GS Ngô Bảo Châu: Ngoài học, cần có những đam mê

Theo GS Ngô Bảo Châu, ngoài toán cần có những đam mê khác trong cuộc sống.
Theo GS Ngô Bảo Châu, ngoài toán cần có những đam mê khác trong cuộc sống.
(PLO) -Vừa qua, tại buổi giao lưu lễ ký kết thành lập “Tủ sách toán học VIASM”, GS Ngô Bảo Châu đã trả lời những câu hỏi, thắc mắc của sinh viên và người yêu toán. Đồng thời, trước những áp lực của kì thi THPT quốc gia, GS Ngô Bảo Châu cho rằng nên có nhiều kỳ thi khác nhau, bởi vấn đề của chúng ta hiện nay là chỉ có một kì thi…

Toán ứng dụng có xa xôi?

Tại lễ ký kết, trong 4 cuốn sách được xuất bản đầu tiên có một cuốn về toán học ứng dụng, xin Giáo sư cho biết, toán học ứng dụng có liên quan như thế nào đến những nghiên cứu của ông và toán học ứng dụng có vai trò, vị trí như thế nào trong cuộc sống?

- Về câu hỏi này, trước hết tôi cũng không thể nói nhiều vì bản thân tôi không phải là chuyên gia về toán học ứng dụng. Tuy vậy, không phải là tôi không quan tâm tới toán ứng dụng. Việc học toán ứng dụng góp phần thay đổi tư duy rất nhiều về những việc cần phải vận dụng trong cuộc sống. Tôi xin nói đến một nhà toán học là Johan Buch ở Mỹ. Ông có nói rằng trong lĩnh vực quản trị kinh doanh có rất nhiều người giỏi toán.

Đó là toán về vận trù hay những bài toán phải thực hiện trong quản trị kinh doanh. Và trong kỹ thuật, chúng ta cũng phải làm sao tính toán để đưa ra những kết quả tối ưu. Toán học ứng dụng rất khác với toán học lý thuyết vì với toán học lý thuyết thì chỉ có thể có một kết quả nhưng với toán học ứng dụng thì kết quả của ngày mai phải tốt hơn so với kết quả của ngày hôm nay.

Toán học lý thuyết thường quan tâm tới những khái niệm cần phải chứng minh. Trong khi đó, toán học ứng dụng không nhất thiết phải chứng minh mà thường là vận dụng các kiến thức toán học cho một nhu cầu nào đó. Có thể nói, cuộc sống rất cần đến toán học và nếu mọi người biết vận dụng các kiến thức toán học thì mọi công việc của họ sẽ đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, việc thay đổi cho dạy và học toán ở Việt Nam nhằm hướng tới ứng dụng được thì còn rất nhiều việc phải làm.

Việt Nam có rất nhiều thành tích cao trong các cuộc thi Olympic Toán học quốc tế. Thế nhưng, mặt bằng chung toán học của chúng ta trong giáo dục đại học dường như chưa có bứt phá. Quan điểm của Giáo sư ra sao về thực tế này?

- Việc chúng ta có được nhiều thành tích toán học với quốc tế, trước hết phải nói đến công tác tuyển chọn và bồi dưỡng kiến thức của nước ta được tiến hành rất tốt. Còn với toán học trong giáo dục đại học chưa được như mong muốn do liên quan đến đội ngũ giảng dạy.

Thực tế là đa số các giảng viên không chỉ ngành toán chỉ tập trung vào việc dạy học mà chưa tập trung vào nghiên cứu để có công trình được công bố trên các tạp chí. Và gần đây, việc tính điểm cho giảng viên căn cứ vào những nghiên cứu được công bố là rất đáng hoan nghênh.

Cũng xin nói thêm là chất lượng dạy toán ở các đại học trọng điểm là rất tốt. Tuy nhiên, với một số nhóm trường thì chất lượng vẫn còn hạn chế. Nhiều trường chỉ có 20% giảng viên trình độ tiến sĩ và 5% là có công trình công bố trên các tạp chí thì làm sao có chất lượng dạy tốt được. Đầu vào của các trường có thể khá nhưng với chất lượng thầy có hạn thì đầu ra không được như mong muốn là chuyện đương nhiên. 

