Theo phản ảnh của người dân, phóng viên đã có mặt tại phòng khám chuyên khoa Phụ sản và Kế hoạch hóa gia đình có địa chỉ số 26, ngõ 104, phố Nguyễn Phúc Lai, Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội do bác sĩ Trần Ngọc Kính sinh năm 1937, chứng chỉ hành nghề số 002913/HNO-CCHN được cấp ngày 20/11/2012 và Sở Y tế Hà Nội cấp phép số 879/SYT-GPHĐ ngày 04/4/2013.
Trong quá trình hoạt động, có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định trong việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, cần được làm rõ?
Việc thăm khám, theo dõi, tư vấn cho bệnh nhân không có sự xuất hiện của bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật. Trong nhiều ngày thăm khám tại đây, phóng viên không thấy sự xuất hiện của bác sĩ phụ trách chuyên môn Trần Ngọc Kính, người được cấp phép hoạt động. Được biết, vị bác sĩ này đã 83 tuổi, với độ tuổi “thượng thọ” liệu bác sĩ Trần Ngọc Kính có đảm bảo sức khỏe để khám chữa bệnh cho hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân đến thăm khám mỗi ngày.
Phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám |
Phòng khám còn có một người được cấp phép phụ trách chuyên môn kỹ thuật là bác sĩ Trần Ngọc Đính, làm việc từ 17h00 đến 20h00 các ngày thứ 2, 4, 6 và từ 8h00 đến 12h00 ngày chủ nhật. Hiện nay, bác sĩ Đính đang công tác tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều ngày nhóm PV đến phòng khám trong giờ hoạt động, đều không có sự xuất hiện của bác sĩ Đính hoặc bác sĩ Kính. Cụ thể như buổi sáng ngày 29/12 và nhiều ngày khác.
Theo chị H, người nhiều lần thăm khám tại đây cho biết “Nhiều lần đến đây rồi, nhưng không gặp bác Đính, chỉ gặp bác Đạo”. Tại phòng khám, phóng viên ghi nhận chỉ có một nam bác sĩ làm việc siêu âm, thường xuyên có 3 nữ y tá vào buổi tối và 5 người làm việc vào các buổi sáng cuối tuần. Không có danh sách thông tin nhân sự làm việc tại phòng khám.
Phòng khám chuyên khoa Phụ sản – Kế hoạch hóa gia đình, do bác sĩ Trần Ngọc Kính đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Bác sĩ có phạm vi hoạt động chuyên môn gồm: cấp cứu ban đầu về sản phụ khoa; khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa thông thường; đặt thuốc âm đạo; đốt điều trị lộ tuyến tử cung; soi cổ tử cung, lấy bệnh phẩm tìm tế bào ung thư; đặt vòng tránh thai; hút thai đối với thai dưới 06 tuần. Đối với bác sĩ Đính thì thêm phần siêu âm sản phụ khoa.
Việc hai vị bác sĩ này không trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân mà chỉ giao lại cho nam bác sĩ khác không được cấp phép thực hiện phần việc siêu âm, chỉ định bệnh nhân dùng thuốc.
Việc thăm khám, đọc bệnh chủ yếu do những người phụ nữ đảm nhiệm. Từ khâu đón tiếp, thăm, khám, siêu âm, hướng dẫn điều trị, bán thuốc đều được những người không chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật thực hiện tại phòng khám.
Nữ y tá lấy mẫu máu |
Phòng khám còn tổ chức lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm nhanh tại phòng khám, chi phí xét nghiệm này nằm trong chi phí siêu âm với giá 400 nghìn đồng. Không dừng lại ở đó, Phòng khám còn phối hợp cùng một bệnh viện để thực hiện việc lấy mẫu máu đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ với giá 350 nghìn.
Tại phòng khám còn làm hồ sơ sinh, quá trình làm hồ sơ cũng lấy mẫu để chuyển đi xét nghiệm. Mỗi bộ hồ sơ sinh được thu với giá 1,45 triệu đồng, được một người phụ nữ thu tiền kiêm hướng dẫn, tư vấn về giá dịch vụ, thủ tục.
Tại đây, các dụng cụ lấy mẫu có hiện tượng quay vòng, tái sử dụng. Dụng cụ lấy mẫu không đảm bảo yêu cầu, nơi để dụng cụ bị nhiễm khuẩn, lấy mẫu máu không đảm bảo. Rác thải y tế bỏ vào túi ni lông, gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh.
Phòng khám cũng có những giường bệnh và trang thiết bị xét nghiệm nhanh nước tiểu, máy theo dõi tim thai và cơn co tử cung. Bên cạnh đó, việc bày bán thuốc vẫn diễn ra khá phổ biến, hầu hết các bệnh nhân sau khi khám đều được tư vấn mua thuốc, chủ yếu là các loại thuốc đặt, thuốc kháng sinh và một số loại khác. Cần lưu ý, các dịch vụ này phòng khám không được cấp phép.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần làm rõ các hoạt động của Phòng khám, từ đó có công tác chấn chỉnh, có công tác tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý.