Trong hai ngày 4 và 5/12, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường trong vụ án Thẩm mĩ viện Cát Tường. Trong phần xét hỏi, tranh tụng, bị cáo Tường cho rằng can thiệp hút mỡ, nâng ngực cho nạn nhân Huyền là thủ thuật y tế, không thuộc phẫu thuật nên không bắt buộc thực hiện tại bệnh viện.
Đại diện viện kiểm sát chất vấn việc phẫu thuật thẩm mỹ phải được thực hiện ở bệnh viện. Bị cáo Tường “cãi” đây là thủ thuật nên có thể làm tại trung tâm thẩm mỹ.
Đại diện viện kiểm sát, bị cáo Tường và luật sư tranh cãi nhưng đến khi phiên tòa kết thúc vẫn chưa ngã ngũ vấn đề, do đại diện Sở Y tế Hà Nội có mặt tại phiên tòa nhưng cũng chỉ là “người lắng nghe”. Vậy việc Tường hút mỡ, nâng ngực cho chị Huyền là “thủ thuật” hay “phẫu thuật”?
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) Bệnh viện nhân dân 115 TP.HCM, nguyên Trưởng khoa PTTM bệnh viện An Bình, thành viên Hội thẩm mỹ quốc tế có một số ý kiến phản biện như sau.
Nâng ngực, hút mỡ là những phẫu thuật thẩm mỹ nguy hiểm
Liên quan đến hai khái niệm “phẫu thuật” và “thủ thuật” trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. BS Thanh cho biết chuyên ngành thẩm mỹ chia thành hai lĩnh vực gồm nội khoa thẩm mỹ và ngoại khoa thẩm mỹ (tức PTTM). Khái niệm PTTM dùng để chỉ những can thiệp vào cơ thể bằng các dụng cụ y khoa có gây chảy máu. Tuỳ theo mức độ can thiệp, phạm vi và phương pháp gây tê tại chỗ, người ta chia thành tiểu phẫu và đại phẫu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh nói về nguyên tắc bơm ngực trong phẫu thuật thẩm mỹ |
Ngược lại thủ thuật thường không gây chảy máu. Ví dụ như phương pháp phun xăm thẩm mỹ, bôi kem ngoài da. Một số can thiệp bằng cách dùng kim bơm chích dung dịch làm đầy đúng phương pháp, không gây chảy máu cũng được xếp vào thủ thuật.
Liên quan đến vụ án thẩm mĩ viện Cát Tường, BS Thanh cho biết dựa vào thông tin trên báo chí, can thiệp nâng ngực, hút mỡ bụng của bác sĩ Tường tiến hành đối với nạn nhân Huyền là can thiệp ở mức độ phẫu thuật.
Ngoài ra có thể bác sĩ Tường đã pha chế sai công thức chất đánh tan mỡ có tên Klein đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới trong lĩnh vực PTTM.
Bác sĩ Thanh cho biết ở nước ngoài, những phẫu thuật như nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ cần phải được tiến hành bài bản, đảm bảo an toàn tại bệnh viện chuyên khoa. Chẳng hạn như khi bơm dung dịch làm đầy, nguyên tắc chỉ tác động vào lớp mô dưới da. Quá trình bơm hoặc hút phải sử dụng dụng cụ chuyên biệt.
Cụ thể dụng cụ bơm, hút thường có đường kính nhỏ hơn 1,2-1,5mm. Đặc biệt lưu ý hệ thần kinh nuôi tuyến vú rất phong phú. Nếu tác động vào tuyến này dễ gây tắc mạch, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Trình bày sâu hơn về can thiệp phẫu thuật hút và bơm mỡ, bác sĩ Thanh cho biết nguyên tắc cơ bản là quy tắc bàn tay. Tức lấy mỡ ra khỏi cơ thể bằng chính con đường đưa dung dịch đánh tan mỡ vào. Hiện nay trên thị trường có nhiều thiết bị ứng dụng trong PTTM được bày bán tràn lan kèm các đĩa hướng dẫn không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên nhiều bác sĩ vẫn mua về làm theo gây nên các tai biến đáng tiếc.
