Cô giáo xương thủy tinh với lớp học “3 không”
Ba mươi năm sống chung với căn bệnh xương thủy tinh nhưng Nguyễn Thị Ngọc Tâm, ở xã Yên Quang - huyện Ý Yên - tỉnh Nam Định vẫn luôn mạnh mẽ, lạc quan từng ngày. Hằng ngày, Ngọc Tâm vẫn cần mẫn gieo chữ trong một lớp học không bảng, không phấn, không bục giảng.
Từ khi chào đời, một chân của Ngọc Tâm đã không duỗi thẳng được. Điều trị nhiều lần có đỡ nhưng Tâm vẫn không thể đi lại. Hồi bé, Ngọc Tâm được bố đóng cho chiếc xe tập đi bằng gỗ. Thương bố mẹ vất vả vì mình, Tâm cố gắng tập luyện thật nhiều với hy vọng có thể đi lại được.
Cô tâm sự, có những lần tập bị rạn xương, thậm chí gãy cả xương, đến bệnh viện bác sĩ bó bột xong về lại tập đi tiếp. Nhưng mọi nỗ lực của Tâm không thành. Căn bệnh xương thủy tinh khiến xương dễ gãy. Người bệnh nhiều khi chỉ ngồi sai tư thế, hoặc va đập nhẹ cũng có thể bị gãy xương.
Hơn 30 năm qua, mọi sinh hoạt bình thường nhất của Ngọc Tâm đều phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Những lần bị ốm, đau nhức cơ thể, hô hấp kém, Ngọc Tâm phải ngủ trong tư thế ngồi hoặc nằm sấp. Đau đớn là thế, nhưng Ngọc Tâm vẫn luôn lạc quan, yêu đời, coi bệnh tật là thử thách để vượt qua, để tiếp tục sống vui vẻ, bởi cô luôn có gia đình sát cánh.
Gia đình và thầy cô đều chăm sóc nhưng Tâm học xong lớp 9 phải dừng lại. Ngôi trường cấp ba xa hơn, đi lại khó khăn hơn trong khi sức khỏe cô yếu ớt, chỉ cần đường xóc một chút cũng có thể làm xương vỡ.
Sau khi nghỉ học, Ngọc Tâm nhận dạy kèm miễn phí các bạn, các em học sinh nhỏ tuổi tại nhà. Lớp học là căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn 10m2, không bảng, không phấn, không bục giảng, nhưng ở đó có lòng nhiệt huyết của một cô gái đầy nghị lực, vượt qua bất hạnh để sống với ước mơ đời mình.
Ban đầu, từ vài ba đứa trẻ, lớp học của “Ngọc Tâm thủy tinh” dần đông hơn. Không chỉ các em xã Yên Quang, nhiều học sinh ở các xã lân cận cũng tìm đến “cô giáo nhỏ” để ôn bài. “Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ là cô giáo. Mình chỉ nghĩ mình là người kèm thêm cho các em thôi. Bởi có những bạn học sinh chỉ ít hơn mình 5 đến 6 tuổi. Có bạn gọi mình là chị, có bạn gọi là cô. Chỉ cần mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái là mình vui rồi”, Ngọc Tâm cho biết.
Những bài học và tấm lòng nhân ái của “Ngọc Tâm thủy tinh” đã lan tỏa rất xa, làm lay động trái tim bao người. Lứa học sinh đầu tiên của Tâm giờ đã là sinh viên đại học. Năm nào, các bạn cũng về thăm và trò chuyện với cô giáo đặc biệt của mình, người truyền kiến thức và nghị lực sống cho họ. Tâm chia sẻ, có thể so với những người bình thường khác, Tâm gặp nhiều khó khăn và trở ngại hơn. Nhưng, Tâm luôn nỗ lực để vượt qua khó khăn ấy.
Tâm nghĩ, bản thân mình là người đặc biệt, là cô gái tuổi 30 nhưng có hình hài của một em bé. Tuy bác sĩ bảo người bị bệnh xương thủy tinh tuổi thọ sẽ ngắn, nhưng không vì thế mà Tâm buồn. Tâm luôn lạc quan, yêu đời vì nghĩ không quan trọng mình sống bao lâu, quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào.
Hiện cô đã sáng lập Qũy học bổng, không gian đọc mang tên Ngọc Tâm Thủy Tinh, lớp học tình nguyện của cô đã bền bỉ 16 năm qua. Qua đó, Tâm đã dạy thêm miễn phí cho các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở; tặng phần thưởng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; mở không gian đọc với hơn 1.500 cuốn sách.
Bên cạnh đó, Tâm tham gia các hoạt động xã hội, dự án truyền cảm hứng do các tổ chức, các viện nghiên cứu thực hiện, các hoạt động của hội người khuyết tật, với mong muốn gửi tới những thông điệp cho các bạn khuyết tật để có thể có thêm niềm tin và nghị lực trong cuộc sống.
Ngoài Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020, cô gái nhỏ tiếp tục là 1 trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam phối hợp tổ chức trong những ngày cuối tháng 12 tại Hà Nội.
Thầy giáo kết nối yêu thương trên đỉnh Nam Trà My
Thầy Nguyễn Trần Vỹ (SN 1979) giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, 20 năm gắn bó với học trò vùng cao, thầy đã có các sáng kiến và thực hiện mô hình về sinh kế hộ nghèo, ngôi nhà nhân ái, bầu sữa yêu thương, mái trường nhân ái…
Hiện thầy Vỹ còn là Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương Nam Trà My, trực tiếp tham gia và kết nối được nhiều tấm lòng thiện nguyện. Những món quà nhỏ, những cái nắm tay chặt của anh và các thành viên đã sưởi ấm trái tim những người kém may mắn.