Các kì thi nặng nề, áp lực

Giáo sư có nhận xét gì về chương trình toán học phổ thông của Việt Nam hiện nay?

- Trước hết, tôi không thể đưa ra đánh giá một cách sâu sắc nhưng về cơ bản, tôi tin là việc dạy toán ở bậc phổ thông ở nước ta là tương đối tốt và đã trang bị được những kiến thức cơ bản cho học sinh. Các em học sinh Việt Nam giải bài toán tốt hơn các nước khác. Kết quả tham dự Olympic Toán quốc tế của Việt Nam đạt được rất tốt, được cộng đồng quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, hiện tại toán ứng dụng của chúng ta đang kém hơn so với các nước, chất lượng nghiên cứu Toán đại trà ở các trường ĐH ở Việt Nam còn yếu. Ở nước ngoài, chương trình Toán mang tính mở nên các em được học nhiều về Toán ứng dụng nên họ có cái nhìn khác hơn.

Trong khi toán học ứng dụng là mảnh đất đầy hứa hẹn, chính vì thế việc làm cấp thiết hiện nay là đổi mới dạy và học toán ở Việt Nam từ thay đổi giáo trình và cách học… nên chú trọng mô hình toán ứng dụng hơn là giải thích, chứng minh.

Tuy nhiên, sự đổi mới ở đây là có liều lượng chứ không nhất thiết phải giảm bớt hay đưa thêm ngay kiến thức vào bậc đại học. Và trọng tâm, việc dạy toán ở phổ thông là phải dựng được các mô hình toán học cho các ứng dụng cụ thể cùng các kiến thức cơ bản về xác suất và thống kê.

Sở dĩ chúng ta chưa có những đột phá bởi phương pháp dạy và học toán hiện nay khá thụ động, nặng về thi cử, khiến môn học nặng nề, tạo nhiều áp lực cho học sinh. Nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam lớn lên, trải qua nhiều kỳ thi căng thẳng, đạt thành tích cao, nhưng vẫn không thực sự hiểu học toán để làm gì và toán học có vai trò gì trong cuộc sống hàng ngày.

Do đó, điều cần phổ biến, khích lệ, học sinh, sinh viên ngày càng quan tâm hơn tới toán ứng dụng. Trong khi đó, việc học toán đem đến một khả năng phát triển tư duy trên ba khía cạnh. Thứ nhất là khả năng diễn đạt, xây dựng ngôn ngữ. Thứ hai là sự logic và cuối cùng là khả năng tính toán nhanh nhạy. Bộ môn toán được đào tạo tốt chính là một nền tảng tạo nên sự phát triển của nền giáo dục nói riêng và sự phát triển về khoa học - kĩ thuật của Việt Nam nói chung.

Việc dạy và học toán ở cấp THPT hiện nay liệu có làm mất đi vẻ đẹp của toán học khi mà việc thi tốt nghiệp lại tập trung vào hình thức thi trắc nghiệm? 

- Đúng là việc học và thi tốt nghiệp ở cấp THPT với môn toán và nhiều môn khác đang có sự khác nhau. Trong quá trình học, học sinh được học và thi theo hình thức tự luận nhưng khi thi tốt nghiệp lại hoàn toàn là trắc nghiệm. Việc tổ chức thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm rõ ràng là tiết kiệm hơn nhưng chưa thể đánh giá hết năng lực của học sinh. 

Đầu vào của các khoa toán nói riêng và đại học nói chung mà chỉ dựa vào kết quả thi trắc nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT chắc chắn là chưa đủ. Nói một cách hình tượng, đánh giá một con người như thế nào thì không thể dựa vào các chỉ số như chiều cao và cân nặng mà còn rất nhiều yếu tố khác.

Theo Giáo sư, làm sao để việc học toán trở nên say mê với người học?

