Tòa án Hà Lan cuối tháng tư vừa qua đã quyết định giữ nguyên sắc lệnh của Chính phủ, theo đó từ đầu tháng 5/2012 sẽ cấm du khách nước ngoài tới các coffee Shop ở ba tỉnh phía nam đất nước. Từ ngày 1/1/2013, lệnh cấm này sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc; từ đầu năm 2014 sẽ đóng cửa các coffee shop ở gần trường học dưới 350m.
“Đã thấy sai, cần phải sửa!”
Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Ivo Opstelten, ngày 27/4 đã chính thức tuyên bố: Từ ngày 1/5/2012 các coffee shop ở ba tỉnh miền nam, giáp với Đức và Bỉ sẽ được chuyển thành những câu lạc bộ (CLB), với số thành viên tối đa không quá 2.000 người Hà Lan. Các thành viên được cấp sổ đăng ký và thẻ kiểm soát nhân dạng.
Chỉ các thành viên mới được vào ra CLB. Chủ nhân coffee shop nào vi phạm luật sẽ bị truy tố hình sự. Từ ngày 1/1/2013 biện pháp này sẽ được triển khai trên toàn lãnh thổ Hà Lan. Hơn nữa, từ đầu năm 2014 sẽ đóng cửa tất cả các coffee shop nào nằm trong phạm vi bán kính dưới 350 mét xung quanh các trường tiểu học và trung học phổ thông.
Ngay từ cuối năm ngoái, chính quyền thành phố Maastricht, nằm ở phía nam giáp với Đức, đã tiên phong thực chiện chủ trương của Chính phủ trong việc cấm du khách nước ngoài, trừ du khách từ Bỉ và Đức, tới các coffee shop, bởi ở đó du khách có thể mua một lượng nhỏ cần sa. Thế nhưng lượng du khách tới Hà Lan đông nhất lại chính là người Bỉ và người Đức.
Chủ trương siết chặt việc buôn bán cần sa nói riêng và ma túy nói chung là một phần trong Chương trình cải cách của Chính phủ Liên minh cánh tả do Thủ tướng Mark Rutte (45 tuổi) đứng đầu. Ngay từ khi mới nhậm chức cách đây một năm rưỡi (ngày 15/10/2010), ông Mark Rutte đã xếp cần sa vào loại ma túy hoạt tính mạnh, có tác động rất xấu tới sức khỏe con người. Bởi vậy, cần phải đấu tranh loại trừ thứ ma túy này ra khỏi cuộc sống con người.
Trong phiên họp Chính phủ tháng 3/2012, Thủ tướng Mark Rutte dự định hạn chế hoạt động của các coffee shop và sẽ cấm bán ma túy cho du khách nước ngoài đến Hà Lan. Nếu được giới chức các thành phố, trước hết là thủ đô Amsterdam và Tòa án ủng hộ, thì những biện pháp này sẽ được triển khai ngay trong năm nay.
Trong khi đó, luật sư Ard van der Steur, Nghị sĩ Quốc hội và là Người phát ngôn của Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do của Thủ tướng Mark Rutte, thì giải thích rằng: “Chính quyền cho phép các coffee shop bán một lượng nhỏ cần sa là việc làm sai trái, tạo ra một hình thức tội phạm. Nay đã thấy sai, cần phải sửa!”.
Theo ông Ard van der Steur, điều chính quyền lo lắng nhất là việc sản xuất cần sa đã tạo ra một thị trường phi pháp mở rộng. Cũng không ai biết chính xác giá trị xuất khẩu cần sa của Hà Lan hiện là bao nhiêu. Nhưng giới quan sát địa phương và quốc tế đều cho rằng, trong khi Hà Lan được coi là “siêu cường quốc hoa”, hàng năm cũng chỉ có thể xuất khẩu được khoảng 6,4 – 6,6 tỷ USD, thì giá trị tiêu thụ và xuất khẩu trá hình cần sa của nước này còn lớn hơn rất nhiều.
Hiện nay, gần như toàn bộ lượng hashish (một loại “ma túy nhẹ”) bán tại các coffee shop ở Hà Lan đều được nhập lậu từ Afghanistan, Pakistan, Liban và Morocco - điều đó gây bức xúc không chỉ cho chính giới, mà phần lớn các bậc làm cha làm mẹ ở đất nước 17 triệu dân này cũng hết sức bất bình. Còn cần sa thì lại được trồng công khai khá rộng rãi ở Hà Lan.
