Hiện nay Hà Nội có khoảng 2.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, được phân thành 8 nhóm ngành chính: sản xuất lắp ráp phương tiện vận tải như ô tô, xe máy; điện, điện tử, viễn thông; nhóm ngành cơ khí chế tạo máy... Theo đó, doanh thu của ngành này chiếm khoảng 25% doanh thu toàn ngành công nghiệp Hà Nội.
Dù đã có bước phát triển nhất định, nhưng khi bước vào hội nhập, công nghiệp hỗ trợ Hà Nội còn đang ở trình độ thấp, còn khoảng cách lớn về trình độ khi so sánh với các nước khu vực. Chính vì vậy, công nghiệp hỗ trợ trong nước chỉ mới làm được các linh phụ kiện đơn giản cho khối FDI.
Các doanh nghiệp FDI rất khó tìm được nhà cung cấp là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Dù rất mong muốn, nhưng trở thành nhà cung cấp cho công nghiệp FDI vẫn là “sân chơi” khó khăn đối với doanh nghiệp trong nước. Nếu không vươn lên mạnh mẽ, thì ngay tại Việt Nam, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đang đứng trước nguy cơ phải nhường “sân chơi” này cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đến từ các nước khác trong khu vực.
Thế nên, trong Hội thảo Giải pháp Tài chính và hạ tầng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, để giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, ngân hàng Tiên Phong bank (TPBank) triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đối tượng là các doanh nghiệp hỗ trợ đặc thù đến 31/12/2014.
Theo đó, những doanh nghiệp sản xuất có hợp đồng cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp lớn có thể vay tới 90% khoản phải thu bằng USD hoặc VND tại TPBank. TPBank áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 8.0%/năm đối với VND hoặc 3.2%/năm đối với USD cho các khoản vay ngắn hạn (lãi suất cố định 6 tháng), trung và dài hạn (lãi suất cố định tối đa 12 tháng).