Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đề án học phí mới sẽ trình HĐND thông qua trong kỳ họp tháng 6/2010. Mức học phí mới được tính toán để đảm bảo cùng với định mức ngân sách các đơn vị đủ kinh phí để đảm bảo cho tất cả các hoạt động dạy và học của nhà trường. Với mức thu học phí mới, các đơn vị sẽ không được tự ý đề ra các khoản thu nào dưới hình thức thỏa thuận hoặc để cha mẹ học sinh thu phục vụ cho hoạt động chính khóa của nhà trường.
Theo đề án đang được Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng, học phí sẽ chia làm ba mức khác nhau giữa các khu vực: nội thành, ngoại thành ven đô và khu vực miền núi. Mức thu học phí trên cơ sở không quá 5% thu nhập của người dân. Cụ thể, các địa phương sẽ tính 5% trung bình mức thu nhập của hộ gia đình trên địa bàn, trừ đi các khoản phải chi phí như quần áo, giày dép, sách vở... khoản còn lại là học phí. Một ý kiến đề xuất được chú ý là sẽ gộp các khoản thu vào học phí. Theo đó, học phí sẽ bao gồm luôn cả tiền điện, nước, vệ sinh, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất... Điều này nhằm tránh tình trạng có quá nhiều khoản thu ở các trường hiện nay khiến dư luận xã hội bức xúc. Được biết, trong quý 1/2010, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập đoàn đi khảo sát một số đơn vị và gửi công văn tới các phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc yêu cầu báo cáo số liệu thu chi ngân sách và các nguồn thu. Theo mức thu hiện tại, các trường ở khu vực miền núi, vùng xa hiện đang thu 10.000 đồng/học sinh/tháng. Và như vậy, dự tính theo mức học phí khi thu gộp các khoản từ học phí đến tiền các dịch vụ điện, nước, vệ sinh, bảo vệ và tiền hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất thì mức thu sẽ là 50.000 đồng/học sinh/tháng. Việc gộp các khoản thu chung vào học phí là một việc rất mới ở các trường công lập nhưng đây là cách làm phổ biến với hệ thống dân lập. Các khoản học phí cùng các khoản đóng góp khác đều được công bố công khai để học sinh và phụ huynh cân nhắc trước khi vào trường.
Theo