Có thể kể một ví dụ, ngày 12/10, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin phụ huynh bức xúc vì bữa ăn bán trú với ít món “lèo tèo” có giá 32 ngàn đồng của Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tiếp đó, ngày 16/10, mạng xã hội đề cập thông tin một số học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) bị đau bụng sau khi ăn bán trú tại trường vào trưa 13/10.
Ngay khi ghi nhận sự việc, cơ quan chức năng đã khẩn trương xác minh chấn chỉnh. Theo đó, bữa ăn tại Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa được xác định do lỗi nhân viên chia không đều tay, khiến suất nhiều, suất ít, còn nhà trường chưa chặt chẽ trong khâu giám sát. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, bà Nguyễn Thị Hòa đã trực tiếp kiểm tra và yêu cầu trường khắc phục ngay, không để lặp lại sự việc tương tự.
Với sự việc tại Trường Tiểu học Thành Công B, một số học sinh được bệnh viện kết luận nhiễm khuẩn đường ruột. Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, 100% trường học đã tổ chức vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên và trang thiết bị, nhà bếp...
Trên đây chỉ là những sự việc đơn lẻ, song vấn đề bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh một lần nữa gây chú ý. Toàn TP Hà Nội hiện có gần 1 triệu học sinh ăn bán trú mỗi ngày, trong đó khoảng một nửa là trẻ mầm non, còn lại phần lớn là học sinh phổ thông. Tuy nhiên, ở cấp phổ thông, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú không phải là nhiệm vụ như ở cấp mầm non, mà nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh khi các em học 2 buổi/ngày, gia đình không thể đưa đón con về nhà ăn trưa.
Theo khảo sát của PV, nếu như các trường mầm non tự tổ chức nấu thì các trường phổ thông thường ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm để chế biến tại trường hoặc vận chuyển suất ăn từ bên ngoài vào.
Khoảng 6h ngày 17/10, ngay khi thực phẩm được chuyển đến khu vực bếp ăn nhà trường, tổ giám sát gồm đại diện ban giám hiệu, công đoàn, giáo viên, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) đã có mặt, kiểm tra nhãn mác và cân, đếm từng loại, đồng thời đối chiếu thực đơn hằng ngày của trường.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy, bà Nguyễn Phương Hoa cho biết, việc chủ động kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu đầu vào là cần thiết nhằm kịp thời ngăn ngừa các nguy cơ như mất an toàn hoặc thiếu hụt lượng thực phẩm. “Cùng với việc chọn đơn vị cung ứng thực phẩm đủ tư cách pháp lý, ký kết hợp đồng với điều khoản chặt chẽ, nêu rõ trách nhiệm của từng bên, thì một trong những giải pháp được duy trì hằng ngày là tổ chức giám sát nguyên liệu đầu vào nhằm ngăn chặn thực phẩm 3 không (không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng). Phụ huynh có thể kiểm tra đột xuất bất kỳ khâu nào. Thực tế, sự đồng hành của phụ huynh trong kiểm tra, giám sát rất quan trọng, vừa bảo đảm sự minh bạch, vừa kịp thời phát hiện thiếu sót để chấn chỉnh”, bà Hoa chia sẻ.
Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông, bà Lê Thị Thanh Bình thông tin, qua thực tế kiểm tra, có một số nơi chưa để ý đến khâu chia suất ăn. Nhà trường không được phó mặc cho đơn vị cung ứng mà cần coi trọng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn ở khâu này để bảo đảm suất ăn đủ định lượng và an toàn. Với việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đại diện trường và phụ huynh cần trực tiếp đi kiểm tra tận nơi cung cấp thực phẩm (trang trại chăn nuôi, trồng rau...); đồng thời, tăng cường giám sát hằng ngày, đột xuất ở từng khâu cũng như toàn bộ quy trình, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.