Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trước khi có dự thảo Nghị định, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã báo cáo với Ban soạn thảo về một số nội dung, như nguyên tắc hoạt động, làm việc của UBND cấp phường; bộ máy giám sát của quận, huyện trong điều kiện không có HĐND cấp phường; bổ sung biên chế, công chức cho phường; tài chính ngân sách; tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; trách nhiệm thi hành...
Những vấn đề trên đã được ban soạn thảo tổng hợp, chỉnh sửa. Hội nghị lần này tiếp tục là cơ hội để lãnh đạo các phường, quận từ thực tiễn địa phương, rà soát, góp ý xem còn có những vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh, để hạn chế thấp nhất văn bản hướng dẫn Nghị định sau này.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những vấn đề khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Đáng chú ý là vấn đề biên chế công chức, chính quyền địa phương, vấn đề dân chủ ở cơ sở, phân cấp ủy quyền, sự khác biệt giữa xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Hà Nội có những đặc trưng riêng, khác với các thành phố khác. Bên cạnh những vùng đô thị hóa cao như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa… Hà Nội vẫn còn có những vùng nông thôn. Do đó, cần có quyết sách linh hoạt, phản ứng chính sách nhanh để giải quyết các vấn đề thực tiễn dân sinh bức xúc, đồng thời, việc đẩy mạnh phân cấp cho các quận, huyện là rất cần thiết.
Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội Trần Anh Tuấn đề nghị Sở Nội vụ Hà Nội tổng hợp, trao đổi với các sở, ngành liên quan thống nhất nội dung để Bộ Nội vụ tổng hợp các vấn đề bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.