Gói thầu số 4 nêu trên (Mua sắm bộ chuyển đổi Xquang cao tần sang Xquang kỹ thuật số, trị giá gói thầu 1,475 tỷ, theo hình thức chào hàng cạnh tranh, nhận hồ sơ dự thầu qua mạng) có hai nhà thầu gửi hồ sơ dự thầu là Cty CP Thiết bị Y tế Đông Á (Đông Á) và Cty CP Thiết bị và Công nghệ Phúc Hưng (Phúc Hưng).
Để tổ chức đấu thầu, PKĐK GTVT Gia Lâm đã chọn Cty TNHH Thương mại và Đầu tư Lê Minh làm tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT); Cty CP Tư vấn và Đầu tư TMT là đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.
Theo kết quả đánh giá của Lê Minh thì cả Phúc Hưng và Đông Á đều đảm bảo tính hợp lệ của HSDT. Khi đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, Tổ chuyên gia đã cho rằng Phúc Hưng không đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu. Cụ thể, Phúc Hưng không đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự . Ngoài ra, Tổ chuyên gia còn cho rằng Phúc Hưng không đáp ứng được yêu cầu về nhân sự chủ chốt ở vị trí chỉ huy thực hiện toàn bộ gói thầu.
Tuy Phúc Hưng đã có bổ sung, làm rõ HSDT nhưng Tổ chuyên gia cho rằng việc bổ sung này không đúng yêu cầu nên kết luận “chỉ có nhà thầu Đông Á được tiếp tục đánh giá về kỹ thuật”.
Sau khi có đánh giá của Tổ chuyên gia, ngày 31/7/2018, PKĐK GTVT Gia Lâm ra Thông báo nhà thầu trúng thầu là Đông Á với giá trúng thầu là 1,475 tỷ đồng.
Ngay sau khi có Thông báo nêu trên, Phúc Hưng khiếu nại cho rằng bị đánh giá “không đạt” về năng lực và kinh nghiệm; không được xem xét, chấp nhận các tài liệu bổ sung, là không đúng quy định. Đồng thời, việc một Cty trúng thầu với giá cao gấp gần 1,5 lần so với giá bỏ thầu của Phúc Hưng là bất thường và có nguy cơ làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, chủ đầu tư cần làm rõ về lý do trúng thầu của Đông Á cũng như công khai về năng lực, kinh nghiệm của công ty này.
Cụ thể, theo quy định về đấu thầu thì hợp đồng tương tự (để đánh giá về năng lực, kinh nghiệm) là hợp đồng có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa của gói thầu đang xét, tương tự về quy mô có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị gói thầu đang xét. Nếu nhà thầu yêu cầu hai hợp đồng hoặc nhiều hơn thì ít nhất phải có một hợp đồng có quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét (có nghĩa lớn hơn hoặc bằng 70% giá trị gói thầu đang xét). Quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải đảm bảo các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét.
Theo quy định trên thì dù đơn vị dự thầu có hai hay nhiều hợp đồng tương tự thì ít nhất phải có hợp đồng có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị gói thầu đang xét (tức là bằng hoặc lớn hơn 1,030 tỷ đồng ). Tuy nhiên, theo hồ sơ mời thầu thì chủ đầu tư và cty tư vấn đã “hạ” tiêu chí này khi chỉ quy định rằng, số lượng hợp đồng là 2; mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu 515 triệu đồng (tương đương 35% gói thầu đang xét) hoặc số hợp đồng ít hơn hoặc nhiều hơn 2, trong đó có ít nhất một hợp đồng có giá trị tối thiểu là 515 triệu đồng và tổng giá trị tất cả hợp đồng lớn hơn hoặc bằng 1,030 tỷ đồng.
Rõ ràng luật đầu thầu và các văn bản hướng dẫn không hề đề cập đến con số “35% giá trị gói thầu” (chỉ đề cập đến con số 70% giá trị gói thầu). Không hiểu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lấy đâu ra quy định về “35% giá trị gói thầu” để làm cơ đánh giá hồ sơ dự thầu trong vụ việc này?
Trước đề nghị của Phúc Hưng về việc chủ đầu tư cần làm rõ về lý do trúng thầu của Đông Á và báo cáo chi tiết về nhà thầu trúng thầu, PKĐK GTVT Gia Lâm cho rằng, trong thông báo kết quả đã nêu rõ lý do trúng thầu và lý do không trúng thầu và đăng tải đánh giá hồ sơ dự thầu công khai theo đúng quy định.
Không thỏa mãn với câu trả lời “chung chung” này, Phúc Hưng tiếp tục đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ việc đánh giá nhà thầu đạt và không đạt trong việc đầu thầu này nhằm đảm bảo quyền lợi của đơn vị dự thầu cũng như hạn chế việc ngân sách nhà nước bị thất thoát.