Tóm lại, bơm và hút mỡ trong PTTM là một phẫu thuật phức tạp, có khả năng gây tai biến cao. Nếu không nắm vững kiến thức sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Nên nhớ rằng, mỡ được hút ra ngoài để giảm cân không thể dùng bơm lại vào cơ thể tái làm đầy bởi cấu trúc tế bào mỡ đã bị đánh vỡ, không thể phát triển ở vị trí mới trên cơ thể. Nếu dùng mỡ của chính cơ thể tái làm đầy, quá trình lấy mỡ phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo giữ nguyên cấu trúc.
PTTM phải có chứng chỉ riêng
Cũng tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Tường phản bác công tố viên rằng trên thế giới chỉ có chứng chỉ phẫu thuật tạo hình (PTTH) chứ không có chứng chỉ riêng về thẩm mỹ. Bên cạnh đó, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là một chuyên ngành nhỏ của phẫu thuật tạo hình.
Về khía cạnh chuyên môn, bị cáo cho rằng mình đủ điều kiện tiến hành vì là bác sĩ ngoại khoa và phẫu thuật tạo hình, có trình độ sau đại học về thẩm mỹ.
Phản bác quan điểm trên, BS Thanh khẳng định bằng kiến thức PTTM trong nước và trên thế giới rằng: PTTM khác biệt với PTTH ngay từ khái niệm. các y văn chính thống đều khẳng định điều này và không cần phải nhắc lại.
Có thể ví rằng, nếu PTTH xây dựng nên khung sườn ngôi nhà thì PTTM là chạm trổ các hoạ tiết trên khung sườn đó. PTTM là chuyên ngành sâu rộng, phát triển dựa trên nền tàng PTTH.
BS Thành dẫn chứng rõ hơn: “Chẳng hạn như té ngã dẫn đến chấn thương phần mềm, lộ xương được phẫu thuật che kín, tái tạo gọi là phẫu thuật tạo hình. Hay như bộ phận trên cơ thể bị thiếu hụt được phẫu thuật lấp đầy”.
Bác sĩ Thanh cho biết ở nước ngoài, những phẫu thuật như nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ cần phải được tiến hành bài bản, đảm bảo an toàn tại bệnh viện chuyên khoa. (Hình minh họa - internet) |
Dễ phân biệt hơn, người bệnh trong PTTM thường được gọi là khách hàng. Họ đến với bác sĩ trong tình trạng không chấn thương hoặc chấn thương đã trở về trạng thái bình thường.
Trong khi đó bệnh nhân của PTTH mang những tổn thương rõ rệt. Về mặt hình thức hậu phẫu, PTTH để lại thẹo xấu, có độ dày, vùng da được can thiệp dày hơn bình thương sau đó cần được hạ thấp tạo cân xứng.
Điều kiện nghề nghiệp hiện nay của một phẫu thuật viên PTTM bắt buộc nắm sâu kiến thức 3 lĩnh vực giải phẫu cơ bản gồm: Phẫu thuật đầu, mặt, cổ; phẫu thuật thân mình (ngực, bụng) và hút mỡ tạo hình. Bác sĩ PTTM trước tiên phải có kiến thức PTTH giỏi.
Nhưng không vì thế mà xem PTTM là khía cạnh nhỏ của PTTH. Bác sĩ tiến hành PTTM cần có chứng chỉ riêng, được đào tạo bài bản riêng chứ không thể nói có bằng cấp PTTH là có thể PTTM.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Đình Thuận, tốt nghiệp chuyên sâu phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ tại Pháp; hiện là Giảng viên bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Trường Đại học Y Hà Nội) thì cho rằng, theo quan điểm cá nhân của mình, “thủ thuật” là những thao tác nhỏ như tiêm, chích, hút… còn “phẫu thuật” chỉ những hành động mạnh hơn, quy mô hơn, cần dụng cụ như dao, kéo để cắt, rạch, mổ….