- Đây là điều mà cá nhân tôi rất trăn trở. Để toán học trở nên hấp dẫn và thú vị hơn thì các bậc thầy phải có cách thức lôi cuốn học sinh trong các bài giảng. Còn với học sinh thì không chỉ là nắm vững lý thuyết và giải các bài tập một cách thuần túy mà phải coi việc học là một quá trình khám phá những kiến thức mới cho mình.

Ngay cả với những người học chuyên toán các bài toán đố cũng có những điều rất hay. Đó là những thử thách cho người làm toán. Cá nhân tôi từ bé cũng rất là thích toán và với nhiều bài toán chỉ giải được nếu có kiến thức rộng. Vì thế, phải cố mà học đến lúc giải được mới thôi. Những thách thức ban đầu phải vượt qua được thì mới có hứng thú đi tiếp.

Đa số phụ huynh có mục đích ngắn hơn là dài hạn

Theo Giáo sư, cần dung hòa ra sao giữa mục đích thi cử, niềm đam mê  và phát triển tư duy toán học?

- Về mục đích phục vụ thi cử, chúng ta khỏi phải bàn. Còn về mục đích thứ hai, đó không gì khác là nhằm phát triển cho sự hoàn thiện con người. Tuy nhiên, đa số các bậc phụ huynh  thường có mục đích ngắn hạn hơn là dài hạn. Vì thế, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh trước mắt muốn con mình thi cử có kết quả.

Nhưng qua đó, việc phát triển tư duy logic và sáng tạo cũng cần nằm trong các bài toán đặt ra cho học sinh. Việc dung hòa giữa hai mục đích chính là nhiệm vụ, là sứ mạng của người thầy trong việc dạy toán cho học sinh.

Hơn 4 năm nay, mỗi lần về nước tôi đều trực tiếp giảng dạy cho các giáo viên chuyên toán. Đó là việc mà Bộ GD-ĐT và các địa phương sắp xếp, tổ chức cho tôi với họ. Tuy nhiên, tôi không chỉ quan tâm đến hệ thống các trường chuyên và rất mong muốn được giảng dạy, giao lưu với nhiều giáo viên khác. Vấn đề khó nhất chính là có đủ thời gian để làm việc đó hay không và nếu quay video để đưa lên YouTube thì không biết có ý nghĩa hay không? Dù sao thì được giảng dạy trực tiếp với tôi vẫn hứng thú và có ý nghĩa hơn.

Vậy theo ông, vấn đề của chúng ta hiện nay là gì?

- Tôi nghĩ vấn đề của chúng ta là chúng ta chỉ có kỳ thi, tất cả đều dựa vào kết quả của một kỳ thi. Chúng ta sai lầm là bắt các em học và luyện thi hùng hục, tiêu diệt hết cả bản năng khám phá của các em. Ngay cả việc học toán cũng có những bài toán đố, thử thách. Tôi thích toán từ lớp 6, lý do là không giải được bài, rất bực mình, tức nên cố giải được thì thôi.

Kỳ thi phổ thông quốc gia thi trắc nghiệm cũng khá hay nhưng nó có khuyết điểm. Nên thay chọn bốn đáp án abcd trở thành chuyện điền đáp án, như vậy sẽ loại trừ được việc loại đáp án dẫn đến tiêu cực của trắc nghiệm? Tôi chưa xem quy trình chấm trắc nghiệm bao giờ nên chưa có ý kiến. 

Tôi cho rằng nên có nhiều kỳ thi khác nhau, trong đó có kỳ thi trắc nghiệm. Kỳ thi có thể do các trường ĐH tổ chức, tuyển sinh ĐH phải theo nhu cầu và sứ mệnh của mỗi trường vì người ta không thể chỉ dựa vào một thông số duy nhất. Trong cuộc sống cần phải biết cân bằng giữa đam mê của mình với những thứ khác. Không chỉ tập trung vào học toán, cần phải dành thêm nhiều thời gian cho những kiến thức khác mà trong đó có cả nghệ thuật.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ!

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...