Quy định phải đảm bảo tính thống nhất và dễ áp dụng thực hiện
Tại buổi góp ý của Sở Tư pháp Bình Định, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như: Đề nghị bổ sung quy định về đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (PTDS); đề nghị quy định cụ thể nội dung chương trình đào tạo PTDS tại các nhà trường, học viện và nội dung chương trình huấn luyện PTDS cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, rộng rãi để đảm bảo tính thống nhất và dễ áp dụng thực hiện; đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố vượt quá khả năng ứng phó của cấp tỉnh thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo lên cơ quan cấp trên nào để chỉ đạo, chỉ huy và áp dụng biện pháp ứng phó phù hợp; đề nghị bổ sung nội dung quy định của điều khoản chuyển tiếp; đề nghị quy định cụ thể về diễn tập PTDS tại các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; đề nghị rà soát, viện dẫn chính xác điều khoản quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố, bãi bỏ và áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp; đề nghị rà soát, viện dẫn chính xác điều khoản quy định về các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp...
Tại buổi Tọa đàm về xây dựng Luật PTDS do Ban Chỉ huy PTDS tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đoàn khảo sát phục vụ xây dựng Luật PTDS của Bộ Quốc phòng tổ chức, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của dự thảo. Tham gia thảo luận, các đại biểu tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung: Hoạt động của Ban Chỉ huy PTDS - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức các hoạt động PTDS; đánh giá, phân loại cấp độ các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; các biện pháp bảo vệ cơ quan, tổ chức và người dân trước thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; khắc phục và hỗ trợ những đối tượng rủi ro; tình trạng khẩn cấp về PTDS...
Đồng thời, các đại biểu cũng tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo luật như: tính cần thiết, cấp thiết xây dựng Luật PTDS; nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cấp địa phương trong xử lý các sự cố xảy ra trên diện rộng; bổ sung các nguồn lực, kinh phí cho các hoạt động PTDS...
Phát biểu tại Tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Huy Cảnh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1 nhấn mạnh, với mục tiêu nâng cao năng lực về PTDS, không chỉ góp ý vào dự thảo Luật, Ban Chỉ huy PTDS các cấp của tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục chủ động khảo sát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án, kiểm tra thực tế tại các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra tình huống mất an toàn; tổ chức hiệp đồng PTDS, ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 1 đóng quân trên địa bàn theo đúng quy định, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”…
Trong buổi Tọa đàm do Ban Chỉ huy PTDS tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của dự thảo và tập trung trao đổi, làm rõ nhiều nội dung. Các đại biểu đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật và khẳng định: Việc ban hành Luật PTDS là thật sự cần thiết. Đặc biệt sẽ rất ý nghĩa với một tỉnh như Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu diễn biến phức tạp, thường xuyên xảy ra bão lũ, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, hạn hán.
Tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tiễn
Hà Giang có địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt, địa chất núi đá, thiếu đất, thiếu nước nên gặp nhiều khó khăn trong khắc phục hậu quả thiên tai. Tỉnh có lượng mưa hàng năm cao nhất cả nước, địa chất yếu nên dễ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Xây dựng lực lượng PTDS ở địa phương, nòng cốt là các đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn; 193/193 xã, phường thị trấn của tỉnh đã thành lập đội xung kích với gần 13.000 người tham gia.
Giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Hà Giang đã bố trí trên 11,7 tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng theo Nghị định 02 và Quyết định 806 của Chính phủ trên 20,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề ban bố tình trạng khẩn cấp về PTDS còn tồn tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật cần điều chỉnh; các biện pháp quy định còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua; chưa có sự liên thông, thống nhất với các luật, pháp lệnh khác. Nội dung các quy định về PTDS chưa đầy đủ, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Thảo luận về dự thảo Luật PTDS, tỉnh Hà Giang có 12 ý kiến đóng góp của các đại biểu. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long và các đại biểu yêu cầu làm rõ hơn về phạm vi, đối tượng và phương pháp điều chỉnh. Đồng thời cho rằng một số quy định trong dự thảo tương đồng với một số luật đang thi hành liên quan đến phòng, chống thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm, xây dựng, y tế, đầu tư…; một số điều khoản thi hành trong dự thảo Luật cần cụ thể, rõ ràng hơn và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn; một số quy định về nguồn lực quy định trong dự thảo Luật cần xem xét lại đảm bảo khi triển khai thuận lợi…
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho rằng, các ý kiến đóng góp rất xác đáng, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo Luật phù hợp thực tiễn. Trung tướng Nguyễn Trọng Bình mong muốn tiếp tục được nghe các ý kiến đóng góp của các đối tượng trực tiếp ảnh hưởng của Luật; các sở, ngành của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, góp ý vào dự thảo Luật để Luật khi được ban hành phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là góp ý vào quy định trạng thái tình huống PTDS trong từng cấp độ sự cố phù hợp cho triển khai…
Phát biểu chỉ đạo tổng thể, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình yêu cầu Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý vào dự thảo các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Vụ Pháp chế phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp; hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo, gửi đăng tải theo quy định và gửi xin ý kiến các bộ, ngành. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, đặc biệt các quân khu chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền nghiên cứu tham gia đóng góp vào những vấn đề liên quan trên từng lĩnh vực chuyên ngành phụ trách.
Khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng quy định, PTDS là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Dự thảo Luật PTDS làm rõ và mở rộng hơn, theo đó: PTDS là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thảm họa do chiến tranh; phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh do thiên nhiên hoặc con người gây ra, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nền kinh tế quốc dân, môi trường, bảo vệ các giá trị vật chất và văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
Về bố cục, dự thảo Luật PTDS gồm 8 chương, 88 điều, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).