu từ trứng ở ngoài tự nhiên). Đây là những loại bọ xít hút máu nên việc nuôi chúng phải dùng máu người hoặc động vật. Do đó, mỗi tối trước khi rời nhiệm sở ông Lam phải cho bọ xít "ăn" bằng cách thả thỏ, chuột bạch hoặc gà con vào. Ông Lam khuyến cáo, người dân phát hiện thấy loại bọ xít này thì thật bình tĩnh, thu mẫu sống bằng cách cho vào chai, lọ, hoặc mẫu chết thì ngâm cồn và chuyển đến cơ quan chức năng. Đồng thời, kiểm tra giường chiếu bằng phương pháp thủ công. Theo ông Lam, người dân không nên sử dụng thuốc xịt vì các loại thuốc hiện nay chỉ là thuốc diệt côn trùng thông thường. Nếu xịt, trong một không gian hẹp, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trường hợp bị bọ xít đốt thì cần rửa sạch vết đốt bằng xà bông nhằm sát khuẩn. Sau đó, bôi kem chống dị ứng côn trùng hoặc bôi các chất có tính sút nhằm trung hòa lượng axit như vôi, kem đánh răng... Trường hợp bị đau nặng thì phải đi khám bác sĩ. Ông Lam cho hay, trên thế giới đã có quá khứ khá tồi tệ với loài côn trùng này. Khi bọ xít hút máu người đốt sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu... Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể về loài bọ xít này. Mới đây, một đề tài nghiên cứu về loại bọ xít này được GS.TSKH. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam giao cho Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật làm trong 3 năm (2010-2012). Mục đích là làm rõ phân loại học của bọ xít hút máu để tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân; có cơ sở phòng chống chúng cũng như khả năng truyền bệnh của chúng ở nước ta. Các thông tin liên quan đến loài bọ xít hút máu sẽ được chúng tôi cập nhật theo từng bước kết quả của quá trình nghiên cứu.
Theo Bảo Anh
VietNamNet
VietNamNet