Khi biết tin Hà Nội có thể tăng học phí 2 - 5 lần so với mức hiện tại, nhiều người dân và đại biểu HĐND Hà Nội tỏ ra rất lo lắng, nhất là trong bối cảnh giá cả trên thị trường tăng. Theo tờ trình vừa được UBND thành phố Hà Nội hoàn thành để trình kỳ họp 21 HĐND diễn ra vào ngày mai (13/7), nếu được đại biểu thông qua, từ năm học tới học phí từ cấp mầm non đến THPT của Hà Nội tăng 2 - 5 lần.Tăng vì mức thu nhập đầu người tăng Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng ban Văn hoá xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho biết, với lý do để hỗ trợ ngân sách Nhà nước mua sắm các thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Hà Nội đã tăng cao nên trong kỳ họp này UBND thành phố Hà Nội đã trình phương án tăng học phí lên HĐND. Theo đó, mức học phí trên địa bàn Hà Nội sẽ được phân ra 3 mức chính, trong đó, thành thị một mức chung, còn nông thôn chia 2 mức (một mức cho các em có cha mẹ làm nghề nông, một mức cho các em có cha mẹ làm nghề khác).
Đối với bậc học mầm non, ở khối mẫu giáo, mức thu theo đề án đề xuất với học sinh ở khu vực thành thị là 165.000 đồng mỗi học sinh một tháng; học sinh ở khu vực nông thôn sẽ thu theo hai mức 30.000 đồng mỗi học sinh một tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp); mức 50.000 đồng mỗi học sinh một tháng (có cha hoặc mẹ làm nghề khác). Tương tự, mức thu đối với khối nhà trẻ ở khu vực thành thị được đề xuất 175.000 đồng mỗi học sinh một tháng; ở khu vực nông thôn 35.000 đồng mỗi học sinh môt tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp) và thu 70.000 đồng mỗi học sinh một tháng (có cha hoặc mẹ làm nghề khác). Với khối THCS, mức thu ở khu vực thành thị sẽ là 100.000 đồng mỗi học sinh một tháng; ở khu vực nông thôn sẽ thu 30.000 đồng mỗi học sinh một tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp) và thu 50.000 đồng mỗi học sinh một tháng (có cha hoặc mẹ làm nghề khác). Đối với khối THPT, mức thu ở khu vực thành thị sẽ là 120.000 đồng mỗi học sinh một tháng và ở khu vực nông thôn sẽ thu theo hai mức 35.000 đồng mỗi học sinh một tháng (cha và mẹ làm nông nghiệp) và 55.000 đồng mỗi học sinh một tháng (cha và mẹ làm nghề khác). Theo tờ trình, ngoài tăng học phí UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất miễn, giảm học phí theo quy định cho 15 xã thuộc các khu vực khó khăn nhất của huyện là Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức...Mức tăng chưa hợp lý Theo nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, mức tăng học phí 2 - 5 lần so với hiện tại là cao so với mặt bằng chung của thành phố, ngoài gây hiệu ứng không tốt cho xã hội, tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học của con em mỗi gia đình.
Đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, trong bối cảnh mọi thứ đều tăng giá, việc UBND thành phố Hà Nội đưa ra phương án tăng học phí trong thời gian này là chưa hợp lý. Hơn nữa, khi Hà Nội đã mở rộng dân số ở khu vực nông thôn của Thủ đô rất nhiều, nếu tăng học phí quá cao sẽ ảnh hưởng đến việc học của con em ở đây. “Sẽ hợp lý hơn nếu Hà Nội chỉ tăng từ 1, 5 đến 2 lần so với mức hiện tại”, đại biểu Tân đề xuất. Cùng quan điểm, đại biểu Ngô Văn Ny thông tin, ngoài tăng học phí việc xác định đối tượng học sinh có cha mẹ làm nghề nông và làm ngành nghề khác cũng rất khó. “Nếu thực hiện vấn đề này không tốt sẽ vô tình làm nảy sinh các mâu thuẫn và sự thiếu công bằng. Hơn nữa mức thu nhập trên đầu người hiện nay của Hà Nội chỉ là lấy bình quân, còn thực tế nhiều người dân Hà Nội vẫn có mức thu nhập thấp, đặc biệt là giới công chức và các khu vực ngoại thành”, đại biểu Ny nói. Nhiều phụ huynh đang có con theo học tại các trường mầm non và THPT trên địa bàn thành phố cũng cho biết, nếu lý giải cho việc tăng học phí để đầu tư vào cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị học tập thì chưa thuyết phục, vì thực tế ngoài học phí gia đình các em đang phải đóng thêm cho ngành giáo dục những khoản tiền khác, như xây dựng, mua sắm các thiết bị vui chơi, thực hành… “Trung bình một học sinh ở Hà Nội hiện nay, ngoài tiền học phí, mỗi kỳ đang các cháu đang phải đóng thêm 5 - 10 khoản phí”, chị Nguyễn Thị Lại, một phụ huynh học sinh ở thôn Hạ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm chia sẻ.
Mức học phí hiện tại của từng cấp học ở Hà Nội: Cấp THPT 30.000 đồng mỗi tháng một học sinh, mức đề xuất tăng 120.000 đồng mỗi học sinh một tháng (khu vực đô thị), và 35.000 - 55.000 đồng học sinh một tháng khu vực nông thôn. Cấp mầm non: 50.000 đồng mỗi tháng một học sinh, mức đề xuất tăng 175.000 đồng mỗi tháng một học sinh (khu vực thành thị) và 37.000 - 112.000 đồng mỗi tháng một học sinh khu vực nông thôn. Cấp nhà trẻ: 70.000 đồng mỗi tháng một học sinh, mức đề xuất tăng 175.000 đồng mỗi tháng một học sinh (khu vực thành thị) và 37.000 - 112.000 đồng mỗi tháng một học sinh khu vực nông thôn…. |
Theo Trọng Đảng
Đất Việt
Đất Việt