Nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, số ca nhiễm của Hà Nội ở mức thấp so với bình quân chung cả nước. Nhiều ngày qua, Hà Nội không ghi nhận F0 trong cộng đồng. Về tỷ lệ tiêm phòng COVID-19, Hà Nội ở mức cao so với cả nước (chỉ sau TP HCM và Long An). TP Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 để bao phủ mũi 2 cho người đã tiêm mũi một, tiêm vét cho những trường hợp chưa tiêm.
Cửa hàng ăn uống ở Hà Nội hiện chỉ bán mang đi. |
Với những yếu tố kể trên, Hà Nội đủ cơ sở để có thể mở cửa nhiều hơn, nhất là các dịch vụ thiết yếu (ăn uống, giao thông công cộng, thể thao....) với tỷ lệ phù hợp và có lộ trình. Việc này phù hợp với mục tiêu “sống chung an toàn với COVID-19” của Thủ tướng. Chưa kể, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch và là một trong hai đầu tàu của cả nước; sức lan tỏa và ảnh hưởng rất lớn. Hà Nội không thể giảm đi vai trò và bỏ lỡ cơ hội phục hồi, phát triển như các địa phương khác.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội nên mở cửa các loại hình kinh doanh bình thường trở lại. Việc hạn chế một số hoạt động dịch vụ để phòng, chống dịch ở Hà Nội không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, vật chất mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống tâm lý, tâm thần của người dân.
“Ví dụ như nên cho hàng quán được phục vụ tại chỗ, công viên được hoạt động bởi việc đi lại tại những địa điểm trên sẽ không xảy ra tình trạng tụ tập đông người. Các quán cà phê, quán ăn cũng nên cho mở trở lại, đặc biệt các quán cà phê, quán ăn ở ngoài trời. Nếu trong nhà thì phải giữ khoảng cách, thông thoáng, thời gian đầu có thể phục vụ 50% công suất, sau đó tùy tình hình để tăng dần lên”, ông Nga chia sẻ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội nên mở lại các cơ sở phục vụ ăn uống tại chỗ. PGS.TS Nguyễn Việt Hùng đưa ra 3 lý do. Thứ nhất, Hà Nội vẫn có thể còn ca nhiễm trong cộng đồng nhưng nguy cơ rất thấp. Thứ 2, đã chấp nhận sinh sống an toàn với dịch thì nguy cơ không thể loại bỏ dịch bệnh tuyệt đối được hết. Thứ 3, có thể mở ở khu vực ít nguy cơ trước. Tuy nhiên, phải tăng cường kiểm sát biện pháp 5K, khai báo y tế phải làm nghiêm túc, chặt chẽ.
“Việc mở cửa hàng ăn uống phục vụ tại chỗ tại Hà Nội là cần thiết và Thủ đô nên mạnh dạn nới lỏng, tuy nhiên cần đáp ứng nhiều điều kiện, ví dụ như số lượng người được phục vụ là bao nhiêu, giãn cách như thế nào, thực hiện tốt 5K... Ở đâu xuất hiện ca bệnh thì phong tỏa ngay nơi đó, theo quy mô bé nhất, hạn chế phong tỏa rộng, để có thể làm ăn kinh tế”, ông Nga nói.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các địa phương, đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện kiểm soát, phòng chống dịch đối với việc thí điểm mở đường bay nội địa đi và đến Hà Nội.
Ngoài yêu cầu hành khách phải tuân thủ quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Sở Y tế đề nghị chính quyền cấp cơ sở tiếp nhận thông tin người dân về trên địa bàn và quản lý chặt chẽ (có thể treo biển tại cửa nhà: “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD COVID-19”); giao công an khu vực và tổ COVID-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ và phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"