Gần đây, do thị trường bất động sản có biến động mạnh nên các đối tượng “làm giá” xuất hiện nhiều hơn, trắng trợn hơn. Không chỉ “làm giá” ở các quận nội thành hay vùng giáp ranh, dân đầu cơ cũng không buông tha những phiên đấu giá ở những huyện ngoại thành.
Lãnh đạo một số quận, huyện của Hà Nội vừa cáo giác, một số đối tượng đang lợi dụng những phiên đấu giá quyền sử dụng đất của địa phương để “ôm” đất, làm giá đất nhằm trục lợi cá nhân, gây nhiều khó khăn cho chính quyền khi tổ chức đấu giá.
Công nghệ 'thổi giá' đất
Trong 6 - 7 năm qua, các phiên đấu giá quyền sử dụng đất đang đem lại cho thành phố Hà Nội khoản thu khổng lồ để tái đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng. Song, theo dòng thời gian, mô hình này bắt đầu bị một số đối tượng khai thác như một công cụ để tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản. Hiện nay, lãnh đạo một số quận, huyện đang lo lắng bởi tại một số phiên đấu giá đất, đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng tham gia đăng ký đấu giá với khối lượng thửa đất lớn, kèm với đó là bỏ thầu giá đất thật cao. Tuy nhiên, khi trúng đấu giá, các đối tượng này lại bỏ tiền cọc, không mua nữa. Các quận, huyện cho rằng, chiêu thức này nhằm mục đích nâng giá đất trong khu vực đấu giá để trục lợi, gây “nhiễu” cho công tác quản lý và kế hoạch đấu giá đất của chính quyền.
Thực ra, tình trạng “thổi” giá đất thông qua các phiên đấu giá công khai đã có từ nhiều năm nay. Điển hình là phiên đấu giá đất tại Mỹ Đình năm 2006. Đơn vị trúng đấu giá đã trả tới 65 triệu đồng/m2 trong khi vị trí đất liền kề chỉ hơn 30 triệu đồng/m2. Giao dịch này sau đó đã bất thành vì nhà đầu tư bỏ tiền cọc. Tuy nhiên, sau khi thông tin giá đất Mỹ Đình được trả 65 triệu đồng/m2 lan ra, chỉ qua vài tuần, giá được “tâng” lên nhanh chóng. Kết quả, dù mất 2 tỷ đồng đặt cọc nhưng nhà đầu tư thu lại gấp hàng chục lần do “đẩy” được những lô đất lớn với giá cao đã được “gom” từ trước đó.
100 triệu đồng/m2 là mức giá khó tin đã được giao dịch tại khu Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội
Gần đây, do thị trường bất động sản có biến động mạnh ở những khu vực giáp ranh quận, huyện, nên các đối tượng “làm giá” xuất hiện nhiều hơn, trắng trợn hơn. Người dân bình thường từng tham gia một cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại quận Hà Đông đều phải thừa nhận, không bao giờ có thể dự đoán đúng giá trúng. Giá trúng thầu thường cao hơn nhiều giá khởi điểm, quá mức tưởng tượng của cả nhà quản lý. Đơn cử, như phiên đất đấu giá khu Ngô Thì Nhậm, vào thời điểm thị trường bất động sản ảm đạm, giá mỗi m2 đất đấu giá ở mức 25 triệu đồng thì tới năm 2009, đất ở đây đã vọt lên 40 triệu đồng/m2 và vào tháng 3/2010 đã đạt khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá giao dịch có thể lên tới 80 - 100 triệu đồng/m2! Tương tự, tại huyện Gia Lâm, giá trúng đấu giá đất cũng “đại nhảy vọt”, tăng rất mạnh so với mặt bằng giá chung. Khi tổ chức đấu giá, người dân quanh khu vực cho rằng, cao lắm giá đất nhà vườn liền kề của dự án chỉ nằm ở mức 14 triệu đồng/m2, vì đất khu vực xung quanh đó đang được người dân bán ở mức 10 triệu đồng/m2. Song giá trúng thầu cao nhất lên tới 24 triệu đồng/m2 và thấp nhất cũng xấp xỉ 17 triệu đồng/m2.
Không chỉ “làm giá” ở các quận nội thành hay vùng giáp ranh, dân đầu cơ cũng không buông tha những phiên đấu giá ở những huyện ngoại thành, nơi cách trung tâm khá xa. Tại huyện Quốc Oai, khu đất đấu giá Vai Réo, Phú Cát, giá đấu trúng thấp nhất cũng bị “đôn” lên tới 17,5 triệu đồng/m2, cao nhất là 24 triệu đồng/m2, mức giá khiến những người có nhu cầu thực sự mua đất xây nhà để ở choáng váng bởi giá của những thửa đất gần đó chỉ trên 10 triệu đồng/m2.
Bàn tay của đầu cơ
Phân tích hiện tượng bỏ thầu với giá trên trời này, một số chuyên gia thẳng thắn: “Có bàn tay của giới đầu cơ nhà đất. Dân đi đấu giá chủ yếu là “cò” nhà đất. Họ đi đấu giá có bài bản nhằm “ôm” được đất, góp phần “thổi” giá lên và bán lại cho người trượt, nếu không bán được thì bỏ thầu, bỏ cọc là xong bởi số tiền cọc thường không đáng kể”. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, các quận, huyện cần rút ngắn thời gian nộp tiền trúng giá và nâng mức đặt cọc cao gấp 2 - 3 lần hiện nay.
Nhấn mạnh chủ trương coi đấu giá đất là một nguồn thu cho địa phương tái đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, đấu giá đất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển nhà ở của người dân. Do đó, các phiên đấu giá phải đảm bảo sự công bằng, song cũng cần tránh thất thu cho Nhà nước.
Về hướng xử lý các trường hợp trúng đấu giá nhưng lại “bỏ cọc chạy lấy người”, UBND TP yêu cầu, theo đúng quy định hiện hành, quá 30 ngày nếu người trúng không nộp tiền sẽ hủy kết quả đấu giá. UBND TP cũng lưu ý, các hội đồng đấu giá khi lập phương án đấu giá phải quy định chặt chẽ các khoản phí, lệ phí tham gia đấu giá theo quy định.
* Tính từ đầu năm đến đầu tháng 12/2010, Hà Nội có 18 đơn vị tổ chức đấu giá 11,7ha đất, thu được 2.519,44 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch thu ngân sách. Trong đó, khu đất của 8 dự án quy mô lớn thu được 1.176,16 tỷ đồng. Trong khi đó, các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt của 13 quận, huyện thu được 1.310,43 tỷ đồng; đấu giá 4 nhà chuyên dùng thu 32,85 tỷ đồng. Trong tháng 12/2010, chỉ cần thu thêm 80 tỷ đồng là Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch đấu giá đất của năm 2010.
* Từ nay đến cuối năm, nhiều khu đất trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ được các quận, huyện đưa ra đấu giá. Huyện Đông Anh sẽ tổ chức đấu giá 20 thửa đất xen kẹt để xây dựng nhà ở tại thôn Đầm, xã Vân Nội. Cũng trong tháng 12, quận Hà Đông dự kiến đấu giá khu đất thôn Thờn Bơn, phường Biên Giang, khu đất Ngô Thì Nhậm và khu Đồng Dung, tổng số tiền thu về ước đạt 70 tỷ đồng. Tại khu đất đấu giá xã Trâu Quỳ, UBND huyện Gia Lâm sẽ đấu giá 2ha trong tháng 12, ước thu khoảng 300 tỷ đồng...