Thậm chí, mỗi gia đình đều được phép trồng một diện tích nhỏ cần sa (có tài liệu viết dưới 10 m2, có tài liệu viết dưới 50 m2 – Có lẽ tùy theo từng địa phương). Chính quyền nước này cũng đã xếp cần sa hoạt tính cao là loại ma túy mạnh, giống như heroin và cocaine. Bởi thế, Chính phủ buộc phải ra lệnh cấm bán cần sa và hashish trong các coffee shop. Cũng phải nói thêm rằng, loại cần sa được trồng hiện nay ở Hà Lan mạnh hơn gấp 3 lần so với vài thập niên trước đây.
Thực ra, từ lâu chính quyền xứ sở Hoa Tulip đã chính thức cấm buôn bán và sử dụng cần sa, mà đa số người dân nước này vẫn quen coi đó là một loại “ma túy nhẹ”. Thế nhưng, nếu ở đâu đó có buôn bán và sử dụng cần sa, thì cũng không bị các cơ quan bảo vệ pháp luật theo dõi và truy tố. Bởi thế đã xuất hiện các coffee shop cần sa.
Thu hút đông khách, siêu lợi nhuận, loại hình dịch vụ này nở rộ theo cấp số nhân, hiện nay trên khắp đất nước Hà Lan với diện tích không lớn lắm, chỉ rộng 41.528 km2 (bằng 1/8 nước ta) mà đã có tới hơn 700 coffee shop cần sa. Đương nhiên, vào bất cứ coffee shop nào cũng có thể mua được cần sa.
Du khách hút cần sa tại coffee shop. |
Phản ứng trái chiều
Biết tin Hà Lan từ đầu năm 2012 sẽ cấm cửa du khách nước ngoài tới các coffee shop, những ngày cuối tháng 12/2011, làn sóng du khách nước ngoài ào ạt đổ vào xứ sở Hoa Tulip. Phần lớn lượng du khách đến Hà Lan vào thời điểm đó cốt là để mua cần sa và các loại “ma túy nhẹ” khác.
Thế nhưng, đến hết Tháng Tư năm nay, các biện pháp này vẫn chưa thể triển khai, bởi có nhiều tiếng nói trái chiều. Chính phủ Hà Lan cũng rất thận trọng, đắn đo kỹ lưỡng. Nếu chỉ có ý chí chính trị của chính quyền, dư luận nhân dân chưa được chuẩn bị tốt, các địa phương cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi để thực thi lệnh cấm, thì cuộc đấu tranh sẽ kém hiệu quả. Mới chỉ “dự lệnh”, song trên thực tế mấy tháng đầu năm 2012 ngành du lịch đã thất thu nặng nề, dòng du khách tới xứ sở Hoa Tulip giảm hẳn xuống. Theo số liệu như tờ báo La Repubblica của Italia đã đưa, thì quí I năm 2012 lượng du khách tới Hà Lan đã giảm 23%.
Trong khi đó, nhiều quan chức địa phương lo ngại sự thay đổi chính sách sẽ khuyến khích bọn bán lẻ cần sa đường phố hoạt động trở lại và từ đó sẽ phát sinh làn sóng tội phạm mới. Một số người khác thì lập luận rằng Hà Lan đang phải chống chọi với tình trạng thâm hụt ngân sách, bởi vậy không thể không đếm xỉa đến nguồn thu từ du khách nước ngoài.
Ngay cả Thị trưởng Amsterdam, ông Eberhard van der Laan cũng bày tỏ sự hoài nghi và lo lắng đối với sự thay đổi chính sách sắp tới của chính phủ, mặc dù ông ủng hộ chủ trương hạn chế sử dụng “ma túy nhẹ” trong người dân.
Giới chủ coffee shop đương nhiên phản đối quyết liệt lệnh cấm này. Các luật sư đại diện cho quyền lợi của giới chủ coffee shop tuyên bố, nếu đầu Tháng Năm bắt đầu thực thi lệnh cấm du khách nước ngoài đến các cơ sở kinh doanh của họ, thì chắc chắn họ sẽ nhanh chóng có đơn khiếu nại đối với quyết định đó.
Trường hợp không được đáp ứng, giới chủ coffee shop sẽ tiếp tục đấu tranh tại Tòa án châu Âu về quyền con người. Bởi họ cho rằng “Quyết định của Hà Lan cấm bán cần sa cho người nước ngoài mang tính chất phân biệt chủng tộc, phân biệt nơi cư trú”.
Linh Vũ