Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết phản ánh về hiện tượng cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước tràn lan và thiếu giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước tại KCN Đồng Văn II. Theo đó, nội dụng phản ánh về việc cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước cho nhiều doanh nghiệp và sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước.
Dù Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam xây dựng hạ tầng, giếng khoan trong KCN đúng hay sai giấy phép Ban quản lý cũng không hề hay biết và đẩy trách nhiệm giám sát cho cơ quan cấp giấy phép.
Hiện KCN Đồng Văn II có tới 4 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước. Trong đó, Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn được UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy phép khai thác từ năm 2011 với số giếng khai thác là 10 và 2 giếng dự phòng, thời hạn 15 năm; vị trí công trình tại lô D.
Năm 2016, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước cho Công ty Đài Nguyên Việt Nam 5 giếng, vị trí lô D. Đến năm 2018, nhu cầu khai thác của Công ty Đài Nguyên Việt Nam lớn nên họ đã đề nghị Bộ TN&MT cấp giấy phép để khai thác 15 giếng. Vị trí công trình khai thác nước lô U, với tổng lượng khai thác 4.300 m3/ ngày đêm.
Trước dấu hiệu bất thường trong việc cấp nhiều giấy phép khai thác tài nguyên nước trong KCN Đồng Văn II và Công ty Đài Nguyên Việt Nam đã khoan hàng loạt giếng không đúng với tọa độ được cấp trong giấy phép, không đúng vị trí công trình cấp phép, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tài nguyên nước, Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn đã tố cáo sự việc đến các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Hà Nam.
Sau đó, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam được giao nhiệm vụ kiểm tra thực địa Công ty Đài Nguyên Việt Nam, tuy nhiên, Sở TN&MT chưa làm hết trách nhiệm, dù đã xác định các tọa độ giếng khoan không trùng với vị trí tọa độ được Bộ TN&MT cấp giấy phép (xây dựng các giếng khoan sai giấy phép) nhưng không ghi vào biên bản, không báo cáo.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Long, PGD Sở TNMT tỉnh Hà Nam cho rằng, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở đến đâu thì Sở làm đến đó, tỉnh chỉ giao nhiệm vụ xác định vị trí các giếng khoan của Công ty TNHH nước sạch Đài Nguyên Việt Nam có chồng đè nhau hay không, còn sai giấy phép hay không UBND tỉnh không giao.
Ông Hoàng Văn Long, PGD Sở TNMT tỉnh Hà Nam cũng khẳng định, kiểm tra thực tế vị trí các giếng khoan của Công ty Đài Nguyên Việt Nam cùng dãy với Công ty nước sạch Đồng Văn |
Thực tế việc cấp giấy phép cho đến việc kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên nước đối với Công ty Đài Nguyên Việt Nam cho thấy, Sở TN&MT là đơn vị tham mưu, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép ngay từ đầu đã bộc lộ vấn đề bất thường.
Trong khi đó, đơn vị tham mưu cấp giấy phép lại là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra hoạt động đối với Công ty Đài Nguyên Việt Nam. Như vậy, liệu có khách quan và việc Sở TN&MT tỉnh Hà Nam kiểm tra thực địa, có dám đánh giá trung thực về việc cấp giấy phép và giám sát hoạt động hay không.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, cho rằng, giấy phép số 11, do UBND tỉnh cấp trước đó cho Công ty Đài Nguyên Việt Nam đã không còn hiệu lực, nhưng giấy phép số 11 cho thấy, cơ quan này đã tham mưu cấp giấy phép có chồng chéo lên công trình lô D của Công ty nước sạch Đồng Văn. Sau đó, Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác nước sang vị trí công trình lô U cho Công ty Đài Nguyên với tổng 15 giếng, nhưng thực tế, 5 giếng do UBND tỉnh cấp trước đó vẫn hoạt động và thêm 10 giếng nữa đang bị phản ánh là hoạt động sai giấy phép được cấp.
Để làm rõ phản ánh Công ty Đài Nguyên Việt Nam hoạt động không đúng giấy phép, vị trí công trình cùng dãy với lô D của Công ty Cổ phần nước sạch Đồng Văn, trong khi đó vị trí được cấp giấy phép là ở lô U, Bộ TN&MT giao cho Cục quản lý tài nguyên nước kiểm tra thực địa Công ty Đài Nguyên Việt Nam.
Sau đó, đoàn kiểm tra của Cục quản lý tài nguyên nước đi kiểm tra, ghi nhận tại hiện trường và xác định vị trí tọa độ một số giếng không đúng với tọa độ đã được cấp trong giấy phép, nhưng đoàn kiểm tra vẫn im lặng.
Sở TN&MT đã xác định vị trí các tọa độ giếng khoan của Công ty Đài Nguyên Việt Nam khác so với các tọa độ kiểm tra của Cục quản lý tài nguyên nước |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho rằng, vị trí giếng khoan của Công ty Đài Nguyên Việt Nam nằm ở lô U hay lô D không quan trọng vì doanh nghiệp không biết chỗ nào là lô D và lô U đâu.
Đối với một số nội dung liên quan đến bất cập trong việc cấp giấy phép đối với Công ty Đài Nguyên Việt Nam thì ông Khuyến chưa đưa ra được câu trả lời.
Liệu có phải vì cho rằng doanh nghiệp không biết đâu là lô D hay lô U?. Ngày 17/6/2020, Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước trả lời doanh nghiệp và Báo cáo Thứ trưởng Lê Công Thành, “hiện nay pháp luật về tài nguyên nước chưa có quy định liên quan đến việc chồng đè công trình khai thác nước dưới đất”.
Trong khi đó, một số Nghị định của Chính phủ và Luật tài nguyên nước đều quy định rất nghiêm ngặt về việc hạn chế khai thác tài nguyên nước dưới đất.
Hoạt động có dấu hiệu sai giấy phép của Công ty Đài Nguyên Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi khai thác tài nguyên nước của doanh nghiệp hợp pháp nước sạch Đồng Văn, mà còn gây nguy cơ sụt lún đất, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tại đây.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.