Thầy Vỹ chia sẻ: “Những năm trước thấy nhiều đoàn từ thiện đến tặng quà, cứu trợ, các anh chị không có thông tin nên chỗ đáng trao không trao, có những nơi trao rồi lại trao thêm. CLB ra đời cũng đã bước đầu kết nối yêu thương và việc chia sẻ được đến tận nơi, đúng địa chỉ”.
Như trường hợp chị em Đinh Thị Quyền (học sinh lớp 6 Trường THCS Trà Vân) mồ côi mẹ, cha sức khỏe yếu, ở trong căn nhà lá dột nát. “Để giúp đỡ các em có điều kiện tiếp tục bám lớp, tụi mình kêu gọi bằng nhiều cách, từ thông qua mạng xã hội facebook, đến mối quan hệ cá nhân. Rồi một người có nickname facebook Hồng Phát hỗ trợ Quyền 30 triệu đồng để làm nhà”.
Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ (trái) trong hành trình chia sẻ khó khăn với bà con Trà Leng. |
Với việc xây dựng một căn nhà ở lưng chừng núi, số tiền 30 triệu đồng chỉ đủ trả chi phí vận chuyển vật liệu. Thầy Vỹ cùng các thành viên CLB quyết định tự tay xây nhà cho Quyên. Họ tự xẻ gỗ, gánh cát, gùi xi măng, tự tay xây nhà. Rồi căn nhà cũng hoàn thành.
Gần đây nhất, trưa 28/10 xảy ra sạt lở ở Trà Leng, chiều cùng ngày, Vỹ cùng với các giáo viên khác cắt rừng, vượt qua sạt lở để vào với học sinh và bà con nơi đây. Từ trung tâm huyện Nam Trà My đến Trà Leng hơn 20 cây số giữa mưa gió, sạt lở, thầy Vỹ là một trong số ít người đầu tiên vào hỗ trợ bà con và học sinh Trà Leng ngay sau vụ sạt lở.
Hình ảnh Trà Leng sau đó được thầy Vỹ đưa lên mạng xã hội và được chia sẻ rất nhiều. Từ đó nhiều mạnh thường quân cả nước chung tay giúp đỡ bà con Trà Leng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…
Trong 20 năm qua, kỷ niệm thầy Vỹ nhớ nhất là tại điểm trường Răng Chuỗi (thôn 2, xã Trà Tập). Điểm trường này không phải là việc vận động kinh phí để làm trường mà vận động bà con vận chuyển vật liệu. Vì đi bộ 4-5 tiếng mới đến nơi nên việc vận động bà con cõng vật liệu rất gian nan.
Ngoài ra, thầy tham gia điều hành, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hiến máu như: Lễ hội Xuân hồng 2020 tiếp nhận gần 10 nghìn đơn vị máu; Chiến dịch vận động hiến máu xuyên Việt Hành trình Đỏ và Giọt hồng tri ân 2020 tại 42 tỉnh thành phố...
Hiện thầy Vỹ đã đào tạo hơn 3 nghìn tình nguyện viên tham gia vận động hiến máu, xây dựng lực lượng và tổ chức 81 Câu lạc bộ, Đội Tình nguyện viên về vận động hiến máu tại các trường học trên TP Hà Nội.
Thầy tham gia xây dựng Đội tình nguyện vận động hiến máu trong dịch Covid-19; Mạng lưới các câu lạc bộ vận động hiến máu, câu lạc bộ Người hiến máu Hà Nội để duy trì, phát triển nguồn người hiến máu ổn định, bền vững; Chiến dịch truyền thông về hoạt động đăng ký, đặt lịch hiến máu tình nguyện của người dân Thủ đô thông qua ứng dụng di động.
Xây dựng nhiều điểm trường, đến nay, thầy Vỹ chỉ nhớ khoảng được hơn 50 điểm trường, khoảng 100 phòng học, 4-5 khu nội trú cho học sinh và mấy chục nhà bà con đã được dựng lên từ những tấm lòng thiện nguyện. Học bổng cho học sinh thì nhớ không xuể.
Riêng trong năm 2020, thầy đã vận động xây dựng 3 điểm trường với 9 phòng học, 3 phòng ở giáo viên, 3 nhà vệ sinh, 3 khu vui chơi, có tổng trị giá 2,3 tỉ đồng; lắp đặt 13 hệ thống năng lượng mặt trời trị giá 420 triệu đồng; xây dựng 4 căn nhà tặng học sinh nghèo; trao tặng hàng trăm suất quà cho học sinh nghèo, các hộ bị thiệt hại do bão lũ.
Đồng thời, thầy vận động hỗ trợ cây giống cho 1.000 hộ dân nghèo với trị giá 670 triệu đồng; vật nuôi cho 100 hộ dân trị giá 500 triệu đồng; học bổng cho em, Bảo trợ 16 em trong 5 năm (1 triệu/tháng). Bên cạnh đó, thầy tham gia phối hợp vận động xây dựng 4 ngôi trường, 3 căn nhà, 1 khu nội trú; thực hiện dự án nuôi em với 1.500 em; trao 30 bộ máy tính cho học sinh và giáo viên…
Điểm chung của những gương mặt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia là tâm nguyện đều vì cộng đồng. Họ làm mọi việc không phải để được giải thưởng hay sự nổi tiếng mà xuất phát từ lòng trắc ẩn, từ ân tình giữa con người với con người, hướng đến một cộng đồng nhân văn, tốt đẹp hơn.