Trước đó, vào năm 2018, chợ Thị trấn Sóc Sơn bị “bà hỏa” ghé thăm khiến toàn bộ khu chợ chính có tổng diện tích hơn 2.300m2 với 262 sạp hàng bị thiêu rụi. Ngay sau đó, dù UBND huyện đã có đề án cải tạo chợ nhưng cũng phải mất tới hai năm đề án mới rục rịch được triển khai.
Tuy nhiên, nhiều ngày qua, hàng trăm tiểu thương buôn bán tại chợ Sóc Sơn phấp phỏng, đứng ngồi không yên khi biết đề án cải tạo, sửa chữa chợ Sóc Sơn được triển khai. Nhiều tiểu thương lo lắng là bởi trong bối cảnh sau khi vụ hỏa hoạn năm 2018 xảy ra gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, việc kinh doanh của các tiểu thương dần dần mới được ổn định và đi vào hoạt động bình thường; nên việc UBND huyện Sóc Sơn có quyết định phê duyệt dự án cải tạo chợ Sóc Sơn sau 2 năm “đóng băng”, khiến công việc kinh doanh của hàng trăm tiểu thương có nguy cơ bị xáo trộn thêm một lần nữa.
Theo đề án mới được phê duyệt, có gần 300 tiểu thương đang kinh doanh các mặt hàng rau, củ quả và hoa ở khu vực chợ tạm Sóc Sơn buộc phải di dời sang sân nhà văn hóa cũ, nhường mặt bằng để xây dựng 3 tuyến đường nội bộ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy cho chợ chính.
Trao đổi với PV, nhiều tiểu thương cho rằng, họ không đồng ý các phương án bố trí gian hàng không phù hợp mà huyện đưa ra, ảnh hưởng quyền lợi nhiều hộ kinh doanh. “Toàn bộ tiểu thương bán rau quả tại đây bị yêu cầu di dời sang khu vực sân nhà văn hóa để làm ba con đường rộng khoảng 6,5m cho chữa cháy đi vào. Trong khi theo phê duyệt thì sân nhà văn hóa được bố trí là làm bãi giữ xe”, ông Nguyễn Văn Minh, một tiểu thương bức xúc.
Theo ông Minh, Ban quản lý (BQL) chợ cho biết sẽ bố trí tiểu thương bán rau, củ, quả vào sân hàng nan nhưng hiện ở đây không còn mặt bằng trống nữa. “Đưa gần 300 tiểu thương vào đó thì chúng tôi ngồi đâu để bán, giờ mà đi sẽ không quay về được nữa”, ông Minh lo lắng.
Điều khiến các tiểu thương chợ Sóc Sơn bức xúc không kém là phía huyện và BQL chợ không hề thông báo cho người dân biết kế hoạch cụ thể để bàn bạc, có ý kiến; mà chỉ “mời qua loa” để người dân đến nhìn sơ đồ rồi ấn định luôn ngày nhận chỗ. “Họ chỉ mời chúng tôi đến xem sơ đồ và nhìn ngày để chuyển sang chợ tạm. Họ ấn 111 hộ vào sân hàng nan, với phí phải đóng 1 - 1,5 triệu đồng/tháng thì làm sao chúng tôi sống được”, bà Sáu, một tiểu thương bán hoa quả bức xúc.
Theo người dân, khu chợ chính Sóc Sơn vốn do người dân hiến đất và đầu tư tiền của để xây dựng, được đưa vào sử dụng từ năm 1992. Nhiều gia đình có 2 - 3 thế hệ buôn bán ổn định tại đây, giúp cải thiện đời sống và mang lại nguồn thu nhập hàng ngày cho họ. Nay việc cải tạo, nâng cấp chợ lên chợ loại II nhưng không thông qua ý kiến người dân đã ảnh hưởng rất lớn đến kế sinh nhai của hàng trăm tiểu thương. Họ có nguyện vọng chính quyền các cấp tạo điều kiện nâng cấp để chợ chính khang trang hơn nhưng vẫn phải giữ nguyên vị trí bán hàng như cũ.
Ngoài ra, người dân cũng có ý kiến về việc một số lãnh đạo BQL chợ tự ý cải tạo, xây dựng một số kiot trên nền BQL chợ cũ thuộc khu hàng nan, sau đó bán lại cho một số tiểu thương kinh doanh quần áo một cách không minh bạch. Trong khi khu vực này vốn là nơi kinh doanh của các tiểu thương hàng hoa quả, sau đó BQL chợ lấy lý do cải tạo, sửa chữa để bắt người dân di dời.
Để tìm hiểu các thông tin phản ánh của người dân, PV đã liên hệ làm việc với UBND thị trấn Sóc Sơn. Một lãnh đạo tại đây cho biết, chợ Sóc Sơn thuộc quyền quản lý của UBND huyện Sóc Sơn, cụ thể là Phòng Kinh tế huyện. Vị cán bộ này cho rằng, việc di chuyển hơn 300 tiểu thương sang khu vực chợ tạm đã được thông báo công khai, rộng rãi đến người dân. Kế hoạch đưa ra là chuyển tạm sang sân nhà văn hóa cũ, sau đó bố trí tiểu thương vào các khu vực còn trống phía trong chợ chính, nhưng cụ thể ra sao do BQL bố trí.