Theo đơn của gia đình Bà Nguyễn Thị Nghến gửi đến báo PLVN, trước đây gia đình bà có 2 mảnh đất ông cha để lại và gia đình bà sinh sống lâu đời ở đó. Mảnh thứ nhất đứng tên bà Nghến là thửa số 53 tờ bản đồ số 9, tổ dân phố Thá, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý và mảnh liền kề thửa số 52, tờ bản đồ số 9 đứng tên Nguyễn Văn Biên - con trai bà Nghến. Tổng diện tích của 2 thửa đất là 819m2.
Năm 2008 UBND tỉnh Hà Nam thực hiện thu hồi và giao đất cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nam để xây dựng đường vành đai thị xã Phủ Lý nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (nhánh N1), đất của gia đính bà Nghến đang sử dụng cũng nằm trong danh sách các hộ dân bị thu hồi.
Diện tích đất nhà bà Nghến bị thu hồi, tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án lại chưa sử dụng đến đã bỏ hoang nhiều năm qua. |
Vốn là gia đình cách mạng, có người thân là thương binh hạng A đã mất hi sinh cho độc lập của dân tộc, luôn chấp hành các đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước nên khi nhận được quyết định thu hồi đất của UBND TP Phủ Lý để phục vụ cho việc xây dựng công trình công cộng phát triền kinh tế xã gia đình bà Nghến nhanh chóng hoàn thành các thủ tục giao đất và di chuyển đến nơi ở tái định cư được cấp.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2016 gia đình bà Nghến phát hiện các hộ dân có đất liền kề, gần khu đất cũ của nhà bà được UBND TP Phủ Lý trả phần diện tích đất đã thu hồi năm 2008.
Phần diện tích đất mà UBND Thành phố Phủ Lý trả lại cho các hộ dân là diện tích đất thu hồi trước đây để làm đường vành đai thị xã Phủ Lý nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Sau khi dự án hoàn thành, diện tích đất còn lại, dôi dư mà dự án không dùng đến nữa thì được chính quyền địa phương trả lại cho người dân. Các hộ gia đình đó đã chuyển về đất cũ để sinh sống như trước đây.
Gia đình bà Nghến cũng có một phần diện tích đất đã thu hồi năm 2008 còn lại sau khi hoàn thành đường vành đai thị xã Phủ Lý nhánh N1 như các hộ dân trên, thế nhưng gia đình bà không được UBND TP Phủ Lý trả lại đất. Khu đất đó bị bỏ hoang từ năm 2014 cho đến tận bây giờ.
Với mong muốn tìm về đất ông cha để sinh sống, mưu sinh và thờ phụng tổ tiên, được hưởng quyền lợi giống như các hộ dân khác. Gia đình bà Nghến làm đơn đề nghị gửi các cấp chính quyền nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh – Phó chủ tịch UBND phường Liêm Chính và cán bộ địa chính phường Liêm Chính cho biết: “Dự án đường vành đai thị xã Phủ Lý nhánh N1 hay còn gọi là đường 42 mét, ngoài phần diện tích đất 42m làm đường và vỉa hè thì Thành phố còn thu thêm đất rộng ra làm đường gom thoát nước hai bên. Tuy nhiên đến nay dự án đường gom không làm nữa chỉ làm phần lòng đường 42m và vỉa hè.
Quá trình gỉải phóng mặt bằng (GPMB) làm dự án chia làm 3 giai đoạn, trường hợp nhà bà Nghến và ông Biên con trai bà Nghến nằm trong danh sách các hộ GPMB ở giai đoạn 2.
Việc GPMB ở giai đoạn 2 các hộ đã đồng ý nhận bồi thường và tái định cư di chuyển đến chỗ ở mới hết. Các hộ được trả lại đất nằm trong giai đoạn 3 của quá trình GPMB, khi các hộ dân phát hiện ra việc làm lòng đường và vỉa hè không hết phần đất đã thu hồi của họ, họ gửi đơn lên thành phố, sau đó Sở Giao thông điều chỉnh phương án bồi thường GPMB và trả lại đất luôn thời điểm ấy”.
“Khi dự án làm đến phần vỉa hè, họ phát hiện từ tim đường đến mép mốc giới làm đường không hết phần đất đã thu hồi của họ. Họ ngăn cản không cho đơn vị thi công thực hiện, vì họ sợ rằng phần đất mà dự án không làm đến sau này sẽ bị đem ra đấu giá thì người khác mua ở trước mặt nhà họ, họ kiến nghị lên Thành phố sau đó họ được giải quyết. Còn hộ bà Nghến bị thu hổi 100% diện tích đất, cả gia đình chuyển hết đến nơi ở mới. Đất đã thu hồi của gia đình bà, ngoài phần đất phục vụ dự án thì phần còn lại đang để không”, ông Tĩnh trao đổi.
Một số hộ dân được UBND TP Phủ Lý giao lại đất sau khi thực hiện dự án không sử dụng đến diện tích đất bị thu hồi |
“UBND phường luôn ủng hộ người dân, vì đây là quyền và lợi ích của người dân. Thế nhưng việc trả lại đất hay không thì UBND phường không có thẩm quyền giải quyết, chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn người dân kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cao hơn”, ông Tĩnh chia sẻ thêm.
Việc đất thu hồi đất nhằm mục đích thực hiện dự án xây dựng đường vành đai thị xã Phủ Lý nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, sau khi dự án hoàn thành, còn lại đất dôi dư không nằm trong kế hoạch sử dụng và thiết kế ban đầu được UBND TP Phủ Lý trả cho người dân nhận được rất nhiều sự ủng hộ.
Tuy nhiên, khi UBND TP Phủ Lý thực hiện việc giao trả đất cho dân thì có hộ được trả đất còn có hộ lại không được trả. Dư luận không khỏi băn khoăn, liệu có tồn tại câu chuyện lợi ích nhóm đẩy khó khăn về phía người dân?